Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới toàn diện tuyển sinh

Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới toàn diện tuyển sinh
TPO - Bộ GD&ĐT coi việc đổi mới tuyển sinh là công việc trọng tâm. Dự kiến từ nay đến 2015 sẽ đổi mới từng bước và sau 2015 sẽ đổi mới căn bản, toàn diện. Mục tiêu là thi cử phải gọn nhẹ, thiết thực, không còn áp lực - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói trong buổi họp báo chiều nay (10 - 7).

> Điểm sàn không thể thấp hơn mọi năm 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Điểm sàn không thấp hơn năm ngoái

Với mức độ yêu cầu phân hóa của đề thi và định hướng đối với ban đề thi năm nay, liệu điểm sàn các khối thi có sự thay đổi so với năm 2010?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Định hướng chung của Bộ GD&ĐT đã quán triệt với ban đề thi tuyển sinh 2011 là ra đề không quá khó, không quá phức tạp, nội dung nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu chương trình lớp 12.

Đặc biệt, chủ yếu nhấn mạnh năm nay ra đề có tính phân loại cao, phân hóa cao để chúng ta có phổ điểm thi của thí sinh hợp lý. Hợp lý là phổ điểm trung bình có số lượng thí sinh đạt cực đại. Và như vậy, số lượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối 9,5 hay 10 điểm năm nay có thể ít đi nhưng thí sinh đạt điểm trung bình có thể cao hơn.

Mục tiêu của chúng ta là làm sao phổ đầu vào của các trường rộng ra để các trường tuyển được thí sinh vào học những ngành nghề phù hợp với đăng ký.

Khi đề năm nay có tính phân loại cao như vậy thì điểm tuyệt đối giảm đi, số thí sinh đạt điểm thấp cũng giảm nhưng điểm trung bình sẽ tăng lên... Điểm sàn không thể thấp hơn so với mọi năm. Nhưng kết quả điểm sàn sẽ như thế nào, hội đồng điểm sàn sẽ quyết định khi kết thúc chấm thi...

Vẫn thi “ba chung”

Vậy thưa thứ trưởng, sau kì thi tuyển sinh này, vấn đề đổi mới tuyển sinh có được đặt ra không và phương hướng mà Bộ GD&ĐT đổi mới tuyển sinh đại học là gì?

Bộ GD&ĐT coi việc đổi mới tuyển sinh là công việc trọng tâm. Dự kiến từ nay đến 2015 sẽ đổi mới từng bước và sau 2015 sẽ đổi mới căn bản, toàn diện. Mục tiêu là thi cử phải gọn nhẹ, thiết thực, không còn áp lực.

Nhưng đổi mới toàn diện tuyển sinh phải song song với đổi mới cách dạy và học ở phổ thông, vì vậy phải có lộ trình để các em thay đổi.

Hiện nay, do số thí sinh có nhu cầu thi ĐH cao hơn ba lần so với với chỉ tiêu nên kỳ thi ĐH bị áp lực lớn. Bộ GD&ĐT đang mở rộng mạng lưới đại học và cao đẳng để đến năm 2020, toàn bộ một triệu học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đều có thể vào học ĐH.

Lúc đó, áp lực thi sẽ không còn, chỉ còn thi vào ĐH nghiên cứu tầm cao, tinh hoa. Đó cũng là lúc chúng ta hoàn toàn kiểm soát được đào tạo, giải quyết dứt điểm áp lực tuyển sinh.

Còn hiện tại, khi cầu lớn hơn cung thì vẫn phải tiếp tục thi tuyển để bảo đảm phân loại.

Theo Viết
MỚI - NÓNG