Nữ nhà báo bán nhà 'làm' án điểm

Nhà báo Phan Thị Thanh Hương
Nhà báo Phan Thị Thanh Hương
TP - Lâu nay, nhà báo thường quen với việc điều tra, viết bài bảo vệ người khác, ít ai nghĩ có ngày chính mình lâm cảnh oan trái. Bị trù dập, đuổi khỏi báo, chị cùng mẹ già bán nhà lấy tiền sống, quyết một mình chống lại những kẻ tham ô…

>> Bài 12: Giám đốc xin thôi chức để chống tiêu cực

Nhà báo Phan Thị Thanh Hương
Nhà báo Phan Thị Thanh Hương - Ảnh: Phạm Yên

Người khốn khổ

Bây giờ, nữ nhà báo Phan Thị Thanh Hương (Báo Người cao tuổi) khác nhiều so với cách đây vài năm. Chị tươi vui và trẻ hơn nhiều so với những ngày đang quyết liệt tố quan tham. “Đó là quãng thời gian đen tối và khốn khổ nhất trong cuộc đời tôi, vốn đã gặp phải nhiều bất hạnh” - chị nói.

Rồi chị kể, từ năm 2001, phát hiện những sai phạm của lãnh đạo báo hồi đó, với lương tâm của một người làm báo chân chính, chị bày tỏ ý kiến trong các cuộc họp, gặp trực tiếp tổng biên tập phản ánh, can ngăn nhiều lần nhưng không ai chịu nghe. Đêm ngày chị suy nghĩ, nếu im lặng và thỏa hiệp, nghĩa là chị đang bao che cho cái xấu.

Chị bắt đầu viết đơn vạch những sai phạm của lãnh đạo báo. Ngay sau đó, trong nhiều cuộc họp giao ban của tòa soạn, chị bị đưa ra khiển trách. Trung ương Hội người cao tuổi đưa chị vào diện cán bộ được kết nạp Đảng, nhưng lãnh đạo báo đề nghị rút tên.

Bị sếp chèn ép, nhiều người trong cơ quan ghẻ lạnh, chị bị suy kiệt phải nhập viện điều trị suốt hai tháng trời. Sau khi ra viện sức khỏe còn chưa hồi phục hoàn toàn, vừa chân ướt chân ráo đến cơ quan, ngay lập tức chị bị bắt phải viết bản tường trình “vì sao nằm viện đến hai tháng”.

Chưa dừng ở đó, trong thời gian chị nằm viện cũng là thời điểm đổi thẻ Nhà báo. Đến khi trả thẻ, vì chị đang nằm viện, một lãnh đạo báo liền cho thu hồi, giữ thẻ của chị với mục đích không cho chị tác nghiệp, hành nghề.

Sau đó, chị bị “phong tỏa”, người ta không cho chị đi dự các cuộc họp báo, không cho đi cơ sở lấy tư liệu viết bài. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó tổng biên tập hồi đó còn bắt chị hằng ngày phải đến tòa soạn ngồi đánh máy. Chị vẫn viết tin, bài nhưng đều không được dùng.

Vì tin, bài viết liên tục không được dùng trong nhiều tháng, chị bị quy vào tội “không làm được việc”, “không có sản phẩm báo chí”, “không hoàn thành nhiệm vụ được giao”… Với những lý do đó, chị Hương bị chuyển từ hợp đồng dài hạn (ký ngày 1-1-1995) xuống thành ngắn hạn.

Các tháng sau đó, chị chỉ được nhận mức lương 150.000 đồng/tháng, thấp hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định tại thời điểm là 290.000 đồng. Chị không chấp nhận, liền bị lãnh đạo báo cắt lương. Bốn năm tiếp theo, chị Hương không được cơ quan đóng BHXH, BHYT. Rồi sau đó, chị bị cho thôi việc.

Những tưởng ra khỏi cơ quan thì người ta thôi không hành chị nữa. Ai ngờ, ông Trần Đức - lúc đó là Phó tổng biên tập ký văn bản, gửi đến nhiều cơ quan ở 63 tỉnh, thành phố nói sai sự thật, bôi nhọ chị.

Lãnh đạo báo cho đăng trên báo Người cao tuổi (số 315, ngày 12-7-2004) dòng chữ in đậm: “Chị Phan Thị Thanh Hương không còn là thành viên của Báo Người cao tuổi nữa, mọi liên quan đến chị Hương, báo Người cao tuổi không chịu trách nhiệm….”.

Bị đuổi việc oan ức, chị phải về sống với mẹ già 85 tuổi ở làng Phú Đô, xã Mễ Trì (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Vì không có lương, chị phải ăn nhờ mẹ từ đồng lương hưu ít ỏi của bà, chỉ mấy trăm nghìn một tháng.

Vì không sống nổi, chị bàn với mẹ già bán đi nửa căn nhà (40m2) lấy 100 triệu đồng để sống qua ngày đoạn tháng và tiếp tục làm đơn thư kêu cứu, tố những sai phạm tại báo Người cao tuổi lên các cơ quan chức năng.

Buồn vì vụ án chưa được đưa ra xét xử

Không còn gì để mất, chị Hương bắt đầu những ngày tháng kêu oan. Chị viết đơn gửi các cơ quan ban ngành Trung ương. Trong đơn, chị tố nhiều sai phạm của Ban biên tập. Báo Người cao tuổi thành lập 10 năm nhưng không có Chi bộ Đảng. Ông Phùng Thanh Sơn đề bạt ông Trần Đức (thư ký tòa soạn) và bà Thúy (kế toán trưởng) lên làm Phó tổng biên tập khi họ chưa phải là đảng viên, không có bằng cấp quản lý cũng như nghiệp vụ báo chí. Riêng bà Thúy sử dụng bằng cử nhân giả. Đặc biệt, lãnh đạo báo có nhiều sai phạm, tham ô tiền ngân sách khi thực hiện dự án đầu tư 7 tỷ đồng nâng cấp trụ sở cơ quan…

" Sau khi vụ án được điều tra, hai lần tôi bị xe đụng, gây tai nạn. Nhưng số tôi may mắn, vẫn được sống. Đến nay, nhiều khi đi một mình trên đường, nghe tiếng động mạnh cũng giật mình thon thót vì sợ bị kẻ xấu trả thù…” - Nhà báo Phan Thị Thanh Hương

Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, sau nhiều cuộc xác minh, xem xét đã ra văn bản kết luận: đơn tố cáo của chị Hương nêu 11 nội dung, thì đúng 9.

Sau đó, Trung ương Hội tiếp tục thanh tra kéo dài hơn nửa năm, phát hiện lãnh đạo báo tham ô trên 5,6 tỷ đồng trong dự án gần 7 tỷ tiền ngân sách đầu tư nâng cấp trụ sở báo.

Cũng từ đơn tố cáo của chị Hương, năm 2007, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc, đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can ở báo Người cao tuổi liên quan đến vụ án, trong đó ông Sơn, Đức và bà Thúy là những bị cáo đứng đầu vụ.

Cũng trong năm đó, vụ án được coi là một trong 17 vụ án điểm tham nhũng của đất nước, cần được chỉ đạo điều tra, xử lý. “Tuy nhiên, tôi rất buồn vì đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Những kẻ sai phạm vẫn chưa phải nhận những hình phạt thích đáng của pháp luật” - chị Hương nói.

Năm 2007, báo Người cao tuổi có đội ngũ lãnh đạo mới. Là những người tâm huyết với nghề và biết rõ những mất mát to lớn mà chị Hương phải trải qua, họ đã mời chị trở lại làm việc. Chị được truy lĩnh tiền lương, được kết nối đóng BHXH và BHYT.

Hai năm liền sau đó, chị Hương được bầu là Chiến sỹ thi đua cơ sở. Chị được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngày 19-5-2009. Báo Người cao tuổi đã có chi bộ Đảng, nay có 12 đảng viên.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.