Nỗ lực cứu vãn nền tài chính EU

Nỗ lực cứu vãn nền tài chính EU
TP - Tỷ phú Mỹ George Soros đã quyết định “chung tay” cứu châu Âu khỏi cuộc khủng hoảng đang lơ lửng trên đầu.

> EU thống nhất cơ chế ổn định thị trường tài chính
> Hiến pháp chung Châu Âu: Phê chuẩn hay đóng băng?

Nhà tài phiệt nổi tiếng cùng gần 100 chính trị gia, nhà kinh tế và doanh nhân của Liên minh châu Âu (EU) đứng chung một bức thư gửi tới các lãnh đạo của EU, trong đó nhóm này kê toa phương thuốc đặc trị để khôi phục sức khỏe nền kinh tế cựu lục địa.

Tuy vậy, phương thuốc được các chuyên gia cho là bao hàm các giải pháp kỹ thuật nhằm “giảm đau” tạm thời chứ không thể làm dứt hẳn bệnh.

Ông Soros, người Mỹ gốc Hungary, đã đưa ra những biện pháp gì? Trong thư, “những người châu Âu có trách nhiệm” kêu gọi thành lập một quỹ tạo vốn cho khu vực đồng euro, đồng thời yêu cầu thắt chặt kỷ cương về chi tiêu trong các quốc gia thành viên EU, đổi mới quy định về ký quỹ và bảo hiểm, thúc đẩy một chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Bức thư viết: “Nếu những biện pháp nói trên không được thực thi, hệ thống tài chính thế giới có thể sụp đổ”.

Chắc chắn chẳng ai “cãi” được những lý luận trên khi hầu hết nhà kinh tế Âu-Mỹ đều cho rằng, hệ thống tài chính châu Âu đang trên bờ vực và có thể sa chân bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp khẩn cấp. Điều đó hoàn toàn rõ ràng, chỉ có điều biện pháp nào thực sự cần thiết vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

“Thách thức rất lớn trong khi khu vực đồng euro đang tỏ ra bất lực và chúng ta không thể đưa ra những biện pháp hợp lý. Dù vậy, lãnh đạo EU dường như bắt đầu hiểu vấn đề thực sự là gì”, Stijn Verhelst, chuyên gia của Học viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia (Bỉ), bình luận.

Tuần qua, khắp châu Âu dậy lên những lời ta thán rằng, EU đã không thể phản ứng kịp thời trước các “đám cháy” đang bùng lên chỗ này chỗ kia. Người thì cho rằng, khi thành lập khu vực đồng tiền chung, EU đã không xây dựng cơ chế vận hành hệ thống tài chính, người lại nói vấn đề gốc rễ là sự khiếm khuyết của mô hình quản trị.

Cũng có người lại lý giải: những vấn đề nghiêm trọng của EU bắt nguồn từ khâu thủ tục, hoặc quá mất thời gian, hoặc quá cồng kềnh, phức tạp trước khi một quyết định được đưa ra, ví dụ có bảo lãnh các nền kinh tế gặp vấn đề như Hy Lạp, Bồ Đào Nha… hay không.

Cuối tuần qua, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 yêu cầu châu Âu trong vòng 8 ngày (hạn cuối là ngày 23-10 khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU) phải có kế hoạch toàn diện để quyết liệt giải quyết khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro, chặn đổ vỡ dây chuyền và bảo vệ các ngân hàng châu Âu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG