Dùng công nghệ xác định bàn thắng trong bóng đá

Dùng công nghệ xác định bàn thắng trong bóng đá
TP - Cuối cùng, sau bao tranh cãi, công nghệ xác định bàn thắng cũng được được chấp nhận đưa vào sử dụng trong bóng đá. Một bước ngoặt lớn trong hệ thống luật thi đấu của môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh.

> FIFA sắp quyết công nghệ xác định bàn thắng

Pha bóng dẫn tới bàn thắng không được công nhận ở trận Ukraine thua Anh 0-1 tại Euro 2012. Ảnh: AP
Pha bóng dẫn tới bàn thắng không được công nhận ở trận Ukraine thua Anh 0-1 tại Euro 2012. Ảnh: AP.

FIFA cho biết công nghệ xác định bàn thắng sẽ được chính thức giới thiệu và sử dụng tại Cúp thế giới các CLB vô địch , Club World Cup, tại Nhật Bản vào tháng 12 tới, đồng thời cũng lên kế hoạch áp dụng tại Cúp Liên lục địa 2013 và World Cup 2014 cùng tổ chức tại Brazil.

FIFA sẽ sử dụng cả hai công nghệ được giới thiệu là Hawk-Eye (mắt diều hâu) và GoalRef (công nghệ cảm ứng từ) ở giải đấu tại Nhật Bản, sau khi cả hai công nghệ này cùng nhận được sự nhất trí ủng hộ của Ủy ban Luật quốc tế IFAB, TTK FIFA Jerome Valcke cho biết.

Hawk-Eye là hệ thống camera theo dõi đường đi của trái bóng do một công ty Anh quốc xây dựng và đã được sử dụng ở các giải tennis, cricket. Trong khi đó GoalRef là dự án hợp tác Đan Mạch-Đức, sử dụng cảm ứng từ để theo dõi trái bóng đặc biệt được gắn chíp.

Theo kế hoạch giải Ngoại hạng Anh sẽ chọn một trong hai hệ thống này để sử dụng tại ngay từ mùa giải tới, với chi phí ước tính khoảng 250.000 USD cho mỗi sân đấu.

Thực tế quyết định chấp thuận đưa vào áp dụng công nghệ xác định bàn thắng của IFAB đã được dự đoán từ trước và hoàn tất sự thay đổi thái độ của chủ tịch Sepp Blatter về vấn đề này. Trước đó FIFA kịch liệt phản đối sử dụng công nghệ giúp trọng tài đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, sau khi tận mắt chứng kiến bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard ở trận gặp Đức tại World Cup 2010, ông Blatter đã thay đổi quan điểm.

Hai này sau đó, ông tuyên bố FIFA phải xem xét lại vấn đề này, nhưng vẫn bảo lưu quan điểm không sử dụng hình ảnh video phát lại can thiệp vào các quyết định khác của trọng tài, như phạt penalty hay việt vị.

Đây được coi là thắng lợi của ông Blatter trước chủ tịch UEFA Michel Platini, người hết lòng ủng hộ sử dụng tổ trọng tài năm người và kiên quyết phản đối việc áp dụng công nghệ vào bóng đá.

Dẫu vậy, tổ trọng tài năm người cũng cho thấy không sức người không thể loại bỏ hoàn toài sai sót, khi một trọng tài Hungary đã từ chối bàn thắng của Ukraine trong trận gặp tuyển Anh.

Tuy nhiên, việc sử dụng tổ trọng tài năm người cũng nhận được sự ủng hộ của IFAB, sau ba năm thử nghiệm ở hơn 1.000 trận đấu và chính thức áp dụng tại Euro 2012.

Vì thế, không có sự bắt buộc phải sử dụng hệ thống xác định bàn thắng nào hoặc tổ 5 trọng tài người đối với các giải đấu. Theo đó các BTC giải đấu tùy chọn phương thức, cùng chi phí cho sự lựa chọn đó, cho giải đấu của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG