Không chỉ đạo đức, còn là nghĩa vụ

Không chỉ đạo đức, còn là nghĩa vụ
TP - Theo Hiến pháp và nhiều sắc luật trong đó có Luật Báo chí, bảo đảm an toàn công tác và cuộc sống của người cung cấp thông tin cho báo chí (bảo vệ nguồn tin) không chỉ là vấn đề đạo đức, mà trước hết, đó là quyền và nghĩa vụ của nhà báo và các cơ quan báo chí.

> Bổ sung quy định yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin
> Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan

Bảo vệ nguồn tin chính là bảo vệ một trong những quyền cơ bản của công dân. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Điều 4 Luật Báo chí cụ thể hơn: “Công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

Không chỉ báo chí, các cơ quan có chức năng tiếp nhận nguồn tin từ quần chúng nhân dân như cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra của chính quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng… đều có nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin.

Điều 7 Luật Báo chí quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Để hiểu rõ Điều 7 Luật Báo chí, cần nêu ví dụ cụ thể.

Ví dụ thứ nhất. Lái xe X ghi được hình ảnh một số CSGT nhận tiền mãi lộ trên quốc lộ 3, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên. Sau khi Tiền Phong đăng tải thông tin do anh X cung cấp, Thanh tra Bộ Công an làm việc với các PV, đề nghị cung cấp băng ghi hình và danh tính anh X. Các PV đã cung cấp đầy đủ băng ghi hình, giúp cán bộ thanh tra có căn cứ xử lý cán bộ sai phạm; tuy nhiên, họ từ chối cung cấp danh tính anh X, tránh việc anh X có thể gặp khó khăn khi chạy xe qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ví dụ thứ hai. Trong vụ án “hậu PMU18”, một số PV Tiền Phong được CQĐT triệu tập, yêu cầu khai báo việc một số cán bộ điều tra từng cung cấp thông tin về công tác điều tra vụ án trước đó (có dấu hiệu làm lộ bí mật điều tra). Các PV không thể viện dẫn Điều 4 Luật Báo chí để từ chối, bởi Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có văn bản yêu cầu, và việc khai báo là để phục vụ điều tra vụ án có tính chất nghiêm trọng.

Hai ví dụ trên cho thấy Điều 7 Luật Báo chí vừa có tác dụng bảo vệ quyền tự do báo chí của công dân, vừa có hành lang để xử lý hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí vi phạm pháp luật.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật và báo chí, quy định tại Điều 7 Luật Báo chí không cản trở hoạt động điều tra; nó tương tự quy định chỉ có Viện trưởng Viện Kiểm sát hoặc Chánh án Tòa án mới có quyền gia hạn tạm giam bị can, bị cáo, còn thủ trưởng CQĐT không có quyền này. Việc sửa đổi theo hướng thủ trưởng tất cả các cơ quan tư pháp đều có quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin sẽ làm tăng nguy cơ xâm hại quyền tự do báo chí của công dân.

Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn:

Chưa có kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí

Trước thông tin Bộ Công an có đề xuất sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí, trao đổi với Tiền Phong chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ này chưa có nội dung sửa đổi Luật Báo chí. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa có kế hoạch thực hiện nội dung này.

Theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, muốn sửa đổi luật phải lập ban soạn thảo, tổ biên tập, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, sau đó, trước khi trình dự thảo phải lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Trước đó, trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi Điều 7, Luật Báo chí theo hướng, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin. Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG