Trục hay không trục?

Một góc đô thị Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên
Một góc đô thị Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên
TP -  Khi “ông” Bộ Xây dựng nói gà, “bà” Hà Nội nói vịt xung quanh tranh cãi về “trục Hồ Tây - Ba Vì và Trung tâm hành chính Quốc gia Ba Vì”. PV Tiền Phong đã phỏng vấn KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội.

>> Về quy hoạch chung Thủ đô: Hà Nội vẫn giữ quan điểm

Một góc đô thị Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên
Một góc đô thị Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên.

Ông Nghiêm nói: Quy hoạch chung Hà Nội năm 1998, đến nay đã nhiều lần điều chỉnh, nâng quy mô lên rất lớn, nhiều nội dung dự báo không chính xác, nhiều nội dung trong quy hoạch không thành hiện thực. Khu vực lõi trung tâm không những không giảm dân số mà còn tăng lên đến 40 vạn người.

Góp ý đúng một số việc nhưng hơi muộn

Về trục Ba Vì - Hồ Tây và xây trung tâm hành chính Quốc gia tại Ba Vì, theo ông có phù hợp không trong điều kiện hiện nay?

Tôi thấy anh Thảo (Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo-PV) nói một số việc đúng, nhưng tiếc là nói hơi muộn! Lẽ ra phải nói ngay từ tháng 4-2010, trước khi họp Quốc hội. Quan điểm chuyên môn của tôi thì có một số vấn đề đặt ra: Hà Nội là một đô thị lịch sử. Khi phê duyệt quy hoạch cần xem xét kế thừa một cách có chọn lọc, kế thừa ưu thế của quy hoạch cũ.

KTS Đào Ngọc Nghiêm
KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Ví dụ như trung tâm Hoàng Thành, quy hoạch mạng lưới ô bàn cờ ở khu trung tâm, quy hoạch xanh; quy hoạch giao thông hình mạng nhện gồm các tuyến đường vành đai và tuyến xuyên tâm.

Các tuyến vành đai nhằm phân bố giao thông. Các tuyến xuyên tâm bao giờ cũng có điểm đầu, điểm kết thúc dẫn tới các trục không gian. Tuy nhiên, trong quy hoạch 108 -1998 không hề đề cập đến trục Ba Vì- Hồ Tây.

Còn đối với Trung tâm hành chính Quốc gia tại Ba Vì chúng ta phải lưu ý rằng, trên thế giới chỉ có 11 quốc gia tách trung tâm chính trị với hành chính, trong đó chỉ có 4 quốc gia thành công. Vậy Việt Nam có lý do gì đặc biệt để tách trung tâm hành chính với trung tâm chính trị?

Nhưng việc dự trữ đất là cần thiết nhất là trong tình hình đất đai tại nội thành dành xây dựng trụ sở nhiều bộ, ngành đã cạn kiệt?

Hiện có nhiều bộ đang xây mới như Bộ Ngoại giao, nhiều bộ đã được cấp đất mới như Tài nguyên Môi trường, Nội vụ, Khoa học Công nghệ, Công an...Vậy chả nhẽ trong vòng có mấy chục năm nữa lại không khai thác sử dụng vị trí này mà lại dồn lên Ba Vì? Nếu bộ nào chưa có đất thì ta tìm mới, ví dụ khu Tây Hồ Tây hiện nay vẫn còn quỹ đất ước khoảng gần 60 ha có thể dùng để bố trí trụ sở.

Ngay cả khu Mỹ Đình cũng còn đất nếu ta điều chỉnh quy hoạch. Trong khi theo dự báo của quy hoạch chung thì chỉ cần khoảng 200-300 ha là đủ. Theo tôi có thể quy hoạch mang tính dự báo quỹ đất tại Ba Vì để sử dụng sau 2030, còn dùng để làm gì thì cũng không nên cụ thể.

Lo thành quy hoạch treo

Bộ Xây dựng cho rằng dân số khu vực Hoà Lạc, Sơn Tây tương lai lên đến 1 triệu người nên nhu cầu đi lại rất lớn, mặt khác rất cần có điểm nhấn cho quy hoạch Hà Nội mở rộng nên cần thiết xây dựng trục Ba Vì- Hồ Tây?

Ba Vì cần xác định là không gian xanh. Nếu khẳng định tuyến Hồ Tây- Ba Vì là không gian xanh thì có đảm bảo không gian của công chúng không? Hay là thu hút các dự án hai bên đường? Tuyến đường Láng - Hòa Lạc, tuyến 32 đang được mở rộng dang dở, đường quốc lộ 1 đang triển khai, đường sắt trên cao, hàng loạt cầu mới, nơi đỗ xe đòi hỏi vốn đầu tư rất tốn lên đến cả chục tỷ đô la.

UBNDTP Hà Nội: Trục Hồ Tây - Ba Vì không có ý nghĩa

Trục hay không trục? ảnh 3
“Trục đường này hệ quả gắn liền với việc quyết định vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia, ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững. Khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính Quốc gia mới tại Ba Vì, thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị- xã hội”. - Trích văn bản của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ 

Có thêm con đường mới để giảm ách tắc giao thông là yếu tố hay. Nhưng người quyết định cần tính toán đến bài toán kinh tế có khả năng thực hiện không hay là lại biến thành quy hoạch treo.

Thứ hai là nhiều tuyến đường chưa được hoàn thiện mở rộng như Láng-Hoà Lạc, quốc lộ 32. Thứ ba là yếu tố văn hoá. Hoà Lạc đang có 8 vạn dân, vậy làm cách nào nâng lên 60 vạn cho 2030?

Nhiều người cho rằng nếu quy hoạch mới của Hà Nội không có trục Thăng Long, không có Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì thì sẽ chẳng có điểm nhấn và Hà Nội mới chỉ là một phép cộng đơn thuần?

Bộ Xây dựng: Trục Hồ Tây - Ba Vì là cần thiết

Trục hay không trục? ảnh 4

“Tuyến đường Hồ Tây- Ba Vì là cần thiết bởi lưu lượng giao thông ra phía tây Hà Nội rất lớn. Chúng ta phải nhìn bức tranh toàn cảnh TP, không nên đặt vấn đề đường này, đường kia cách nhau bao xa...

Vấn đề là cần bổ sung các đầu thoát giao thông ra khỏi nội đô chứ không phải như Hà Nội đếm thấy có nhiều đường rồi thì thôi”. - Trích trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong của Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Đình Toàn

Đến lúc này Hà Nội 1.000 năm tuổi, chúng ta cần suy nghĩ tạo lập ra hình ảnh của đô thị lịch sử. Nhưng tiếc rằng chúng ta chưa làm được điều này.

Trong khi đó Hà Nội tiềm ẩn trong lòng mình rất nhiều giá trị quý báu như khu phố cổ, Cổ Loa ngàn năm lịch sử, Hoàng Thành và hệ thống các di tích... chúng ta chưa kết nối được. Chúng ta chưa nhận diện được hết các giá trị văn hóa lịch sử.

Trong đồ án này nổi lên là ý tưởng phát triển Thủ đô theo mô hình chùm đô thị, giữa các đô thị là hành lang xanh đó là đúng đắn. Nếu chúng ta phát triển tốt các đô thị vệ tinh thì sẽ giảm đáng kể áp lực vào trung tâm.

Ngoài ra còn vấn đề thoát lũ, xử lý ô nhiễm môi trường, quy hoạch đất nghĩa trang... Đây cũng là thế mạnh của đồ án này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khả năng thực hiện ra sao.

Hai que diêm không thể xếp thành hình tam giác

Hiện Hà Nội và Bộ Xây dựng vẫn chưa thống nhất về tuyến Hồ Tây-Ba Vì và quy hoạch trung tâm hành chính Quốc gia. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Theo tôi không nên đặt ra vấn đề là khi hai cơ quan chưa nhất trí thì đẩy lên Chính phủ quyết. Cần làm rõ đây là trục cảnh quan hay là trục giao thông, nếu là trục cảnh quan thì có cần kẻ thẳng hay không? Năm 1992, chúng ta đã nghĩ đến phải có đường sắt đô thị trên cao, đã cử nhiều đoàn đi nước ngoài tham quan học tập nhưng khi hỏi đến tiền thì không biết lấy đâu ra!

Nhưng Bộ Xây dựng cho rằng vốn đầu tư dự án này không phải là vấn đề?

Về lý thuyết thì nhiều người biết nhưng phải xem là khả thi đến đâu. Trong tờ trình gửi cấp trên, cơ quan lập đồ án cho rằng tạo được vốn từ các khoản thu về đất đai nhưng tính ra không đủ. Trường hợp còn thiếu thì vay nước ngoài. Bây giờ nợ nước ngoài của Việt Nam khá cao, nếu như vì đầu tư cho Hà Nội mà tiếp tục phải vay thì rất cần cân nhắc kỹ.

Tôi cho rằng nếu chỉ có hai que diêm thì không thể xếp thành hình tam giác. Ở đây đang cần có gạch nối của cơ quan có thẩm quyền. Chuyên gia, tư vấn chỉ có quyền nêu vấn đề, còn cơ quan thẩm quyền mới quyết định. Trong trường hợp này, Hà Nội và Bộ Xây dựng phải kết hợp với nhau, chứ không nên rạch ròi quá thì sự phối hợp sẽ giảm.

Xin cảm ơn ông

Điều gì đang xảy ra?

Điều gây bất ngờ với nhiều người là trong bản thuyết minh tóm tắt hồ sơ thẩm định Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô, phần ghi đơn vị tư vấn lập quy hoạch ngoài ghi tên Liên doanh PPJ (gồm 3 công ty: Perkins Eastman của Mỹ, Posco E&C và Jina của Hàn Quốc) còn có tên của hai đơn vị trong nước là Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (của thành phố Hà Nội).

Trước sự lạ này dư luận đặt câu hỏi: Vậy thực chất hai đơn vị của Việt Nam có nằm trong thành phần liên doanh của 3 công ty nước ngoài hay chỉ là đơn vị B phảy (làm thuê cho Cty nước ngoài)? Và nếu làm thuê thì tại sao lại cùng ký tên đóng dấu trình Hồ sơ thẩm định?

Đặc biệt điều gây ngạc nhiên là hai đơn vị phía Việt Nam là “con đẻ” của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội vậy nhưng khi xây dựng Đồ án quy hoạch đã khiến hai “ông bố” vênh quan điểm 180 độ về trục Ba Vì - Hồ Tây. Điều gì xảy ra ở đây vậy? 

Phùng Sưởng - Minh Tuấn (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.