Vụ 'quan' đánh bạc: Băng ghi hình có thể là chứng cứ

Luật sư Phạm Văn Phất
Luật sư Phạm Văn Phất
TP - Bài viết kèm ảnh được trích ra từ video clip về vụ ông Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Bình tham gia đánh bạc và có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đang rất gây chú ý dư luận Quảng Bình và dư luận cả nước. PV Tiền Phong trao đổi với luật sư Phạm Văn Phất, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh.

>> Vụ Phó Viện trưởng VKSND đánh bạc: Mới nghe, chưa bàn đến
>> Một quan chức Sở Tư pháp chưa giải trình vụ đánh bạc 

Luật sư Phạm Văn Phất
Luật sư Phạm Văn Phất.

Theo quy định pháp luật, hành vi đánh bạc bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Tùy tính chất, mức độ mà hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 248 BLHS, người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn, hoặc đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về hành vi này, mà còn vi phạm, thì sẽ bị xử lý hình sự. Mức hình phạt cao nhất đối với tội này đến bảy năm tù và có thể bị phạt tiền đến ba mươi triệu đồng.

Tương tự, theo Điều 249 BLHS, hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức hình phạt cao nhất đến mười năm tù, phạt tiền đến một trăm triệu đồng.

Băng ghi hình, băng ghi âm, hình ảnh... do các nhà báo thu thập được, có được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự?

Theo Luật Báo chí, nhà báo được quyền sử dụng máy ghi âm, máy ghi hình, máy ảnh... để tác nghiệp. Họ cần xin phép trước khi ghi âm, ghi hình, song trong một số trường hợp, họ có thể không cần xin phép, thậm chí không được để cho các đối tượng biết.

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm. Theo tôi, khi phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về hành vi vi phạm pháp luật một cách cụ thể, có các tư liệu, hình ảnh đi kèm, thì những thông tin đó có thể là nguồn chứng cứ trong hoạt động tố tụng hình sự.

Khi nào thì băng ghi âm, ghi hình trở thành chứng cứ, được dùng để cột tội hoặc cởi tội trong tố tụng hình sự, thưa ông?

Điều 64 Bộ luật TTHS đã quy định chặt chẽ về chứng cứ trong tố tụng hình sự. Theo tôi, để có thể được coi là chứng cứ, băng ghi âm, ghi hình do nhà báo cung cấp phải được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá. Nếu nó đảm bảo không bị cắt ghép, sửa chữa, người được ghi âm, ghi hình không rơi vào tình trạng bị “cài bẫy” v.v., tóm lại là phải phản ánh đúng sự thật khách quan, thì chúng có thể là chứng cứ để cột tội hoặc cởi tội.

Đã có vụ án nào nhờ sử dụng băng ghi hình mà bắt giữ được tội phạm?

Chúng ta đều đã biết, các đường dây ma túy hoạt động nhức nhối tại “xóm Liều” Thanh Nhàn và ngõ Mai Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bóc gỡ là nhờ vai trò rất quan trọng của những băng hình Bộ Công an đã bí mật đặt máy ghi hình ở vị trí thích hợp ghi lại được.

Vụ nữ sinh trung học tại TP Vinh (Nghệ An) bị đánh đập dã man, các đối tượng tham gia hành hung đã và đang được công an kịp thời triệu tập lấy lời khai (báo Tiền Phong đã đăng tải) cũng là nhờ hình ảnh từ video clip.

Việc sử dụng máy ghi hình trong phòng chống tội phạm đang ngày càng phổ biến; các camera an ninh được lắp tại siêu thị, ngân hàng, hiệu vàng... đã và đang phòng chống hiệu quả các đối tượng trộm, cướp.

Lê Anh
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
TPO - Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng hay còn gọi là cửu đỉnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Các chuyên gia nhấn mạnh những bản khắc này được coi là "Địa dư chí lược" của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với hàng trăm họa tiết được chạm nổi tinh xảo.