Đảng của em gái Thaksin chiến thắng

Đảng của em gái Thaksin chiến thắng
TP - Đảng đối lập chính Pheu Thai của em gái ông Thaksin Shinawatra giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan hôm qua, dọn đường cho doanh nhân Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng.

Tổng tuyển cử ở Thái Lan:

Đảng của em gái Thaksin chiến thắng

> Thái Lan: Tổng tuyển cử hứa hẹn nhiều kịch tính

Tối 3-7, đương kim Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thừa nhận thất bại của đảng Dân chủ cầm quyền và nói rằng, sẵn sàng trở thành đảng đối lập.

Với 94% số phiếu bầu đã được kiểm, kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho thấy, đảng Pheu Thai (Vì người Thái) của bà Yingluck Shinawatra giành được 261 trong tổng số 500 ghế của Hạ viện, đủ để đứng ra lập chính phủ mới. Đảng Dân chủ của ông Abhisit chỉ giành được 162 ghế.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở thủ đô Bangkok hôm qua, bà Yingluck (44 tuổi) từ chối tuyên bố chiến thắng cho đến khi có kết quả kiểm phiếu cuối cùng.

Tuy nhiên, bà nói: “Tôi không muốn nói rằng, hôm nay đảng Pheu Thai chiến thắng. Đó là chiến thắng của mọi người”. “Anh Thaksin gọi điện chúc mừng và khích lệ tôi. Anh ấy nói rằng, còn nhiều việc khó khăn phía trước”, bà Yingluck nói với phóng viên sau khi có kết quả thăm dò dư luận sau bầu cử.

Trong một cuộc phỏng vấn phát trên Đài Truyền hình PBS (Thái Lan), ông Thaksin gọi kết quả sơ bộ là “một bước tiến”. “Người dân mệt mỏi vì sự bế tắc. Họ muốn nhìn thấy sự đổi thay một cách hòa bình”, ông Thaksin phát biểu từ Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

Ông Thaksin rời Thái Lan đến Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất để tránh án tù 2 năm với tội danh hối lộ. Ông cho rằng, việc kết án có động cơ chính trị.

Năm 2006, ông Thaksin Shinawatra (lúc đó là thủ tướng) bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Sau đó, ông Abhisit (được giới quân sự ủng hộ) lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Năm ngoái, các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ khiến Bangkok tê liệt, 90 người chết, 1.800 người bị thương.

Ông Thaksin Shinawatra Ảnh: Getty Images
Ông Thaksin Shinawatra Ảnh: Getty Images.

Ông Thaksin sẽ về nước?

Hôm qua, sau khi nghe tin đảng của em gái mình chiến thắng, cựu thủ tướng Thaksin nói ông không cảm thấy được trả thù và “sẵn sàng tha thứ tất cả”. Ông Thaksin nói sẽ “chờ thời điểm thích hợp” để trở về Thái Lan. “Nếu sự trở lại của tôi gây vấn đề thì thôi sẽ không làm thế. Tôi nên là giải pháp, không phải là vấn đề”, ông Thaksin nói.

Hôm qua, Tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, tái khẳng định cam kết tuần trước đó rằng, quân đội trung lập trong đợt tổng tuyển cử, xóa bỏ tin đồn rằng, quân đội sẽ lại đảo chính.

“Tương lai Thái Lan phụ thuộc vào việc giới thượng lưu truyền thống có sẵn sàng chấp nhận tiếng nói của người dân hay không”, ông Pavin Chachavalpongpun công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định. Chiến thắng của đảng Pheu Thai càng lớn thì “chính phủ của bà Yingluck càng ổn định, và sẽ càng khó cho giới thượng lưu chống lại”, ông Pavin nói.

“Người dân muốn thay đổi và họ đã đạt được nguyện vọng. Đông đảo người dân vẫn muốn hầu hết những gì mà cựu thủ tướng Thaksin đã làm cho đất nước trong quá khứ”, Kongkiat Opaswongkarn, Tổng giám đốc Cty Asia Plus Securities (Thái Lan), nói.

Ông Thaksin được lòng đông đảo dân nghèo nông thôn, trong khi bị tầng lớp trung lưu và thượng lưu thù ghét. Ông Thaksin bị coi là mối nguy đối với nguyên trạng xã hội, thậm chí đối với nền quân chủ lập hiến được tôn kính ở Thái. Trong thời gian làm thủ tướng, ông Thaksin bị chỉ trích vì tính độc tài và bị buộc tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực…

Ông Abhisit, người học kinh tế ở Trường Đại học Oxford (Anh), sử dụng chiến dịch tranh cử để đổ lỗi cho đảng đối lập và những người ủng hộ gây ra tình trạng hỗn loạn ở Bangkok năm 2010. Ông nói rằng, một phiếu bầu cho bà Yingluck là một phiếu bầu cho sự hỗn loạn. Ông cũng tuyên bố rằng, tổng tuyển cử là “cơ hội tốt nhất để loại bỏ độc chất mang tên Thaksin khỏi Thái Lan”.

Ông Abhisit và những người ủng hộ tin rằng, bà Yingluck đang âm mưu đưa anh trai về nước thông qua lệnh ân xá áp dụng với các tội phạm chính trị kể từ vụ đảo chính quân sự. Bà Yingluck nói rằng, điều đó nhằm hòa giải tất cả người Thái, không chỉ anh trai mình. Ông Abhisit khẳng định sẽ tiếp tục phản đối lệnh ân xá đối với ông Thaksin, nhưng nói rằng “từ nay trở đi, tôi muốn nhìn thấy sự hòa giải trong xã hội”.

Một số nhà ngoại giao Mỹ ngay từ năm 2009 dự đoán rằng, bà Yingluck sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan. Đại sứ Mỹ tại Thái Lan hồi năm 2009 là ông Eric John viết trong một bức điện ngoại giao đề ngày 25-11-2009 rằng, dù sống trong bóng của anh trai, bà Thaksin có tương lai tươi sáng dù lúc đó không giữ chức vụ chính thức gì trong đảng Pheu Thai. Tuy nhiên, bà nói rất tự tin về hoạt động, chiến lược và mục tiêu của đảng - dấu hiệu của một nhà lãnh đạo mới.

Minh Long tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.