Trục Hồ Tây-Ba Vì: Không có cơ sở!

Đường Láng - Hòa Lạc
Đường Láng - Hòa Lạc
TP - Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa chính thức có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng, góp ý về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Văn bản này chỉ rõ việc quy hoạch Trung tâm hành chính Quốc gia tại Ba Vì và trục Hồ Tây – Ba Vì là không có cơ sở.

>> Trục hay không trục?

Đường Láng - Hòa Lạc
Đường Láng - Hòa Lạc . Ảnh: Phạm Yên

Thiếu bản đồ đánh giá đất đai

Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hội KTSVN) cho rằng, các tiêu chí xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại vẫn là những mỹ từ, khẩu hiệu chung chung, thiếu cụ thể và chưa bám sát yêu cầu của quy hoạch đô thị. Tính chất đô thị không phù hợp với Pháp lệnh Thủ đô và các nghị quyết của Bộ Chính trị về Thủ đô.

“Đối với đất dự trữ cho xây dựng các công trình của các bộ ngành, Hội KTSVN cho rằng việc chọn địa điểm Ba Vì cho mục đích này là không có cơ sở cả về khí hậu, đất đai, tính chất, cảnh quan và tính xã hội nhân văn. Do đó, Hội kiến nghị nếu cần đất dự trữ thì chọn nơi khác, không nên bảo vệ ý tưởng ở Ba Vì.

Chính vì vậy trục Hồ Tây-Ba Vì không còn cơ sở để tồn tại trong đồ án. Cảnh quan đặc trưng của Hà Nội lại càng không nên có trục thẳng, dài và lớn như đồ án nêu ra...”-Hội KTSVN 

Về quy trình kỹ thuật lập quy hoạch đô thị: Với diện tích đất tự nhiên là 3.343 km2, Thủ đô Hà Nội thực chất là một vùng tỉnh. Việc áp dụng quy trình kỹ thuật lập quy hoạch chung xây dựng một đô thị đơn lẻ cho một hệ thống các đô thị là hoàn toàn không phù hợp.

Trong đồ án, các kết quả đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng còn đơn giản và sơ lược, chưa chỉ ra được loại đô thị. Các kết luận rút ra về những ưu thế, tồn tại chính, những thách thức, cơ hội chưa phát huy được tác dụng, do không có liên hệ chặt chẽ với các đề xuất chiến lược và giải pháp.

Việc lập bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai, làm cơ sở để kiểm kê phân hạng quỹ đất theo mức độ thuận lợi, xác định khả năng dung nạp dân số và chọn quỹ đất là một nội dung rất quan trọng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch chung xây dựng đô thị, nhưng trong nội dung của báo cáo đã thiếu phần này.

Siêu thành phố, chất tải vào trung tâm

Hội KTSVN cho biết, các đô thị châu Á đang trong quá trình biến đổi lấy chất lượng làm trọng tâm. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội chưa dự báo được xu hướng phát triển đô thị mà Hà Nội tiến đến. Do vậy, phương pháp và nội dung lập quy hoạch không có gì đổi mới, khó hy vọng về sự phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu toàn cầu và các sự cố công nghệ, thiên tai là những vấn đề thời sự có tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến nội dung quan trọng này.

Hội KTSVN chưa thấy có mối quan hệ hữu cơ giữa dự báo phát triển kinh tế với tổ chức không gian khi giảm chỉ tiêu GDP từ 20.000 USD/người/năm xuống 11.000 USD/người/năm. Riêng khu vực nông thôn, tỷ trọng GDP nông nghiệp chỉ đạt 3% vào năm 2020, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đô thị hoá trên 60% với gần 3 triệu dân sống trong khu vực nông thôn, cùng với diện tích đất canh tác dần bị thu hẹp, dự báo nguy cơ tỷ lệ đói nghèo gia tăng ở khu vực này.

Việc dự báo dân số theo phương pháp tăng trưởng là không phù hợp. Hội KTSVN đã lưu ý nhiều lần việc xác định quy mô dân số phải dựa vào khả năng dung nạp đất đai và ngưỡng cân bằng sinh thái phù hợp với đường lối đô thị hoá của Đảng và Nhà nước, “tránh không tạo thành các siêu thành phố”, “dần dần giảm bớt sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng”...

Với quy mô dân số đô thị khoảng hơn 9 triệu người vào năm 2030 và trên 10 triệu người vào năm 2050, Hội KTSVN cho rằng sự tăng trưởng này của Hà Nội đã vượt ngưỡng cân bằng sinh thái, biến Thủ đô thành siêu thành phố với “bệnh đầu to” do chất tải quá lớn vào đô thị trung tâm với quy mô 4,6 triệu dân vào năm 2030 và gần 5,5 triệu dân vào năm 2050.

Các đô thị được gọi là vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên đều có quy mô từ trên 10 vạn dân đến 56 vạn dân vào năm 2030 và trên 70 vạn dân vào năm 2050. Như vậy, các đô thị này sẽ trở thành các thành phố loại III, loại II, loại I, do đó không thể gọi là đô thị vệ tinh. Quy hoạch này cũng trái với Hiến pháp và quy định về phân cấp quản lý đô thị của VN.

Hướng Bắc, Đông Bắc hay hướng Tây?

Hội KTSVN nhận định, về chọn đất và chọn hướng phát triển Thủ đô, Hội đã lưu ý hướng phát triển thuận lợi là hướng Bắc và Đông Bắc sông Hồng, nơi có quỹ đất cao, thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong đồ án, tư vấn đã quá tập trung về hướng Tây từ sông Nhuệ đến sông Đáy và giữa sông Đáy và sông Tích, nơi đất trũng, bị ngập lũ, đa phần là đất nông nghiệp màu mỡ và đông dân cư để phát triển đô thị với quy mô 1,6-1,7 triệu người.

Hội KTSVN cho rằng, cần có quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý hơn đối với vùng ven đô mở rộng. Tại đây có thể bố trí các khu đô thị mới quy mô nhỏ và vừa, gắn với các trung tâm chuyên ngành lớn và các công trình phục vụ cấp vùng.

Về mô hình cấu trúc đô thị, với một siêu thành phố trung tâm trên 5 triệu dân và các đô thị vệ tinh, Hội KTSVN cho rằng đây là mô hình cấu trúc đô thị đã cũ, tạo ra các luồng giao thông con lắc mạnh, dẫn đến nhiều vấn nạn và phát triển không bền vững.

Do vậy, có thể áp dụng mô hình cấu trúc đô thị đa tâm với quy mô đô thị trung tâm hợp lý, theo cơ cấu đô thị phát triển song hành, tuyến điểm, trên cơ sở một số chuỗi đô thị “đối trọng”, làm giảm áp lực giao thông con lắc và tạo tiền đề cho quá trình nhất thể hoá đô thị-nông thôn trong vùng Thủ đô tương lai.

Quy hoạch xây dựng Thủ đô là một nhiệm vụ khó mà chỉ được nghiên cứu trong một thời gian quá ngắn, nên đồ án vẫn chưa đạt yêu cầu. Hội KTSVN đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến và thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy định của pháp luật. Tầm vóc, chất lượng, tính khả thi của đồ án quy hoạch là mục tiêu phải đặt lên hàng đầu!

MỚI - NÓNG