Kinh tế đang rất khó khăn

Kinh tế đang rất khó khăn
TP - Báo cáo tại Phiên họp thứ 18 UBTVQH hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình kinh tế đang có rất nhiều khó khăn, có khả năng GDP không đạt 5,5% như mục tiêu đề ra trong năm nay.

> Phá “vòng kim cô” nợ xấu
> 'Thống đốc không thể hứa gì về xử lý nợ xấu'

Kinh tế đang rất khó khăn ảnh 1
Tiền đóng băng trong ngân hàng nhiều.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, 4 tháng đầu năm 2013, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; Lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều gặp khó. Thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao. Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều bất ổn.

 Chúng ta đã có yếu kém trong quản lý thì phải chỉ rõ yếu kém và trách nhiệm của ai chứ không thể nói chung chung mãi 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Đáng lưu ý, theo Chính phủ, tăng GDP quý I cao hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ. Cụ thể, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,93%.

“Nếu các thách thức nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn” – Ông Vinh cho biết.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn cho sản xuất. Có một số ý kiến nhận định các giải pháp tháo gỡ khó khăn để giải phóng hàng hóa tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu còn quá chậm. Trong 3 tháng có 15,7 nghìn DN thành lập mới nhưng số DN ngừng hoạt động, giải thể là 15,3 nghìn, tăng 14,6% so với quý I/2012.

Tiền đóng băng, sao có tăng trưởng?

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến tại UBTVQH có chung nhận định là kinh tế đang hết sức khó khăn, tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn những năm trước.

“Thu NSNN những tháng đầu năm 2013 đạt kết quả thấp so với cùng kỳ, tỷ lệ thực hiện so với dự toán thấp hơn nhiều so với những năm gần đây đang báo hiệu một năm nhiều khó khăn về cân đối NSNN” – Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển nhận định.

Điều đáng lo ngại, theo ông Hiển là dòng vốn đang ứ đọng tại ngân hàng. Dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,44% trong khi dư nợ huy động tăng 5%. Như vậy ngân hàng đang nắm giữ một lượng tiền lớn, nhưng lại không chảy vào sản xuất kinh doanh, nền kinh tế không có khả năng hấp thụ vốn.

Muốn tăng GDP khoảng 5,5% thì tăng tín dụng cả năm phải đạt 14 - 15%, vì các DN đều phải dựa vào nguồn vốn ngân hàng là chính. Nhưng với đà này, kinh tế các quý sau sẽ còn khó khăn hơn.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nếu tình hình dư nợ như báo cáo Chính phủ có nghĩa tiền đang đóng băng tại ngân hàng. Tiền đóng băng thì kinh tế làm sao phát triển được.

“Quốc hội cần phải tập trung bàn giải pháp để tháo gỡ chính sách tiền tệ, phải khoanh nợ, giãn nợ và cho vay tiếp như thế nào đó, chứ để tình hình đến mức này là nguy lắm rồi” – Bà Doan lo lắng. Theo bà, ngoài khơi thông dòng tiền, cần triệt để chống lãng phí trong đầu tư.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.