Giờ con không về nữa

Giờ con không về nữa
TP -Liên quan đến ba thuyền viên mất tích và một thuyền viên tử nạn trên chiếc tàu Insung 01 bị chìm tại Nam Cực, cách Newzealand khoảng 2.250 km, có 11 thủy thủ Việt Nam. Hôm qua, PV Tiền Phong về quê của hai nạn nhân Nguyễn Tương và Nguyễn Song Hào, trú tại xóm Phú Thượng, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

>>  Ngừng tìm kiếm thủy thủ Việt mất tích ở Nam Cực

Bà Duân đau đớn nghe tin con mất tích
Bà Duân đau đớn nghe tin con mất tích.

“Thằng Tương con tui có sống nữa không chú ơi. Nó điện về bảo đi tàu to lắm, nó không sao phải không chú”, chị Đặng Thị Lân, mẹ của thuyền viên Nguyễn Tương ôm chầm lấy PV gào khóc từ ngoài cổng. Cố đỡ người vợ vào nhà, ông Nguyễn Tuấn, bố của Tương mếu máo: “Tối hôm trước, vừa mở ti vi nghe bảo tàu In Sung bị chìm, cả nhà không ngủ được. Không ngờ đó là chiếc tàu có con trai mình trên đó”.

Vợ chồng ông Tuấn có hai người con, Tương là con trai đầu. Vốn bản tính hay lam hay làm, sau buổi học trên lớp, Tương cùng bố căng buồm lênh đênh trên biển đánh cá. Tuổi thơ của Tương gắn liền với mái chèo, tấm lưới. Sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp THPT, Tương thi đỗ vào trường Cao đẳng Xây dựng Đà Nẵng.

Trước ngày vào trường nhập học, chứng kiến cảnh bố mẹ tất bật chạy khắp làng mượn tiền, Tương bật khóc rồi đi ra biển đến tận đêm khuya mới về. “Con đi Hàn Quốc kiếm tiền, sau này về học cũng chưa muộn” - Tương nói.

Sau chuyến xuất ngoại lần đầu bị thua lỗ, Tương tiếp tục đăng ký với hy vọng gặp được chủ tàu giàu có. Năm 2007, Tương xuất ngoại lần hai, làm việc trên tàu In Sung. Sau 23 tháng lênh đênh trên biển, tháng 5-2009, Tương về nước. Nghỉ ngơi ba tháng, Tương tiếp tục được chủ tàu In Sung 2 tin tưởng gọi trở lại.

“Vừa sang đến tàu, Tương điện về bảo tàu bị cháy nên được ông chủ chuyển đến làm việc trên tàu In Sung 1. Cách đây một tháng, Tương gọi điện về kể làm việc vất vả, ăn uống thất thường khiến cả gia đình lo lắng. Tôi động viên con cố gắng đi hết thời hạn trong hợp đồng rồi về. Không ngờ đó là lần cuối nó nói chuyện với gia đình. Giờ con mãi không về nữa rồi”, bà Lân ôm khư khư tấm hình của con gào khóc.

Thấy mọi người tập trung tại nhà ông Tuấn, bà Đậu Thị Duân, 75 tuổi, mẹ thuyền viên Nguyễn Song Hào hớt hải chạy đến. “Thằng Tương làm sao, nó làm sao mà vợ chồng mày khóc lóc thế”, bà Duân mắng vợ chồng ông Tuấn. Quá xúc động, ông Tuấn buột miệng, “thằng Tương, thằng Hào chết hết rồi, tàu bị chìm”.

Chưa kịp nghe xong lời ông Tuấn, bà Duân gào thét tên con trai: “Trời ơi, năm anh em nó đã lấy vợ gả chồng, thân già tôi chỉ có mỗi mình nó. Nó bảo đi chuyến này về kiếm tiền lấy vợ, nhà nó vừa xây đã được ở ngày nào đâu”. Hào (SN 1982) là con út trong gia đình có 6 anh chị em, bố Hào mất cách đây 5 năm. Hai thuyền viên Tương và Hào là anh em họ.

Hoang mang

Rời xã Kỳ Khang, điện thoại của PV liên tục đổ chuông. “Chị Hà đây, anh Rực chồng chị chết rồi em ơi”, chị Chu Thị Hà, vợ của thuyền viên Lê Quang Rực, người thân của PV, trú tại thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân khóc nức nở trong điện thoại. Từ tối qua đến nay, chị Hà cùng hai người con ôm nhau khóc vật vã mặc cho người thân khẳng định anh Rực đã được cứu.

Chiều qua, trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Đình Hùng cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về anh Lê Quang Rực.

Cho đến chiều qua, xã Kỳ Ninh mới xác định được chính xác thuyền viên Nguyễn Văn Thành (SN 1989), con của anh Nguyễn Văn Khương và chị Nguyễn Thị Hường có mặt trên con tàu gặp nạn. Còn thuyền viên Nguyễn Văn Sơn chưa được xác định rõ ở xã Kỳ Ninh hay Kỳ Phú vì hai xã này cùng có người tên Nguyễn Văn Sơn (SN 1985).

Ngày 13-12, tàu đánh cá In Sung 1 của Hàn Quốc với 42 thủy thủ bị chìm ở vùng biển Nam Cực, cách phía nam New Zealand 2.593 km. Tàu chìm nhanh tới mức không kịp phát tín hiệu cấp cứu. Trong số 42 thuỷ thủ trên tàu có tám người Hàn Quốc, 11 người Việt Nam, 11 người Indonesia, tám người Trung Quốc, ba người Philippines và một người Nga.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG