Bệnh sỏi mật cần theo dõi và điều trị kịp thời

Một ca mổ nội soi cắt túi mật Ảnh: H.S
Một ca mổ nội soi cắt túi mật Ảnh: H.S
TP - Tôi đi khám sức khỏe định kỳ, sau khi xét nghiệm và siêu âm được chẩn đoán máu nhiễm mỡ và mắc sỏi túi mật. Bác sĩ có kê đơn thuốc và nói nếu không đau thì có thể chung sống mà chưa cần phải can thiệp; đồng thời tư vấn cho tôi điều chỉnh chế độ ăn để giảm cholesterol máu. Tôi có nên khám chuyên khoa không? - (ng.t.anh.23.@gmail.com)

> Chế độ ăn cho người bị sỏi mật

Một ca mổ nội soi cắt túi mật Ảnh: H.S
Một ca mổ nội soi cắt túi mật. Ảnh: H.S.

Trả lời:

Sỏi mật là bệnh thường gặp ở Việt Nam. Đây là một bệnh về đường tiêu hóa, do sự xuất hiện sỏi cholesterol hoặc sỏi sắc tố mật.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, ở Việt Nam trước kia, chủ yếu là sỏi sắc tố mật, sỏi chủ yếu nằm trong gan và ống mật chủ gây nhiễm khuẩn đường mật, còn sỏi túi mật chỉ chiếm 5-10%. Nhưng ngày nay, sỏi túi mật chiếm tới 50% trường hợp sỏi mật, đồng thời tỷ lệ sỏi cholesterol cũng tăng cao. Nguyên nhân phần lớn phụ thuộc vào chế độ ăn uống.

Độ tuổi mắc sỏi mật rất phong phú, từ 20 đến 60 tuổi. Trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới từ 4 đến 6 lần. Có nhiều nguyên nhân gây nên sỏi mật, như: béo phì; dư thừa hoocmon nữ (Estrogen); sử dụng thuốc giảm cholesterol thường xuyên; bệnh tiểu đường; giảm cân quá nhanh; nhịn đói triền miên; nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

Trong đó béo phì là yếu tố nguy cơ lớn thứ nhất cho bệnh sỏi mật phát triển, đặc biệt với phụ nữ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, béo phì làm giảm số lượng muối mật bài tiết và cũng là nguyên nhân tăng hàm lượng cholesterol trong máu và gan. Béo phì cũng giảm nguy cơ tống xuất của túi mật.

Bên cạnh yếu tố béo phì, nhiễm ký sinh trùng đường ruột là đặc điểm nổi bật của sỏi đường mật ở Việt Nam nói riêng và xứ nhiệt đới nói chung. Loại ký sinh trùng thường thấy là giun đũa chui từ ruột lên đường mật.

Khi mắc sỏi mật, đa số bệnh nhân nặng có cảm giác đau rõ rệt xuất hiện đột ngột ở vùng hạ sườn phải, lan lên vai hoặc sau lưng. Cơn đau có thể kéo dài từ 15 phút đến vài giờ kèm theo đổ mồ hôi hoặc ói mửa. Trường hợp nhẹ, có thể không đau hoặc chỉ âm ỉ, tức nặng ở hạ sườn phải.

Các biểu hiện khác như sốt nhẹ hoặc sốt kéo dài khi bị nhiễm trùng đường mật. Vàng da khi xuất hiện sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan. Trường hợp chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.

Sỏi mật có thể có những biến chứng rất nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong như: áp xe gan – đường mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, chảy máu đường mật… Nếu ứ mật kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan mật thứ phát.

Đối với bệnh nhân mắc sỏi mật, cần thực hiện chế độ ăn uống chọn lọc. Nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều mỡ, cholesterol như phủ tạng động vật, trứng, các chất kích thích như chè, cà phê, cacao, chocolate. Nên dùng thức ăn giàu đường bột vì loại thức ăn này dễ tiêu, không ảnh hưởng tới mật. Gia tăng chất xơ để giúp tiêu hóa tốt, tránh táo bón.

Trường hợp của bạn mặc dù chưa có chỉ định can thiệp nhưng rất nên theo dõi chuyên khoa thường xuyên để phát hiện diễn tiến bệnh kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Hiện nay, kỹ thuật can thiệp cắt túi mật bằng nội soi được ứng dụng rộng rãi trong điều trị hạn chế tổn thương sau phẫu thuật và bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG