Ngổn ngang nông thôn mới - Bài 2: Dân chờ vốn hỗ trợ

Xã viên HTX Hải Sơn đã vay tiền đầu tư nuôi gà từ nhiều tháng nay nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ
Xã viên HTX Hải Sơn đã vay tiền đầu tư nuôi gà từ nhiều tháng nay nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ
TP - Xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được chọn làm nơi thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của khu vực Bắc Trung Bộ. Từ đó, Gia Phố đang dần dần khoác lên mình bộ áo mới. Những ngôi trường, trang trại, hệ thống đường làng... bắt đầu mọc lên. Nhưng đằng sau sự đổi thay đó còn nhiều trăn trở...

>> Bài 1 : Mới và cũ

Xã viên HTX Hải Sơn đã vay tiền đầu tư nuôi gà từ nhiều tháng nay nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ
Xã viên HTX Hải Sơn đã vay tiền đầu tư nuôi gà từ nhiều tháng nay nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Gia Phố những ngày cuối tháng sáu nóng như thiêu đốt, những cơn gió Lào thổi rào rào làm sạch bóng những vết bụi còn sót lại trên con đường làng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Chủ tịch UBND xã Gia Phố Nguyễn Văn Cầm cho biết, ngân sách đề án xây dựng NTM xã Gia Phố giai đoạn 2009 đến 2011 trên 40 tỷ đồng, chủ yếu vốn từ ngân sách. Để trở thành xã NTM, Gia Phố cần hoàn thiện nhiều tiêu chí, trong đó đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống kênh mương, đặc biệt là các mô hình kinh tế, đời sống văn hóa... Trong sáu tháng đầu năm 2010, Gia Phố đã đầu tư xây dựng đạt giá trị gần 15 tỷ đồng.

Đứng trên con đường nối từ thị trấn Hương Khê về xã Gia Phố, ông Cầm tự hào: “Hơn sáu tháng xây dựng đã hoàn thành trục đường chính xã đi thị trấn dài gần 2.000m, xây dựng trục đường chính trong xã dài gần 3km và đổ bê tông hơn 2.000m đường giao thông nội đồng, xây dựng 2 ngôi trường tiểu học, mầm non và nhiều dự án sản xuất kinh tế như mô hình chế biến bún tập trung, xây dựng dự án dây chuyền sản xuất muối sấy nghiền và bột canh iốt. Giải quyết việc làm thường xuyên cho cả trăm lao động. Người dân ai cũng vui”.

Tuy nhiên không phải ai cũng nghĩ như ông Cầm. Nhìn vào những công trình mới được xây dựng, ông Nguyễn Văn Vị, trú tại xóm 4, nhận xét: “Đấy, NTM gì chỉ thấy vài con đường, còn cuộc sống người dân nguyễn y vân (vẫn y nguyên). Thậm chí, từ ngày xây dựng NTM, nhiều hộ dân thêm nợ nần”.

Cũng theo ông Vị, để trở thành NTM, lãnh đạo xã đã xây dựng hương ước cải tiến phong tục ma chay, cưới xin. Nhà có đám không được tổ chức ăn uống linh đình. “Nhưng sau vài tháng đưa hương ước vào cuộc sống, người thực hiện người không. Bởi không có quy chế thưởng phạt rõ ràng. Nên về chất, chưa có gì thay đổi”, ông Vị nói.

Dân chờ

Chuyện nợ nần của người dân Gia Phố, như ông Vị nói là có thật. Khi có thông báo của xã về việc Nhà nước sẽ hỗ trợ 700 triệu đồng vốn để HTX chăn nuôi Hải Sơn, thuộc xóm 13 làm đường, điện, chăn nuôi. Nghĩ chủ trương sẽ sớm được triển khai, bảy thành viên của HTX này vay gần 200 triệu đồng đầu tư mua gà, lợn rừng, hươu chăn nuôi. Trong khi gà, lợn đã nằm trong chuồng thì tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu.

 Từ thực tế ở Gia Phố (Hà Tĩnh) và Thụy Hương (Hà Nội), việc xây dựng NTM người ta mới chỉ chú trọng vào các dự án, công trình xây dựng cơ bản, mà vấn đề cốt yếu là đời sống văn hóa làng xã lại ít được quan tâm. Nếu không sớm điều chỉnh thì việc xây dựng NTM chẳng khác chương trình đầu tư cho các xã 135, còn người dân vẫn có tâm lý mong nhận được hỗ trợ của Nhà nước.

“Bao nhiêu lượt cán bộ huyện, tỉnh về vẽ dự án, quy hoạch, trao đổi hứa sớm hỗ trợ vốn nhưng nay tiền hỗ trợ chưa thấy đâu”, ông Phạm Đình Ái, xã viên HTX nói.

Khi nghe xóm trưởng thông báo chủ trương Nhà nước hỗ trợ vốn để hộ gia đình phát triển chăn nuôi, gia đình ông Nguyễn Văn Vị liền vay 15 triệu đồng trồng cây, làm chuồng trâu, chuồng heo. “Sau khi xây xong, lãnh đạo xã cho người về kiểm tra thực tế, nhưng đến nay gia đình tôi mới nhận được 600 nghìn đồng. Biết thế này gia đình tôi chờ khi nào có tiền mới xây dựng”, ông Vị nói.

Cụ Nguyễn Thị Tam, trú tại xóm 2 cho biết, hiện theo chủ trương của xã gia đình cụ trồng hơn 100 cây chuối, 14 cây cam... nhưng đến nay cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, trú xóm 2, việc đầu tư làm đường, bê tông hóa kênh mương là cần thiết nhưng điều người dân cần nhất lúc này là vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển kinh tế. Hầu hết các gia đình tại đây đang mong mỏi có thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Nếu càng chậm được hỗ trợ, người dân lâm cảnh nợ nần, vì tiền vay đều chịu lãi ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Cầm, Chủ tịch UBND xã Gia Phố, việc dân chậm nhận được tiền hỗ trợ là do xã đã gửi danh sách lên nhưng chưa được lãnh đạo huyện duyệt.

Còn nữa

MỚI - NÓNG