Người dân phải giám sát được việc nêu gương

TP - Nhiều ý kiến cho rằng việc Hội nghị T.Ư 8 lần này xem xét thông qua “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, cần có cơ chế để phát huy được vai trò của nhân dân trong việc giám sát trách nhiệm nêu gương nói trên.

Ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức T.Ư):

Cán bộ cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân

Quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng được chuẩn bị kỹ ngay từ đầu năm và được cấp có thẩm quyền xem xét. Quy định được soạn thảo ngắn gọn với 4 điều, trong đó nhấn mạnh tinh thần là đảng viên phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.

Người dân phải giám sát được việc nêu gương ảnh 1 Ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức T.Ư)

Trong đó, điều 1 quy định chung cho các đảng viên, còn điều 2 và điều 3 dành riêng cho các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban bí thư và ủy viên T.Ư Đảng dựa trên nguyên lý có xây, có chống và xây trước, chống sau. Trong đó quy định rõ, mỗi cán bộ cấp cao phải gương mẫu thực hiện, từ trách nhiệm nêu gương trong quan hệ với tổ chức Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và đối với chức trách, nhiệm vụ, gia đình... Điều 3 nêu rõ, mỗi cán bộ cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân mình và kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái, tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Trước hết cá nhân đảng viên phải tự ý thức, không được vi phạm; khi phát hiện ra thì phải có trách nhiệm đấu tranh, không để người khác vi phạm.

Các quy định này mang tính khuyến khích, răn đe và cảnh báo, còn các chế tài mang tính kỷ luật của Đảng và quy định pháp luật thì vẫn thực hiện như hiện hành.

Ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương:

Phát huy vai trò giám sát của người dân

Việc Trung ương 8 lần này xem xét thông qua “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” là điều hết sức cần thiết. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng ta từ khi thành lập đến nay, tức là “có xây, có chống và xây trước, chống sau”. Điều đặc biệt, theo tôi khi xây dựng quy định đến vấn đề này cần theo hướng “cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”, trong đó tập trung vào các cán bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Bên cạnh đó cần phải có các quy định để lắng nghe, phát huy vai trò giám sát của người dân. Khi người dân phát hiện ra sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tiêu cực, vi phạm, có thể mới phát huy được hiệu quả.

Người dân phải giám sát được việc nêu gương ảnh 2 Ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương


Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Chức vụ càng cao thì càng phải xử lý nghiêm

Gần đây như chúng ta thấy, có rất nhiều cán bộ đảng viên, có chức, có quyền dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực, thậm chí có cán bộ cấp cao còn bị khởi tố, tù tội. Nhiều người còn có biểu hiện vun vén cá nhân, vun vén lợi ích, bổng lộc cho gia đình và người thân. Nếu lãnh đạo mà “chạy chọt” chức quyền, “bổ nhiệm người nhà, người thân” rồi lại lên hội nghị phát biểu ra rả về chống tiêu cực, chống tham nhũng thì ai tin. Do đó, việc Trung ương lần này, thảo luận và xem xét thông qua “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương - là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên để quy định này phát huy được hiệu quả trong thực tế, thì điều quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc giám sát sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu cả trong công việc, lẫn lối sống thì phải cương quyết đưa ra khỏi bộ máy. Chức vụ càng cao thì càng phải xử lý nghiêm minh, không nể nang, “không có vùng cấm”.

Người dân phải giám sát được việc nêu gương ảnh 3 Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Trung ương thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã khai mạc sáng 2/10/2018 tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình ngày làm việc đầu tiên.

Buổi sáng: Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chương trình Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tờ trình của Bộ Chính trị về việc thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trước giờ khai mạc, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã dành phút mặc niệm hai đồng chí vừa từ trần: Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Buổi chiều: Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.