Mỹ - Iran: Khó có khả năng xảy ra chiến tranh

Mỹ - Iran: Khó có khả năng xảy ra chiến tranh
TP - Những căng thẳng đang leo thang giữa Iran - Mỹ và đồng minh đang bơm vào bầu không khí ở khu vực Trung Đông khét lẹt mùi thuốc súng.

> Trận hải chiến dữ dội giữa Iran và Mỹ cách đây 24 năm

Có cảm tưởng bất cứ lúc nào chiến tranh cũng có thể nổ ra nếu xuất hiện một tia lửa nhỏ từ mỗi bên. Nhưng liệu một cuộc chiến có thể xảy ra ngay trong những ngày đầu của năm mới 2012?

Nếu nghe những ngôn từ mỗi bên tung ra nhằm vào nhau, khả năng ấy là có thể. Trong lúc vòng vây kinh tế thông qua các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh đang phát huy tác dụng, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tới thăm nhiều nước thuộc khu vực Mỹ-Latin.

Trong đó có không ít quốc gia “thâm thù” với chính quyền Mỹ, nhằm ít nhất cũng “lên dây cót tinh thần” cho người trong nước và phần nào nắn gân Mỹ. Đồng thời, Iran nói sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nếu bị cấm xuất khẩu dầu mỏ.

Đáp lại, báo chí Mỹ nói Iran bắt đầu chương trình làm giàu uranium tại một cơ sở dưới lòng đất. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta còn thẳng thừng tuyên bố Mỹ sẽ có phản ứng quân sự nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa, vì đây là tuyến hải trình quan trọng cho 1/5 lượng dầu cung cấp cho thế giới lưu thông.

Tuy nhiên, dù Mỹ, Anh, Pháp đã cử tàu chiến tối tân tới vùng Vịnh, dù các bên không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn, có thể nói khả năng xảy ra chiến tranh là không nhiều.

Về thực lực quân sự, Iran chắc chắn “không có cửa”so với Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, sự ủng hộ của các nước đối với quốc gia Hồi giáo vùng Trung Đông là rất hữu hạn.

Bên cạnh đó, những quốc gia có tiếng nói ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như Nga, và nhất là Trung Quốc dù vẫn phản đối Mỹ can thiệp chuyện Iran, nhưng những tiếng nói ấy cũng không có nhiều lý do để tỏ ra quyết liệt. Tuy Trung Quốc, nước đang nhập 1/3 sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran, không dễ dàng “bật đèn xanh” cho hành động bủa vây hoặc tấn công Iran, nhưng Bắc Kinh thừa hiểu trong bối cảnh hiện nay, chơi với ai có lợi hơn.

Khi nền kinh tế Mỹ đi xuống, khi giá dầu tăng cao, một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là Trung Quốc. Chẳng thế mà dù không mong muốn có chiến tranh, Trung Quốc đã nhanh chóng chuẩn bị các đầu mối mua dầu mỏ khác ngoài Iran.

Ngay cả Mỹ, dù lớn tiếng vậy, cũng khó có thể hào hứng phát động một cuộc chiến mới ngay sau khi vừa khép lại hai cuộc chiến dai dẳng và tốn kém ở Iraq và Afghanistan, trong khi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi.

Một lý do nữa khiến khả năng xảy ra cuộc chiến Mỹ-Iran không cao: Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang đi vào giai đoạn sôi động. Không lẽ gì, ông Barack Obama bước vào Nhà Trắng với việc kết thúc hai cuộc chiến lại thay đổi chiến lược vốn được coi là cơ bản để đem lại cho ông sự ủng hộ của dân Mỹ.

Mục tiêu mà người Mỹ muốn chính là sự thay đổi đến từ bên trong Iran hay nói cách khác là mong muốn xuất hiện “một mùa xuân Ảrập” nữa. Đó chính là lý do Mỹ và đồng minh ra sức tấn công vào nền kinh tế Iran, tạo điều kiện cho lực lượng đối lập trong nước.

Tuy nhiên, cũng tương tự CHDCND Triều Tiên, Iran đang nắm trong tay một lá bài mang tên chương trình hạt nhân và đây chính là biến cố khiến tình hình Iran có thể biến đổi ngoài dự đoán bất cứ lúc nào. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani ngày 12-1 khẳng định nước này sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng sẵn sàng trở lại bàn đàm phán sáu bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.

Các quan chức ngoại giao ngày 13-1 cho biết Iran đã đồng ý cho phép các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc tới Iran, dự kiến ngày 28-1.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.