Nhiều lãnh đạo bút phê cho con quan vào thẳng lớp 10

Ông Trà chối đây đẩy khi PV hỏi về vụ đặc cách con quan Ảnh: Phạm Duẩn
Ông Trà chối đây đẩy khi PV hỏi về vụ đặc cách con quan Ảnh: Phạm Duẩn
TP - "Tôi không nắm được việc lo lót, chạy chọt... Chúng tôi cũng nhận được nhiều đơn xin đặc cách có bút phê của lãnh đạo thành phố" - ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng xét tuyển đặc cách nói về vụ 255 HS thi trượt vẫn vào thẳng lớp 10.

 >> Phần lớn HS vào thẳng lớp 10 là con quan
 >> Đặc cách kỳ lạ ở Hải Phòng vi phạm hình sự?
 >> Cháu đỡ đầu gia đình 'hoàn cảnh đặc biệt' được vào thằng lớp 10

Trao đổi về vụ 255 HS thi trượt được đặc cách trái luật vào lớp 10 công lập năm học 2010-2011, ông Vũ Văn Trà cho biết, việc xét tuyển đặc cách đã làm nhiều năm ở Hải Phòng: “Từ năm 2002 thì phải. Lâu lắm rồi tôi nhớ không cụ thể...” - ông Trà nói.

Đơn xin đặc cách có xác nhận đây là con cháu của cán bộ các đơn vị, doanh nghiệp ở Hải Phòng
Đơn xin đặc cách có xác nhận đây là con cháu của cán bộ các đơn vị, doanh nghiệp ở Hải Phòng .


Thưa ông, tuyển sinh vào 10 công lập năm học 2010-2011, Hải Phòng thực hiện theo quy chế tuyển sinh nào?

Chúng tôi thực hiện tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh ở Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT hiện hành.

Con thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách... có được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích như quy chế tuyển sinh không, thưa ông?

Lãnh đạo sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, ngày 8-11, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành họp với lãnh đạo sở để bàn việc giải quyết cụ thể vụ xét tuyển đặc cách trái luật này và sẽ kết luận cụ thể trong vài ngày tới. 

Có chứ. Phải cộng đầy đủ chứ.

Vậy tại sao còn phải thành lập hội đồng để xét tuyển đặc cách nữa?

Nhiều cháu dù được cộng điểm ưu tiên nhưng vẫn chưa đủ điểm đỗ.

Tiêu chí nào để xét tuyển đặc cách như vậy?

Lãnh đạo sở có tờ trình xin ý kiến lãnh đạo thành phố và trên cơ sở thành phố đồng ý, chúng tôi mới làm. Diện được xét đặc cách là con thương binh, liệt sĩ, gia đình nghèo không đủ tiền đóng học phí nên xét cho các cháu vào học công lập để bớt gánh nặng.

Cụ thể bao nhiêu trường hợp là con thương binh, liệt sĩ, gia đình nghèo trong số 255 HS này?

Tôi không nắm được cụ thể. Việc này anh Hạnh, Phó Chánh Thanh tra của Sở trực tiếp lập danh sách mới biết cụ thể.

Là một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, ông suy nghĩ gì khi xét đỗ đặc cách trái luật cho 255 HS đã thi trượt. Việc làm này cũng đồng nghĩa là 255 HS khác thiếu chút điểm mất quyền lợi chính đáng là cơ hội vào học trường công lập?

(Im lặng!)

Ông Trà chối đây đẩy khi PV hỏi về vụ đặc cách con quan Ảnh: Phạm Duẩn
Ông Trà chối đây đẩy khi PV hỏi về vụ đặc cách con quan Ảnh: Phạm Duẩn.

Ông có nghĩ việc đặc cách này làm mất công bằng trong thi cử vào lớp 10 ở Hải Phòng?

Chúng tôi đều xin ý kiến chỉ đạo cụ thể lãnh đạo thành phố cả.

Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố sai, dù biết rõ quy chế tuyển sinh?

Việc xét tuyển đặc cách này làm nhiều năm nay rồi nên chúng tôi cứ thế mà làm. Có lẽ sang năm hạn chế hoặc không làm như thế này nữa.

Dư luận cho rằng phải lo lót, chạy chọt mới được đặc cách như thế này?

Tôi không nắm được việc lo lót, chạy chọt. Tôi không tiếp xúc trực tiếp với đương sự. Chúng tôi cũng nhận được nhiều đơn xin đặc cách có bút phê của lãnh đạo thành phố.

Nếu kiểm tra số 255 HS được đặc cách trái luật này lại có trường hợp không phải trong diện con thương binh, liệt sĩ, nhà nghèo thì sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

Cái này phải hỏi Giám đốc Sở GD&ĐT và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Lam Khê
Ghi

Bộ yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng báo cáo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài về việc đặc cách kỳ lạ ở Hải Phòng, Thanh tra Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng báo cáo.

Theo bà Nghĩa, UBND cấp tỉnh/ thành phố là cơ quan có trách nhiệm phê duyệt phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT hằng năm tại các địa phương. “Để có kết luận về vụ việc, Bộ cần phải đợi báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Phòng. Căn cứ vào báo cáo đó, nếu Bộ thấy Hải Phòng làm sai quy chế thì sẽ đề nghị UBND thành phố Hải Phòng xử lý. Họ xử lý đúng thì thôi, nếu họ xử lý chưa đúng thì Bộ sẽ tiếp tục có ý kiến”, bà Nghĩa nói.

Về thông tin báo Tiền Phong nêu: Sở GD&ĐT đã xin ý kiến về việc đặc cách và được lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đồng ý về mặt chủ trương, bà Nghĩa khẳng định: “Tôi không tin là lãnh đạo tỉnh/ thành phố có thể đưa ra một chủ trương sai với quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có những cá nhân cụ thể, do đọc chưa kỹ quy định nên làm sai, và ai sai thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý kỷ luật cá nhân đó”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.