Thiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dân

Thiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dân
TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên viện trưởng Viện Năng lượng, khẳng định rằng nguyên nhân chính của việc thiếu điện không phải như những gì các quan chức đã trả lời.

>>Thiếu điện do tầm nhìn thấp
>> Ngành điện lý giải cắt để sửa, dân phát khùng

 
Thiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dân ảnh 1

TS Nguyễn Mạnh Hiến - Ảnh: L.K.

* Là người hiểu sâu về lĩnh vực này, theo ông thì do đâu?

- Tôi nghe các thành viên Chính phủ trả lời trước Quốc hội, rồi nhiều vị cũng hứa trên báo chí. Nhưng dân chưa thỏa mãn và chính tôi cũng không thỏa mãn. Năm nào cũng đổ cho phụ tải tăng nhanh, rồi mùa khô nhà máy thủy điện thiếu nước... Đây là những nguyên nhân đã biết từ lâu rồi, năm nào chả thế.

Khi tôi còn tham gia xây dựng các tổng sơ đồ điện hàng chục năm trước thì tất cả đã thấy vấn đề đó rồi, lường trước rồi. Vì vậy trong các tổng sơ đồ điện đều đề cập rất rõ lộ trình xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí.

Phụ tải tăng nhanh cũng không phải là điều bất ngờ, vì chúng ta đã dự báo đến năm 2010 cần khoảng 100 tỉ kWh, thực tế cho thấy đúng như vậy. Vậy tại sao từ năm 2005 đến nay liên tục thiếu điện trong mùa khô?

Câu trả lời là các nhà máy nhiệt điện chạy than đã không vào đúng tiến độ. Hai nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng và Quảng Ninh đều có công suất 600MW lẽ ra phải vào từ năm 2008, nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong. Hai nhà máy này bắt đầu triển khai từ năm 2002, đến năm 2004 thì khởi công xây dựng, đến nay là gần bảy năm.

Không bao giờ một nhà máy nhiệt điện xây dựng đến bảy năm cả, người ta chỉ xây dựng từ 32-36 tháng thôi. Nếu hai nhà máy này vào đúng tiến độ, chúng ta có mỗi ngày gần 30 triệu kWh thì không thể thiếu điện.

Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt mà nhiều người không dám nói ra là tại sao hai nhà máy nhiệt điện này vẫn chưa đi vào hoạt động.

* Phải chăng do chạy nhà máy nhiệt điện thì giá thành cao nên chủ đầu tư không muốn làm đúng tiến độ, không muốn xây dựng khẩn trương để đưa vào khai thác?

- Tôi cho rằng không phải như vậy, có lẽ ở năng lực nhà thầu hai công trình này hoặc có khó khăn nào đó. Cần làm rõ vì sao hai nhà máy này lại làm lâu như vậy. Hai nhà máy này có công suất lớn, gần bằng tổng công suất của tất cả nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc. Theo tổng sơ đồ điện, lẽ ra hai nhà máy này phải hoạt động trước cả thủy điện Sơn La thì mới đủ điện.

* Trong khi thiếu điện thì lãnh đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn đưa ra rất nhiều lời hứa và không thực hiện được...

- Phải sòng phẳng và nói thật với dân. Từ năm 2005 đến nay liên tục thiếu điện, không phải vì chúng ta không có tiền đầu tư, không phải vì chúng ta không nhìn thấy trước vấn đề. Chúng ta đã nhìn thấy vấn đề và triển khai nhiều dự án điện, vốn liếng đã được phân bổ đầy đủ. Nhưng tại sao hai dự án như tôi đã nêu lại không vào đúng tiến độ?

Câu hỏi này chủ đầu tư phải trả lời và phải chịu trách nhiệm.

* Có nghĩa thiếu điện không phải lỗi quy hoạch?

- Hàng chục năm trước chúng tôi dự báo năm 2010 cần 96 tỉ kWh, con số này là không sai.

* Thưa ông, vậy tại sao các tổng sơ đồ điện lại thay đổi mau chóng: tổng sơ đồ 6 vừa được phê duyệt để thay thế tổng sơ đồ 5, nhưng nó gần như chưa được thực hiện lại phải làm tiếp tổng sơ đồ 7?

- Người ta đang đặt ra nhiều vấn đề cho tổng sơ đồ 6. Năm 2006-2007 làm tổng sơ đồ này trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng về mùa khô, người ta sợ quá nên phải nâng nhu cầu, nâng mức dự báo lên và tạo ra một bức tranh rất hoành tráng về điện.

Người ta tính từ nay đến năm 2020 thiếu khoảng 100 triệu tấn than cho nhiệt điện. Nhưng thực tế không đến mức như vậy, tôi nghĩ rằng tổng sơ đồ 6 phá sản và người ta đang phải làm gấp tổng sơ đồ 7 để điều chỉnh. Cũng vì tổng sơ đồ 6 đã vẽ một bức tranh hoành tráng về điện nên người ta dự báo phải nhập khẩu than từ năm 2012, tôi cho rằng không đến mức như vậy.

* Như vậy theo ông, khi nào chấm dứt cảnh thiếu điện?

- Nếu hai nhà máy nhiệt điện trên đưa vào hoạt động được trong năm nay, cộng thêm sản lượng điện bổ sung từ tổ máy số 1 thủy điện Sơn La dự kiến phát điện vào cuối năm nay thì sẽ không thiếu điện. Những năm tới nếu các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Mông Dương (Quảng Ninh)... vận hành thì không thể thiếu điện.

Theo Lê Kiên
Tuổi Trẻ

 Xóm quạt giấy mùa cúp điện

 Thiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dân ảnh 2

Nhà anh Tý ở kiệt 401 huy động bốn nhân lực làm quạt trong mùa mất điện - Ảnh: Nguyễn Đông

Chưa bao giờ xóm quạt giấy ở đường Chi Lăng, phường Phú Hậu (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) lại nhộn nhịp như lúc này. Mất điện, quạt giấy “cháy” hàng nên nhà nào cũng tập trung làm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Xóm quạt giấy nằm sâu trong hẻm 399 và 401 đường Chi Lăng. Giữa trời oi bức, cả xóm tất bật người chẻ tre, người cắt giấy, người phơi quạt... Con đường dẫn vào kiệt đã nhỏ nay thêm chật vì quạt giấy giăng kín khắp hai bên đường, hàng rào, sân nhà... Người thạo việc có thể làm hơn 100 quạt giấy mỗi ngày.

Giá bán sỉ cho đầu mối tại các chợ từ 1.500-2.000 đồng/chiếc. Trừ mọi chi phí, thu nhập bình quân 80.000-100.000 đồng/người/ngày.

Chị Nguyễn Thị Tâm, 47 tuổi, ở số nhà 2/399, cho biết quạt giấy của xóm không chỉ bán ở Huế mà còn ở Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng. “Năm nay mất điện liên tục nên quạt giấy làm ra đến đâu bán hết đến đó. Cả xóm có khoảng 15 hộ làm nghề này, mỗi ngày sản xuất hàng ngàn cái quạt” - chị nói.

 
MỚI - NÓNG