Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên và lời khen của Thủ tướng

Ông Nguyễn Văn Liên (người chắp tay đứng giữa) đang kể chuyện tìm mộ liệt sĩ
Ông Nguyễn Văn Liên (người chắp tay đứng giữa) đang kể chuyện tìm mộ liệt sĩ
TP - Khả năng đặc biệt của một số nhà ngoại cảm, điển hình là ông Nguyễn Văn Liên đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ.

>> Cuộc kiếm tìm kỳ lạ ở trường Bách khoa

Ông Nguyễn Văn Liên (người chắp tay đứng giữa) đang kể chuyện tìm mộ liệt sĩ
Ông Nguyễn Văn Liên (người chắp tay đứng giữa) đang kể chuyện
tìm mộ liệt sĩ.

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải lúc ấy sau khi nghe báo cáo đã hoan nghênh việc làm của ông Liên và đồng ý với đề nghị của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường về việc tiếp tục triển khai Chương trình khảo nghiệm khả năng tìm mộ từ xa bằng phương pháp ngoại cảm của ông Liên với mức độ cao hơn. Chương trình khảo nghiệm này đã thu được những kết quả "gây sốc" nhưng đáng tin cậy…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Khả năng tìm mộ của ông Liên là một năng lực hiếm có"

Trong bức thư cảm ơn nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết:

"Thư cảm ơn

Kính gửi ông Nguyễn Văn Liên

Đồng kính gửi các ông trong ban lãnh đạo chương trình thực nghiệm năng lực tìm mộ của ông Nguyễn Văn Liên.

Trước đây tôi có nhờ ông Liên, qua Ban lãnh đạo, tìm giúp mộ liệt sĩ Lê Duy Nhuận, là chồng của bạn tôi, chị Duy Liên - Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh.

…Điều đặc biệt quan trọng là lời chỉ dẫn của ông Liên rất chính xác. Theo sơ đồ vẽ từ Hà Nội chúng tôi đã đến đúng nghĩa trang Bến Cát nơi quy tập hài cốt của liệt sĩ Lê Duy Nhuận. Đặc điểm của hài cốt được ông Liên báo trước rất chính xác ( xương sọ, xương chân…).

Chị Duy Liên vì sức yếu không ra Hà Nội được, thay mặt chị và cá nhân, tôi xin cám ơn ông Liên và các vị lãnh đạo chương trình.

Tôi tìm hiểu thêm, được biết ông Liên đã tìm mộ cho một số liệt sĩ là thân nhân của các gia đình bạn bè tôi, rất chính xác. Tiêu biểu là trường hợp chị Nguyễn Thị Tú, nguyên là lãnh đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn trong thời kỳ chống Mỹ. Các gia đình và đoàn thể cơ quan liên quan đến liệt sĩ rất cám ơn ông Liên.

Như vậy chỉ qua những trường hợp mà tôi biết, khả năng tìm mộ của ông Liên không phải là cá biệt và đó là một năng lực hiếm có. Tôi nghĩ cần có biện pháp và điều kiện để giữ lâu dài năng lực này nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân ta; đồng thời góp phần thực hiện chính sách Thương binh Liệt sĩ của Đảng và Nhà nước".

Khả năng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Liên đã "thấu" đến cả Chính phủ. Ngày 13-8-1997 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh truyền đạt trong Công văn số 4027 / KGVX về việc xem xét hiện tượng tìm mộ liệt sĩ của ông Nguyễn Văn Liên.

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đề nghị Bộ Nội vụ ( Bộ Công an), tổ chức phối hợp các đơn vị: Viện Khoa học Hình sự , Liên hiệp khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống, thực hiện nhiệm vụ trắc nghiệm khả năng tìm mộ từ xa của ông Nguyễn Văn Liên thời gian từ tháng 8-1997 đến tháng 12-1997.

Khi các nhà khoa học "soi" các nhà ngoại cảm

Một nhóm nghiên cứu được thành lập với nhiệm vụ đặt ra là trắc nghiệm khả năng tìm mộ từ xa của ông Nguyễn Văn Liên là có thật hay là sự đồn đại mê tín dị đoan. Khi kết thúc quá trình trắc nghiệm sẽ có cơ sở để kết luận và báo cáo Chính phủ.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiệm vụ với tinh thần thận trọng, nghiêm túc, xây dựng các biểu mẫu thống kê, tổ chức theo dõi quan sát, ghi chép, thu thập số liệu, dữ kiện sau đó tổng hợp phân tích, đánh giá và kết luận. Hơn 5 tháng làm việc cố gắng khẩn trương và khách quan với sự cộng tác nhiệt tình của ông Nguyễn Văn Liên.

Kết quả cuối cùng của nhóm nghiên cứu được Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường lúc đó - ông Chu Hảo - báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong công văn 581/ QLKH ngày 12-3-1998 với một số nội dung quan trọng:

"Khả năng tìm mộ liệt sĩ thất lạc của ông Nguyễn Văn Liên là có thật; Tỷ lệ tìm thấy được mộ trong đợt trắc nghiệm tương đối cao (khoảng 70%); Trong mỗi vụ ông Liên đưa ra trung bình khoảng 40- 45 thông tin mà trong quá trình tìm mộ phải xác định đúng thông tin này. Theo tỷ lệ thống kê, tỷ lệ thông tin đúng trong từng vụ khoảng 70 -80%".

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị: "Nhà nước nên giao cho ngành Lao động- Thương binh -Xã hội tổ chức chu đáo để ông Nguyễn Văn Liên giúp nhân dân tìm kiếm hài cốt thân nhân trước hết là các liệt sĩ bị thất lạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ".

Xét đề nghị trên, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã có ý kiến: "Đồng ý với đề nghị của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường về việc tiếp tục triển khai Chương trình khảo nghiệm khả năng tìm mộ từ xa bằng phương pháp ngoại cảm của ông Nguyễn Văn Liên với mức độ cao hơn…".

Ngày 5-4-1998, Thủ tướng Phan Văn Khải nghe báo cáo và có ý kiến: "Hoan nghênh Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan tiến hành khảo nghiệm nghiêm túc. Kết quả khảo nghiệm đáng chú ý. Hoan nghênh cố gắng tích cực của anh Nguyễn Văn Liên trong tham gia khảo nghiệm và đã giúp tìm được hài cốt nhiều liệt sĩ và thân nhân các gia đình".

Từ kết quả được khẳng định ở giai đoạn I, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm tiếp tục được khảo nghiệm ở giai đoạn 2 với mức độ cao hơn và thêm số liệu thống kê. Giai đoạn II, đối tượng nghiên cứu còn thêm những người có năng lực chuyên môn đồng dạng với ông Nguyễn Văn Liên (ông Nguyễn Đức Phụng, bà Nguyễn Thị Nguyện, ông Nguyễn Văn Nhã…).

Thực tế cho thấy, quy trình tiếp nhận thông tin của ông Liên và các đồng môn rất đơn giản: chỉ cần nói họ của người cần tìm mộ và quan hệ giữa người cần tìm với người đi tìm. Từ đó, những thông tin về ngôi mộ liệt sĩ thất lạc sẽ tự đến, hầu như nhà ngoại cảm không phải dò xét, không phải suy nghĩ.

Trong khi cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ, nhà ngoại cảm vẫn có thể nói sang việc khác hoặc làm việc khác xen kẽ mà không gặp trở ngại. Có nhiều ví dụ chứng minh cho khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm mà nhóm nghiên cứu giai đoạn II đã mắt thấy tai nghe và ghi lại dưới đây.

Những điều tai nghe mắt thấy

Trường hợp nhà ngoại cảm khẳng định tìm được vật chứng đặc biệt: Hồ sơ mã số 1047 NTN Thông tin trước: trong mộ có 2 vòng bạc, 4 nhẫn bạc, 6 đồng tiền bằng đồng, 1 đồng tiền bằng bạc, thực tế hoàn toàn chuẩn xác.

Trường hợp tìm thấy vật chứng có tính chất khẳng định: Liệt sĩ là anh ruột của Trung tướng Trương Hữu Quốc (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) tìm thấy tại hầm Củ Chi, bọc nylon xanh và có tên liệt sĩ (trong danh sách 2.100 bộ hài cốt).

"Thông tin của các nhà ngoại cảm đưa ra rõ ràng dứt khoát, mang tính cá biệt cao, không mập mờ kiểu nói dựa; việc vẽ sơ đồ được tiến hành nhanh, dễ xem, dễ hiểu lại khá chính xác."

Một trường hợp khác: Liệt sĩ Nguyễn Danh Bình (Hà Tây): theo tin của đồng đội, đã hy sinh và bị cá sấu ăn thịt; nhưng nhờ thông tin ngoại cảm đã tìm được người chôn cất liệt sĩ, tìm được cả tấm ảnh trong túi áo liệt sĩ lúc hy sinh. Bức ảnh và các bức thư đã được đưa vào Viện Khoa học Hình sự giám định.

Còn nhiều ví dụ về khả năng tìm mộ đặc biệt của các nhà ngoại cảm mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết. Các nhà ngoại cảm nói chính xác đến mức không ít người nghi ngờ họ đã dùng "thủ đoạn": Đến trước từng nghĩa trang, từng địa phương để ghi chép, điều tra địa hình; việc chỉnh mộ bằng điện thoại là do chân gỗ đi theo từng gia đình để điện thoại báo trước cho nhà ngoại cảm.

Có hay không thủ đoạn đó?

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.