Cơ chế thanh tra, giám sát có vấn đề

Cơ chế thanh tra, giám sát có vấn đề
TP - Bên lề Quốc hội ngày 21-10, ông Trần Văn Truyền Tổng Thanh tra Chính phủ đã có cuộc trao đổi với báo chí quanh chuyện thanh tra Vinashin.

 >> Chính phủ nhận phần trách nhiệm về vụ Vinashin
 >> Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm trước sai phạm của Vinashin

Cơ chế thanh tra, giám sát có vấn đề ảnh 1

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Vinashin, nếu chúng ta thanh tra toàn diện sớm hơn thì sẽ kịp thời ngăn chặn, tránh tổn thất lớn như hiện nay, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ vào cuộc thấy rằng, Vinashin làm một số việc không đúng quy định pháp luật. Giám sát của Quốc hội, kiểm tra của T.Ư về việc đổi mới doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm.

Đáng tiếc là chỗ Vinashin chẳng những không nghiêm túc khắc phục sai phạm mà còn cố tình báo cáo không đúng sự thật. Ví như các cơ quan đã thấy Vinashin lỗ và cảnh báo nhưng tập đoàn vẫn báo cáo là lãi. Nhưng quá trình kiểm toán quốc tế đã không chỉ ra được thực tế này.

Trường hợp có thanh tra toàn diện và chỉ ra hết sai phạm nhưng họ không tự giác chấp hành, khắc phục sai phạm thì dẫn đến hậu quả như hiện nay cũng khó tránh khỏi.

Như vậy là cơ chế thanh tra hiện nay có vấn đề, thưa ông?

Đúng là cơ chế thanh tra, giám sát của chúng ta hiện nay có vấn đề. Nhiều cơ quan cùng vào nhưng chưa quy định rõ cơ quan nào làm toàn diện, cơ quan nào làm theo chuyên ngành. Dẫn đến, anh tài chính vào làm về vốn, KH&ĐT làm về quy hoạch, đầu tư, Thanh tra Chính phủ có thể làm toàn diện nhưng cũng có thể chỉ làm một mặt thôi. Do vậy, phải quy định rõ cơ quan nào thanh tra toàn diện và chịu trách nhiệm chính.

Riêng tại Vinashin, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất 2-3 lần và đưa vào kế hoạch thanh tra toàn diện, bởi chúng tôi thấy tình hình ở Vinashin đang có nhiều dấu hiệu không ổn. Nhưng do xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, cả lãnh đạo của T.Ư và lãnh đạo Chính phủ cho rằng, phải giảm bớt áp lực thanh tra để các đơn vị này xử lý khó khăn về kinh tế.

Ngoài ra, trong việc này cũng cần tránh chồng chéo, khi thanh tra thì doanh nghiệp kêu là thanh tra dày đặc, nên có kiểm toán thì thanh tra không làm, thanh tra làm thì kiểm toán thôi. Để tránh chồng chéo nên có những việc chúng ta để chậm. Tôi khẳng định là có chậm chứ không phải là buông lỏng.

Còn việc xử lý sau thanh tra, không lẽ Vinashin không chấp hành thì chúng ta chịu?

Thực tế, hiện nay chưa có cơ chế để các đối tượng thanh tra phải chấp hành nghiêm kết luận thanh tra. Có kết luận thanh tra và cả ý kiến của Thủ tướng rồi nhưng họ không làm thì ai phúc tra, có giao cho Thanh tra Chính phủ phúc tra đâu.

Thanh tra các bộ, ngành cũng không được giao phúc tra. Mà không phúc tra thì họ chấp hành không nghiêm cũng không biết, thậm chí biết cũng không có chế tài để xử lý. Hiện nay vướng điều này nên nhiều khi để sai phạm kéo dài, lặp đi lặp lại, sai phạm ban đầu ít nhưng không ngặn chặn kịp thời nên càng nghiêm trọng hơn.

Chẳng có sức ép nào cả

Vậy trong lần thanh tra toàn diện này, Thanh tra Chính phủ có xem xét trách nhiệm của những cơ quan đã vào thanh tra, kiểm toán Vinashin không?

Khi xem xét trách nhiệm của đơn vị thanh tra thì không chỉ xem xét trách nhiệm của đơn vị đó, mà sẽ xem xét trách nhiệm cả những cơ quan cấp trên của họ, những cơ quan được giao trách nhiệm quản lý họ, kể cả các cơ quan đã vào đây thanh tra rồi mà không có giải pháp gì để chấn chỉnh.

Tất cả đều phải được xem xét trách nhiệm. Điều này sẽ giúp nâng trách nhiệm các cơ quan liên quan, vừa giúp tìm cơ chế để siết chặt trách nhiệm. Chứ không phải xem xét để bắt lỗi chỗ này, chỗ kia, cuối cùng là chia sẻ lỗi mỗi chỗ một chút.

Quan trọng là tìm ra cơ chế để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, trong trường hợp làm trái và thiếu trách nhiệm thì phải kiến nghị xử lý.

Trường hợp có trách nhiệm của cả cơ quan cấp trên Thanh tra Chính phủ, thì trong kiến nghị xử lý thanh tra có làm rõ không, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ có hai việc. Một là hoàn thiện báo cáo kiến nghị xử lý những cơ quan cùng cấp hoặc trong phạm vi xử lý của Chính phủ như các bộ, ngành, địa phương. Hai là những việc vượt thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm để báo cáo. Bởi theo quy định, có những việc Thanh tra Chính phủ phải báo cáo lên cấp trên. Và vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo lên rất nhiều trường hợp như vậy, để cơ quan cấp trên xử lý những trường hợp vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ.

Vinashin đang là vụ việc nghiêm trọng được dư luận hết sức quan tâm, vậy trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ có bị sức ép gì không?

Chẳng có sức ép nào cả. Bởi vừa qua do vướng nên chưa làm chứ có sức ép gì đâu. Việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra là theo yêu cầu của Chính phủ. Còn việc làm cụ thể hiện nay thì tôi chưa thấy có sức ép nào.

Hiện nay việc thanh tra đang tiến hành suôn sẻ, tích cực, triển khai được đẩy đủ những nội dung trong kế hoạch thanh tra. Đặc biệt, chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều vấn đề cụ thể thêm từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Từ đó, đánh giá được thực tế của Vinashin, qua tập đoàn này để thấy cách quản lý đối với các tập đoàn, tổng công ty khác.

Dự kiến khi nào thì có kết luận thanh tra, thưa ông?

Chúng tôi đang làm nên chưa thể nói được.

Hà Nhân

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Vinashin “phá sản” theo đặc thù Việt Nam

Trao đổi với báo chí cũng xung quanh câu chuyện Vinashin, ông Nguyễn Đức Kiên nói: Thật ra Vinashin đã tái cơ cấu ngành nghề, chuyển các đơn vị thành viên khỏi Vinashin tức là đã cho tập đoàn này phá sản rồi.

“Chúng ta chuyển một số đơn vị thành viên, dự án của Vinashin sang tập đoàn, tổng công ty khác là theo hướng chuyên môn hóa. Ngành chính của Vinashin có 3 lĩnh vực thì vẫn kinh doanh 3 lĩnh vực đó. Vinashin là doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ nên cho nó phá sản theo đặc thù của Việt Nam. Phá sản nhưng người lao động không bị đẩy ra ngoài, các khoản nợ của Vinashin vẫn được nhà nước chịu trách nhiệm”. Ông Kiên giải thích

Ông Kiên khẳng định: “Vấn đề là phải làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân. Phải nói từng đại biểu Quốc hội cũng phải thấy trách nhiệm của mình trong vụ Vinashin. Trong báo cáo giám sát về việc quản lý, sử dụng vốn trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2009, tổ giám sát có kiến nghị phải tiến hành cơ cấu lại và ban hành Luật quản lý vốn và tài sản nhà nước. Tuy nhiên, khi biểu quyết thì Quốc hội không thông qua nội dung này”.

Ngọc Tiến
Ghi

MỚI - NÓNG