Doanh nghiệp xoay xở trong 'bão' giá

Doanh nghiệp xoay xở trong 'bão' giá
TP - Tỷ giá, lãi suất, và giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh đã tác động lớn đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ xoay xở ra sao để vượt bão?

> Nuôi dưỡng nguồn thu

Nhiều doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí thay vì cắt giảm nhân công Ảnh: Xuân Phú
Nhiều doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí thay vì cắt giảm
nhân công. Ảnh: Xuân Phú.

Giảm tối đa chi phí, hạn chế tăng giá

Là doanh nghiệp gắn bó với nông dân, chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, nên không phải cứ chi phí đầu vào tăng là đẩy giá cho nông dân chịu, dù chi phí đầu vào tăng chóng mặt.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang chia sẻ: “Không thể dễ dàng “đẩy” toàn bộ tác động giá đầu vào làm giá bán sản phẩm, mà phải chia sẻ một phần khó khăn cho nông dân”.

Cách mà công ty ông Thon chọn là tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. “Hiện chúng tôi tính thế này, các chi phí xăng xe, điện nước trong công ty phải tiết kiệm tối đa. Việc liên kết giữa các bộ phận phải chặt chẽ. Ví dụ nhân viên của công ty đi xuống các địa bàn, thay vì đi cách nhau trước đây, giờ có thể tính chung ngày lại để chung xe.

Những hoạt động an sinh xã hội cho nông dân, cộng đồng có kế hoạch trước cơ bản công ty vẫn làm, chỉ loại bỏ một vài khoản không cần thiết. Năm nay, về lương vẫn giữ nguyên, nhưng tiền thưởng sẽ phải giảm 15% do tình hình kinh tế còn khó khăn nhiều...”.

Còn ông Nguyễn Đỗ Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhà máy sứ Hải Dương, cho biết: Nhà máy Sứ Hải Dương có may mắn là vừa hoàn tất quá trình tái cơ cấu với điểm nhấn là cắt giảm tối đa chi phí. Cho nên hiện tại có thể nói chúng tôi chưa bị ảnh hưởng gì nhiều. Nhất là về vốn, chúng tôi có thặng dư nên không phải vay ngân hàng.

“Nặng” nhất trong đầu vào nguyên liệu sản xuất của chúng tôi là gas chiếm tới 40% chi phí (để đốt lò) thì rất may vừa rồi giá gas đã giảm mạnh so với tháng trước. Về chi phí lương, do có những đơn hàng ổn định cùng tác động của lạm phát nên chúng tôi xác định là sẽ tăng thêm cho người lao động chứ không hề giảm đi.

Nói chung, trong 100% giá thành thì chỉ có 30% chi phí có tăng, còn lại 70% giảm cho nên giá bán sản phẩm cũng sẽ chưa có điều chỉnh. Hiện thị phần sứ Hải Dương ở miền Bắc chiếm từ 2-25%.

Cơ cấu lại doanh nghiệp, tăng doanh thu

Theo ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Cty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam, tính đến thời điểm này, giá nguyên liệu hạt nhựa sản xuất của chúng tôi đã tăng từ hơn 1.000 USD lên tới 1.200 USD/tấn trong khi giá bán sản phẩm vẫn giữ nguyên. Vốn sản xuất của công ty đa phần là vốn lưu động vay các ngân hàng như ACB, Sacombank, MB.

Hiện với mức lãi vay đã lên tới 19,5%/năm (đấy là còn được ưu tiên) thì chúng tôi cũng chỉ dám cầm cự thêm một thời gian nữa là phải tính đến điều chỉnh giá. Trong kế hoạch 2011 mà HĐQT vừa đề ra chúng tôi xác định phải đạt được lợi nhuận (dù không nhiều).

Về bài toán quản trị, sẽ không có chuyện cắt giảm nhân sự vì bộ máy sản xuất đã tinh gọn tối đa (150 người). Về lương tôi cũng vừa ký tăng một loạt do giá cả tiêu dùng đang ảnh hưởng đến đời sống của hết thảy mọi người.

Với doanh nghiệp chuyên kinh doanh lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Đình Lâm-Chủ tịch HĐQT Tổng cty Tài chính Dầu khí PVFC, nói: “Ưu tiên số 1 là tái cấu trúc lại doanh nghiệp”.

Ông Lâm, cho biết hoạt động chính của PVFC là cho vay sản xuất cho nên chúng tôi xác định phải hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ khách hàng để kiểm tra hỗ trợ cho vay, tham gia vào hỗ trợ tài chính, cơ cấu doanh nghiệp.

Về phía PVFC cũng đang xây dựng đề án tái cấu trúc lại cho mình. Hiện tại để đánh giá bị tác động thế nào của thị trường ngay rất khó. Nhưng về cơ bản chúng tôi sẽ giảm chi phí, hoạt động bộ máy, tái cấu trúc lại tài sản hiện có, danh mục đầu tư.

Về nguyên tắc chúng tôi sẽ cố gắng cắt giảm chi phí trước, không để ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Chuyện lương thưởng thì còn phụ thuộc vào kết quả kình doanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG