Dấu hiệu lọt tội

Dấu hiệu lọt tội
TP - Hôm qua, TANDTC xét xử phúc thẩm vụ án “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Phạm Đình Tiếng, nguyên thiếu tá Công an TP Hà Nội, người đang bị tạm giam đến năm thứ tám.

> Cần hủy án để điều tra lại vụ 'cựu sỹ quan công an bị tạm giam 7 năm'
> Ba điều từ phiên tòa Phạm Đình Tiếng

Bị cáo không được nhận bản án

Bị cáo Phạm Đình Tiếng ra tòa sức khỏe không tốt. Ngoài bị phù thũng, ông Tiếng bị huyết áp cao. Phần mở đầu, ông Tiếng xin hoãn phiên tòa. Ngoài lý do sức khỏe, ông Tiếng trình bày ông không được nhận văn bản thông báo thời gian, địa điểm xét xử vụ án, nên không có sự chuẩn bị để trả lời thẩm vấn. Ông Tiếng còn khẳng định, đến trước phiên phúc thẩm này, ông vẫn chưa được nhận bản án sơ thẩm.

Về việc trên, luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang), bào chữa cho ông Tiếng, đã có đơn khiếu nại từ trước khi mở tòa. Theo đơn của luật sư Tú, cả 3 lần mở tòa (2 lần trước hoãn), ông Tiếng đều không được thông báo trước. Buổi sáng ngày diễn ra phiên tòa, quản giáo đến phòng giam đưa ông Tiếng đi, bấy giờ ông mới biết là đi dự tòa. Theo luật sư Tú, việc giải quyết khiếu nại thuộc Chánh án TANDTC, đến nay luật sư Tú chưa nhận được văn bản trả lời.

Đề xuất hoãn tòa của ông Tiếng không được HĐXX chấp nhận. Phiên tòa vẫn diễn ra. Do sức khỏe yếu, ông Tiếng được phép ngồi để trả lời HĐXX.

Vì sao miễn trách nhiệm hình sự?

Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan- hai vợ chồng cầm đầu đường dây ma túy, đã nhận án tù chung thân và tù 20 năm - ra tòa lần này với tư cách nhân chứng. Theo hồ sơ của CQĐT, Bảy và Lan đã hối lộ ông Tiếng 3 lần, tổng cộng 25.000USD, trong đó lần thứ hai đưa 8.000USD để ông Tiếng tha cho một đàn em của Bảy và Lan, là Nguyễn Viết Mạnh.

Ở các phiên tòa trước, các luật sư bào chữa cho ông Tiếng đã nhận định: CQĐT và Viện kiểm sát kết luận ông Tiếng “nhận hối lộ” song miễn truy cứu hình sự Bảy và Lan là không công bằng. Các luật sư đề nghị, hoặc phải khởi tố “đưa hối lộ”, hoặc phải khởi tố “vu khống” đối với Bảy và Lan. Đề nghị này không được chấp nhận, CQĐT và Viện kiểm sát cho rằng Bảy và Lan đã tự giác khai báo “đưa hối lộ”, vì vậy được miễn trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa hôm qua, một vị hội thẩm đã thẩm vấn Bảy và Lan, qua đó làm rõ: Đối tượng đầu tiên khai ra dấu hiệu đưa - nhận hối lộ (chuyện này vẫn đang được tòa xem xét) là Nguyễn Viết Mạnh. Từ lời khai của Mạnh, CQĐT mới đấu tranh với Bảy và Lan. Theo vị hội thẩm này, Bảy và Lan không phải “tự giác khai báo”, nên việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được HĐXX xem xét khi ra bản án.

Các nhân chứng nêu tình tiết mới

Ông Nguyễn Đại Dương và ông Dương Trường Giang, hai nhân chứng từng bị tạm giam cùng trại giam với Bảy và Lan, trình bày trước tòa phúc thẩm: Không chỉ 2 ông này, mà còn rất nhiều người bị tạm giam tại Trại T16 Bộ Công an biết rõ Bảy và Lan vu khống ông Tiếng.

Ông Giang khai, thông qua tù tự giác, ông được Trần Thị Lan chuyển cho một bản cáo trạng mặt sau chép lời khai của Bùi Trọng Bảy, người ta chuyển cho Lan để Lan học thuộc. Tài liệu này bị cán bộ quản giáo phát hiện, lập biên bản, đốt hủy. Còn ông Dương trình bày, ngay sau khi được tại ngoại, ông Dương đã có đơn trình bày về hành vi vu khống của Bảy và Lan, gửi tới CQĐT và Viện kiểm sát, song ông chưa bao giờ được gọi hỏi về vấn đề này.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục diễn ra.

Bà Phan Lệ Tuyên (vợ ông Tiếng) trình bày, bản danh sách 20 đối tượng ông Tiếng soạn thảo (theo án sơ thẩm, ông Tiếng không báo cáo lãnh đạo Ban chuyên án, chỉ dùng tài liệu này để hù Bảy vòi tiền), bà Tuyên đã được đọc bản sao tại hồ sơ của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Bà Tuyên khẳng định văn bản đó có bút phê của lãnh đạo Ban chuyên án.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG