Tay không bắt… thành công

Tay không bắt… thành công
TP - Là một trong những thanh niên tiêu biểu của cả nước được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013, anh Trần Công Hào, 33 tuổi, Bí thư chi đoàn ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng (Thới Lai, TP Cần Thơ) xứng đáng là tấm gương điển hình dám nghĩ dám làm, mỗi năm thu nhập hơn 600 triệu đồng từ mô hình nuôi lợn khép kín.

> Thoát nghèo nhờ chim trĩ
> Làm giàu trên vùng đất cằn cỗi

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng

Trần Công Hào sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Thạnh Phú (Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), có 0,5 ha đất trồng lúa nên chẳng dư giả gì. Anh Hào là con trai cả trong gia đình 4 anh em. Thấy hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên anh Hào dừng việc học khi hết lớp 8, để đi làm thuê kiếm tiền phụ cha mẹ, lo cho các em.

Năm 1999, anh Hào viết đơn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ở Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 Chi Lăng (An Giang). Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Hào tự nguyện đăng ký phục vụ trong quân đội và được lãnh đạo đơn vị chấp thuận cử đi học nghề lái xe. Khóa học kết thúc, anh Hào trở về đơn vị phục vụ ở tổ hậu cần.

Cũng trong thời gian này anh Hào cùng với anh em trong đơn vị tận dụng thức ăn thừa nuôi heo nái, thịt tạo nguồn thức ăn tại chỗ. Sau 7 năm gắn bó với cấp bậc Trung úy chuyên nghiệp, anh Hào xin nghỉ về quê vợ lập nghiệp.

 Với mô hình nuôi heo khép kín, anh Hào vận dụng sáng tạo khả năng nhạy bén, làm kinh tế giỏi của người thanh niên trong thời hội nhập để giảm chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận cao. Với cách làm mới này, Thành Đoàn sẽ vận dụng, nhân rộng và tuyên truyền cho thanh niên khác học tập.

Anh Huỳnh Trung Trứ, Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ

Anh Hào trở về nhà với hai bàn tay trắng, không ruộng đất, được cha mẹ vợ cho nền đất hơn 30 m2. Anh kể, khi vợ sinh cháu đầu lòng, viện phí 480.000 đồng mà gia đình còn không có tiền trả đủ, bệnh viện đành cho nợ.

Năm 2005, anh bàn với vợ vận dụng kiến thức nuôi heo tích lũy được khi còn công tác trong quân đội để chăn nuôi. Năm đầu, anh mua 9 heo con, mỗi con 250.000 đồng, trả tiền trước một nửa, còn một nửa khất nợ. Cha mẹ vợ cho mượn đất xây chuồng.

Để tạo nguồn thức ăn giá rẻ, anh vay tiền mua cối nghiền cám, đi mua cám to giá rẻ ở các nhà máy lớn đem về nghiền lại nhuyễn cho heo ăn. Vụ đầu, bán 7 con được hơn 10 triệu đồng, còn lại 2 con làm giống.

Không dừng lại ở đó, anh Hào nảy ra ý tưởng, nếu đem 10 kg gạo cho heo ăn thì không sinh lãi, nhưng cùng số gạo đó đem chế biến thành sản phẩm khác như bánh đa, bánh tráng, bún thì cám và tiền lãi sản phẩm đủ mua thức ăn. Nói là làm, đến năm 2007 anh đi học nghề. Qua thời gian thực hiện thấy có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng thêm từ một chuồng tăng lên 3 chuồng (mỗi chuồng 20m2 nuôi được 13 con heo thịt).

Vươn lên từ thất bại

Năm 2007, anh Hào nuôi 30 con heo thịt nhưng đến khi heo lớn gần 80kg/con bỗng dưng bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân. Nóng lòng gỡ vốn, anh vay tiền đầu tư tiếp 3 lần nữa nhưng đều thất bại do dịch heo tai xanh bùng phát.

Anh tâm sự: “Trong vòng 2 năm, tôi lỗ gần 200 triệu đồng, nợ nần chồng chất, bế tắc quá có lúc tôi định tự tử cho xong nhưng nghĩ đến con mình bơ vơ. Hơn nữa, cha mẹ 2 bên, người thân khuyên bỏ nghề, đi làm thuê sống qua ngày”.

Quyết chí làm lại từ đầu mặc cho nhiều người can ngăn, cuối năm 2008, anh đi làm tài xế thuê cho chủ ở Cần Thơ được 7 tháng, tích lũy một số vốn về nuôi thử tiếp 2 con heo nái, còn vợ nấu rượu.

Trời không phụ lòng người, từ 2 con heo nái đó đẻ được 12 con (6 đực, 6 cái). Anh giữ lại 6 con cái làm giống. Anh tự nhủ: “Lần này không thành công thì mình chết là vừa”. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, anh theo dõi sát diễn biến của heo một cách cẩn trọng, khoa học. Ngoài ra, anh còn học cách chăm sóc, chữa bệnh, cho heo đẻ, vệ sinh chuồng trại từ các kỹ sư thú y ở trại giống của Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) gần 1 năm.

Năm 2010 có vốn trong tay, anh Hào xây dựng mô hình nuôi heo khép kín, lấy ngắn nuôi dài. Anh mở rộng quy mô chuồng trại, mua máy xay xát lúa, mở rộng quy mô chế biến sản phẩm từ gạo, xây túi biogas, tạo thêm nhiều đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Anh Hào dẫn chứng: Tôi chỉ đầu tư mua lúa lúc vào vụ giá rẻ hơn để cho ra sản phẩm có lãi lớn cùng tấm, cám cho heo ăn, tro bán cho người dân trồng hoa màu, phụ phẩm dư của heo cho gà ăn, phân heo làm khí biogas giúp tiết kiệm tiền gas hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, anh Hào còn hướng dẫn, giúp đỡ người nuôi heo trong vùng kỹ thuật điều trị bệnh, vệ sinh chuồng trại, đỡ đẻ cho heo. Anh Hào cho biết, nông thôn có nhiều người chí thú làm ăn nhưng chỉ thiếu vốn, kinh nghiệm. Anh sẽ hỗ trợ heo giống, kỹ thuật, giúp đỡ 50% vốn đầu tư.

Hiện tại trang trại của anh Hào có 12 heo nái, mỗi năm bán hơn 300 heo con; 115 heo thịt. Năm 2012 trừ chi phí còn lãi trên 600 triệu đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG