Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên
TP - Giáo dục, đào tạo thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

>>  Phần đầu

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện vai trò, vị trí và khả năng cách mạng của thanh niên, Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng chiến lược về “trồng người”, về đào tạo, bồi dưỡng thanh niên thành lớp người có đức, có tài, kế tục sự nghiệp cách mạng một cách trung thành và xuất sắc. Tư tưởng ấy được cô đọng lại, đúc kết và nâng cao từ thực tiễn sinh động của hơn nửa thế kỷ lãnh đạo cách mạng của Người.

Đó là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Có thể nói, đây là tư tưởng bao trùm nhất của Hồ Chí Minh về công tác thanh niên; bồi dưỡng và phát huy lực lượng thanh niên là bản chất của công tác vận động thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1958, nói chuyện tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II và III toàn miền Bắc, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề “trồng người”: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (8).

Thật ra không phải đến lúc đó Hồ Chí Minh mới nghĩ đến chiến lược “trồng người”, mà ngay từ khi bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã ý thức một cách rõ ràng về chiến lược “trồng người”, luôn xem đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của cách mạng.

Nhắc lại việc thực hiện tư tưởng cách mạng có ý nghĩa chiến lược đó, năm 1961, tại Đại hội lần thứ 3 của Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh kể lại rằng:

“Từ năm 1925, ngay từ khi mới thành lập, Hội thanh niên cách mạng đồng chí đã lo đặt viên đá đầu tiên để chuẩn bị cho tổ chức Thanh niên sau này. Lúc đó, Hội bắt đầu nuôi dạy 10 thiếu niên Việt Nam… và cuối cùng chỉ còn lại một Lý Tử Trọng là người thanh niên cộng sản Việt Nam đã anh dũng hy sinh cho cách mạng.

Từ chỗ chỉ có một Lý Tử Trọng, đến ngày nay chúng ta có 78 vạn đoàn viên Đoàn Thanh niên lao động hăng hái ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Tiến bộ đó làm cho Bác rất vui sướng và trẻ lại. Nó làm cho lòng Bác phơi phới như hoa nở trong mùa xuân (9).

Sau này, trong nhiều bài nói và bài viết, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta phải xem trọng và có trách nhiệm trong việc giáo dục, đào tạo các thế hệ tương lai. Người căn dặn “phải uốn cây từ lúc cây non”, phải trồng người từ lúc con người còn ấu thơ. Cho đến lúc sắp từ giã cõi đời, tư tưởng “trồng người”, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vẫn được Hồ Chí Minh khẳng định trong Di chúc.

Trong thực tế, Hồ Chí Minh không chỉ nghĩ mà chính Người đã dành nhiều công sức cho việc tạo nên những hạt giống cho sự nghiệp cách mạng; giáo dục, rèn luyện và đào tạo nhiều thế hệ thanh thiếu niên nước ta trở thành những cán bộ, đảng viên và chiến sĩ cách mạng ưu tú, thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Hơn bao giờ hết, ngày nay tư tưởng Hồ Chí Minh trong chiến lược “trồng người” cũng như việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” càng đặt ra thành một yêu cầu cấp bách và giữ vai trò quyết định đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục thanh niên, vấn đề giáo dục toàn diện luôn được coi trọng, trong đó nhiệm vụ bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn có một vị trí đặc biệt quan trọng và then chốt.

Năm điều Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên nhân ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 thể hiện rất rõ mong muốn của Người là: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Đây là một luận điểm rất quan trọng của Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên.

Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn các cán bộ làm công tác thanh niên rằng cần giúp thanh niên xây dựng cho mình “lẽ sống cao đẹp”. Người dạy thanh niên phải sống có lý tưởng và chỉ rõ rằng “Lý tưởng của thanh niên ta ngày nay là độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”.

Phải “Trung với nước, hiếu với dân” “làm cho dân giàu nước mạnh” để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho ích nước lợi nhà nhiều hơn” (10).

Hồ Chí Minh dạy thanh niên phải kiên trì thực hiện mục đích, lý tưởng, phải làm đầu tàu, gương mẫu, có lòng dũng cảm và ý chí cách mạng, vươn lên không chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn, thử thách nào trên mọi lĩnh vực học tập, rèn luyện, lao động, chiến đấu, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên (11)”.

Hồ Chí Minh dạy thanh niên phải sống có đạo đức, phải “luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng”, vì đạo đức là “điều chủ chốt nhất”, “là cái gốc”, “là nền tảng để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang”. “Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức, phẩm chất mà Hồ Chí Minh mong mỏi ở thanh niên là Trung, Dũng, Cần, Kiệm, Khiêm tốn; là những điều cụ thể hằng ngày mà mỗi người có thể tự phấn đấu làm được.

Đạo đức cách mạng là “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước”; “không ham địa vị, công danh phú quý; đem lòng chí công vô tư mà đối với mọi người, đối với việc; chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, nên nói ít làm nhiều, thân ái, đoàn kết”; “bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân”. Đạo đức cách mạng là phải “đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân (12)”.

Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải cố gắng học tập và chỉ rõ những điều cần học, học để làm gì, học thế nào và học ở đâu. Người viết: “Ở nơi nào cũng có thể học, làm việc cũng phải học (13), “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”; “Học để làm người”, để yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức; “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà” (nói chuyện với học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương Hà Nội ngày 18/12/1954).

Thanh niên phải “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân (14) Thanh niên với nhiệm vụ học tập và việc hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho thanh niên học tập là một nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên.

Trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải đào tạo, bồi dưỡng họ thành những người “Có khả năng hoạt động thực tiễn, không nên đào tạo ra những con người chỉ thuộc sách làu làu”.

Chăm lo đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên.

Trong cảnh nước mất, nhà tan; trong khi nhân dân chưa có cơ hội và đủ sức mạnh để vùng lên giành chính quyền, Hồ Chí Minh vạch rõ: Phải thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh cả dân tộc. Và chính người đã lập ra tổ chức thanh niên để từ đó tổ chức ra Đảng của giai cấp công nhân.

Nhưng sau khi nhân dân ta giành được chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hoàn cảnh Đảng chưa hoạt động công khai, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Chính phủ phải lo các công việc giúp đỡ thanh niên để anh chị em thanh niên góp phần kháng chiến và kiến quốc”. Đó là vào những ngày cách mạng mới thành công.

Sau này, vào thời gian tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một số cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động thanh niên, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước tự phê bình về điều này và yêu cầu các cấp, các ngành sớm khắc phục. Người thường xuyên đòi hỏi: “Từ nay, Trung ương và các cấp Đảng bộ địa phương sẽ săn sóc hơn nữa đến công tác của Đoàn”.

Trong di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người vạch rõ rằng Đảng và Nhà nước phải có chính sách bồi dưỡng, đào tạo thanh niên thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”…

Giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua tổ chức; xây đi đôi với chống; học đi đôi với hành, xử lý tốt mối quan hệ giữa giáo dục và tự giáo dục; nêu gương người tốt, việc tốt… là những luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục thanh niên.

Là nhà giáo dục lớn, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến khoa học sư phạm và phương châm, phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng thanh niên.

Trong nhiều bài viết, bài nói, Người đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của phương pháp giáo dục thanh niên, thường nhắc nhở chúng ta những vấn đề rất cơ bản. Người nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố” (15).

Người nhấn mạnh rằng: “Công cuộc xây dựng đất nước là trường học rất tốt cho chúng ta rèn luyện đạo đức cách mạng (16); và “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh xã hội” (17).

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục trong hành động, giáo dục trong thực tiễn, đào tạo bồi dưỡng bằng thử thách qua giao việc, trao nhiệm vụ với lòng tin yêu, tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên hoàn thành nhiệm vụ là “cách tốt nhất”, là phương pháp phù hợp với đặc điểm thanh niên.

Hồ Chí Minh dạy thanh niên phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân để rèn luyện, trưởng thành. Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng thanh niên muốn tập hợp để thành sức mạnh, để giúp nhau tiến bộ phải đứng trong tổ chức.

Năm 1925, khi chuẩn bị thành lập Đoàn, Người đã viết trong cuốn “Đường cách mệnh”: “Thanh niên cộng sản đoàn là cái trường huấn luyện thanh niên”. Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên sẽ được hướng dẫn, giúp đỡ khi đứng trong tổ chức. Sau cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Tổng đoàn thanh niên Việt Nam (tiền thân của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) do Đoàn Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt để đoàn kết, tập hợp mọi thanh niên yêu nước, giúp họ giác ngộ cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh lại chỉ thị thành lập các đơn vị thanh niên xung phong: Đây là một hình mẫu đầy sáng tạo nhằm giúp thanh niên có cơ hội rèn luyện và cống hiến trong một tổ chức phù hợp với đặc điểm của thanh niên, lại được lãnh đạo chặt chẽ, đảm bảo thực hiện mọi nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ. Ngày nay, hình mẫu thanh niên xung phong vẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng trong việc góp phần xây dựng, bồi dưỡng nhân cách cho lớp người mới.

Như vậy, luận điểm của Bác về đào tạo, giáo dục thanh niên thông qua các tổ chức Đoàn, Hội và các hình thức tập hợp khác do Đoàn, Hội chi phối đã thực sự phát huy tác dụng và phát triển từ thấp lên cao trong suốt tiến trình cách mạng từ khi có Đảng đến nay.

Trong thời gian tới, vấn đề xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội thanh niên vững mạnh là một trong những biện pháp cơ bản, một phương thức hết sức quan trọng nhằm góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách cho tuổi trẻ.

Trong một dịp nói chuyện với Đoàn viên thanh niên, Bác dạy: “Thanh niên phải biết xây dựng cái gì và chống lại cái gì”. Người rất quan tâm đến vấn đề xây dựng ý chí cách mạng, lòng dũng cảm, tính vị tha, tính nhân đạo… Người khuyên thanh niên cần chống lại ba loại kẻ thù: Chủ nghĩa đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu, chủ nghĩa cá nhân. Các nội dung xây và chống vừa nêu trên còn nguyên giá trị thời sự và luôn nhắc nhở chúng ta thường ngày.

Xuất phát từ niềm tin yêu đối với tuổi trẻ, nhất là đối với khả năng cách mạng của họ; xuất phát từ sự đánh giá khách quan những đặc điểm của thanh niên, Hồ Chí Minh dạy rằng “cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và tự giáo dục”. Người nói: “Thanh niên ta bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình” (18).

Hồ Chí Minh là người chỉ đạo trực tiếp cuộc cải cách trong phương thức đào tạo ngay sau khi nhân dân ta vừa giành được chính quyền. Người nhấn mạnh phương châm: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Từ thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh hiểu rõ nguyện vọng tha thiết của số đông thanh niên là mong muốn phấn đấu vươn lên thành người tốt, tôn vinh những anh hùng, noi gương những hành vi cao cả... Chính vì lẽ đó, Người có sáng kiến lớn phát động trong nhân dân ta, trước hết là trong thanh niên phong trào “Người tốt, việc tốt”.

Bác dạy: “Trong mỗi con người có cả mặt tốt, mặt xấu. Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Hồ Chí Minh trực tiếp theo dõi trên báo chí, đọc báo cáo của các ngành, đoàn thể… và đánh dấu những gương người tốt, việc tốt, cho kiểm tra rồi tặng thưởng huy hiệu của Người.

(Còn nữa)

Hồ Đức Việt
Nguyên Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

(8), (9) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, t.2, NXB Sự thật, 1980, tr.91, 219

(10) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Sđd, tr.132-133

(11) (12) (13) (14) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, tr. 93, 288, 415, 376

(15) (16) (17) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, tr. 212, 199, 133

(18) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Sđd, tr. 183

Do khuôn khổ trang báo, Tòa soạn buộc phải lược bớt một số đoạn ngắn. Bạn đọc có thể đọc toàn văn bài viết trên Tiền Phong điện tử: www.tienphong.vn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.