Lên bờ, khó khăn bao vây

Lên bờ, khó khăn bao vây
TP - Thua lỗ, khánh kiệt, bị Trung Quốc bắt tàu… nên giải nghệ đã đành, nhưng với những tàu ngày ngày no cá trở về từ biển xa, vẫn đang bị khó khăn vây bủa ngay tại bờ.

Nguy hiểm ngoài khơi, gặp khó trên bờ - Bài 2:

Lên bờ, khó khăn bao vây

Hiểm nguy ngoài biển, gặp khó trong bờ

Chủ nậu là vua

Thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh (tàu ĐNa 90449) giãi bày: Chỉ khi lênh đênh trên biển, tụi tui mới cảm nhận được sự sảng khoái, tự do của mình, được hòa mình với đại dương. Còn khi lên bờ, với khoang đầy cá cập cảng, nghĩ tới giá cả, tới sự o ép của chủ nậu là mất hứng, bao nhiêu niềm vui tiêu tan cả.

Không khó khăn lắm để nhận ra những chủ nậu tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà – Đà Nẵng), nơi neo đậu trú tránh bão cũng như là điểm tập kết, bán cá của giới tàu xa, gần bờ. Vào thời điểm khó khăn ngư trường, tàu lớn nằm bờ ràn rạt nên không khí buôn bán, cân đo ở âu thuyền vắng hẳn. Những ngày vừa qua, chỉ có 3 tàu ở Thanh Khê đủ can đảm ra Hoàng Sa là tàu ĐNa 90449, ĐNa 90305 (thuyền trưởng Lê Xuân Dũng) và ĐNa 90406 (thuyền trưởng Nguyễn Đình Tuấn). Trong 3 tàu này, chỉ có tàu ĐNa 90406 vẫn chưa về, còn 2 tàu của thuyền trưởng Thạnh và Dũng đã cập âu thuyền từ 4 ngày nay. Ngoài ra, cũng có một vài tàu cá Quảng Ngãi đang cập ở âu thuyền, bán cá xong mới chạy về quê. H. – một chủ nậu có tiếng ở âu thuyền Thọ Quang, trong tay có 3 chiếc xe tải nhỏ, đang chỉ đạo thu mua cá nục ở âu thuyền, khoát tay: Càng ngày càng hiếm cá đẹp. Tàu nào cũng đưa cá xấu kiểu này vào, họ lỗ đã đành, tụi tui cũng chẳng có gì mà ăn.

Người phụ nữ tên H. này nổi tiếng chơi đẹp với giới ngư dân, sẵn sàng cho chủ tàu mượn 200 – 300 triệu làm chi phí ra khơi, ứng trước cả tiền thực phẩm, dầu, gas… nhưng vẫn không tránh khỏi điều tiếng ép giá. Chị H. nói: "Đầu tư tiền cho họ, đương nhiên họ bán cá cho tui là điều không thể tránh khỏi. Quy luật mà, tui có ép họ xuống vài giá thì cũng là điều đương nhiên, có gì lạ đâu". Nói là chỉ ép vài giá, nhưng với quy trình 1 - 2 - 4 mà họ đưa ra cũng đủ thấy, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là ngư dân. Theo thuyền trưởng Lê Xuân Dũng, quy trình 1 - 2 - 4 có nghĩa là ngư dân cập bến bán cá, tôm mực cho chủ nậu là 2, còn chủ nậu sau khi phân loại, bán hải sản loại vừa, xấu ra chợ với giá 2 còn loại hải sản đẹp, tốt nhất được họ phân ra, nhập cho các nhà hàng, công ty, cho đầu mối quen ở các chợ là 4. Tất nhiên, ở khâu cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu với giá cắt cổ, mà đối tượng được hưởng không phải là người trực tiếp làm ra hải sản: ngư dân.

Hai tàu ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi vừa cập âu thuyền Thọ Quang, trúng lớn mẻ cá nục, cá làm mắm. Chủ nậu vừa chỉ đạo cân cá, liên tục chê bai: Cá xấu thế này, tui nể lắm mới lấy, chứ chẳng ai dại gì mà ôm. Lỗ sặc máu. Đại diện chủ tàu đang bận chi thu, một thuyền viên nói nhỏ: Chị ấy nói thế để ép giá thôi. Giờ không bán giá rẻ, để vài ngày nữa cá hư, lúc đó còn lỗ nữa.

Tàu ĐNa 90449 của thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh mới trở về cách đây 5 ngày, với gần 8 tấn cá ngừ sọc dưa. Đây được coi là phần thưởng của sự can đảm trong 2 chuyến biển gần đây nhất của anh Thạnh. Lần này, với 8 tấn cá ngừ sọc dưa, anh Thạnh mất đúng 4 ngày bán ra chợ. “Tui không bán cho chủ nậu nữa, họ ép giá quá. Giá bán ra chợ là 32 – 35 ngàn/kg mà chủ nậu cân 27 ngàn/kg. Cũng may lúc đi tui bỏ tiền túi, vay mượn bà con bạn bè chứ không ứng tiền của họ”.

Theo anh Thạnh, thời gian gần đây, tiểu thương ở chợ liên tục mua giá cao khiến hàng loạt tàu xa bờ lỡ ký hợp đồng mua bán với chủ nậu khóc ròng vì bị ép giá. Bán cho tiểu thương ở chợ thì ngư dân cũng chẳng được yên. Một thuyền trưởng nói: Không hiểu sao, bán cho chủ nậu thì dễ, bán cho người ngoài khó thế. Tại nơi này, nậu là vua, họ cho thì bán, không thì thôi. Tàu anh Lê Xuân Dũng cập cùng ngày với tàu anh Thạnh, cũng được khoảng 7 tấn cá ngừ sọc dưa, nhưng đến hôm nay, vẫn còn dư 2 tấn chưa bán được. Anh Dũng nói: Giá chợ cao, tụi tui cũng chỉ cố gắng bám trụ ở cảng, bán kiếm chút lời để trả phí cho thuyền viên. Bán cho chủ nậu giá thấp quá.

Không thể vắng nậu ?

Một nghịch lý tồn tại là ngay trước âu thuyền Thọ Quang, hàng chục công ty chế biến thủy sản đang hoạt động. Tuy nhiên, theo các chủ tàu, thuyền trưởng, chưa bao giờ họ được gặp trực tiếp người của các DN nghiệp này ra thu mua cá. Tất cả quy trình đều phải qua tay chủ nậu. Anh Hồ Ngọc Thạnh tâm sự: Bọn tui cũng muốn bán trực tiếp cho công ty, vì họ mua giá cao, nhưng ngặt nỗi chẳng biết tiếp cận thế nào? Ông Trần Văn Lĩnh – Giám đốc Cty CP thủy sản Thuận Phước, nói: Chúng tôi vẫn mua cá trực tiếp từ ngư dân, với điều kiện họ phân loại cá tốt, đưa đến tận Cty, chúng tôi có bộ phận tiếp nhận đàng hoàng. Tuy nhiên ngành nghề nào cũng vậy, làm sao mà thiếu bộ phận trung gian được. Chưa nói đến chuyện họ cho ngư dân mượn tiền, chỉ việc phân loại, đóng gói, chất lên xe chở đến công ty chắc chắn ngư dân cũng không làm được. Họ không có thời gian. Thứ hai, ngư dân nhập cá cho các công ty, phải cầm phiếu thu lên ngân hàng lấy tiền, họ cũng khó làm được. Vì thế, tất cả đều phải qua chủ nậu.

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, bất cứ trong lĩnh vực nào, khi xuất hiện chủ nậu thì bên phía làm ra sản phẩm, là ngư dân cũng phải chịu thiệt thòi. “Lỗi là ở cơ chế. Chúng ta ai cũng nhận thức được điều đó, giải quyết không khó lắm nhưng quan trọng có làm hay không ? Nếu bây giờ ngân hàng nhà nước cởi bỏ lãi suất, cho ngư dân vay vốn để họ không qua nậu, rồi chính quyền tạo điều kiện để họ bán thẳng ra chợ, bán thẳng cho công ty, tạo nên một lộ trình và thành thói quen. Lúc đó, ngư dân sẽ nhận thành quả xứng đáng với công sức họ bỏ ra” – ông Lĩnh nói.

Tôi đã đề nghị tổ chức một hội thảo về vấn đề này từ lâu, đó là làm sao xóa bỏ cơ chế chủ nậu - trung gian. Và nếu họ tồn tại thì phải theo một chế tài như thế nào. Nhưng rốt cuộc, chẳng có ai hưởng ứng. Thôi thì phải chấp nhận như vậy thôi” - Ông Trần Văn Lĩnh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG