'Thủ phủ' hàng lậu

'Thủ phủ' hàng lậu
TP - Những ngày cuối năm, hàng giả, hàng lậu ồ ạt tràn về thành phố bất chấp những nỗ lực của ngành chức năng. Không chỉ tăng về số lượng, theo quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, các cơ sở chứa hàng lậu, làm hàng giả hoạt động ngày càng tinh vi.

> Bài 1: Cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết 

Quản lý thị trường TPHCM phát hiện một vụ băng đĩa lậu Ảnh: L.N

Quản lý thị trường TPHCM phát hiện một vụ băng đĩa lậu. Ảnh: L.N.

Đến hẹn... ngập hàng lậu

Gần như đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng ở nước ngoài tràn về thành phố từ mọi hướng. Ông Lê Xuân Đài- Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM cho biết, hàng lậu đã tràn về thành phố mạnh nhất từ hai tháng trở lại đây.

Ông Đài dẫn chứng: Chỉ trong tháng 11 vừa qua, kiểm tra 1.287 vụ, cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 vụ vi phạm. “Quần áo, vải, điện tử, linh kiện máy tính, phụ tùng xe và đồ chơi trẻ em... là những mặt hàng vi phạm nhiều nhất, chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc không có chứng từ”- Ông Đài cho biết. Từ đầu tháng 12 đến nay, nơi đây cũng phát hiện hơn 500 vụ hàng nhập lậu, hàng giả tuồn vào thành phố...

Mới đây, Chi cục QLTT TPHCM đã ập vào một cửa hàng trên đường 3-2, quận 10, phát hiện gần 4.000 máy tính hiệu Casio do Trung Quốc sản xuất, không có chứng từ. Chủ cơ sở này khai nhập lậu về để bán cho các đại lý. Đội 4A Chi cục QLTT TPHCM khi kiểm tra ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cũng phát hiện 2.700 thùng cà rốt Trung Quốc không chứng từ... Cơ quan QLTT cũng đã phát hiện một kho hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Tân Phú chứa gần 300.000 đơn vị mỹ phẩm các loại không có chứng từ.

Một điểm chứa hàng trên đường Trần Chánh Chiếu, quận 5, chứa 4,5 tấn bột ngọt nhập lậu từ Trung Quốc để chuẩn bị bán ra cho các đại lý tại miền Tây trong dịp Tết. QLTT quận 12 cũng phát hiện một cửa hàng trên đường Hà Huy Giáp chứa hàng chục ngàn sản phẩm giả nhãn hiệu xà bông Omo, dầu xả Comfort, giấy vệ sinh Sài Gòn, bàn chải đánh răng và kem đánh răng PS, mỹ phẩm giả các loại Hazeline, Dove, Clear, Nivea, Xmen... không có chứng từ rõ ràng.

Theo ông Đài, đa số hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào TPHCM đều đi qua đường tiểu ngạch, khu vực biên giới các tỉnh giáp Trung Quốc. Số hàng lậu còn lại có xuất xứ Thái Lan qua các tỉnh có đường biên giới với Campuchia và Lào. Trong khi đó, hàng lậu có xuất xứ châu Âu được nhập qua đường hàng không theo dạng hàng xách tay. “Nạn nhập lậu thuốc lá và đường từ biên giới Tây Nam về TPHCM vẫn không giảm”- Ông Đài nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này, bánh kẹo, mứt Tết, hạt dưa... đã tràn ngập thị trường TPHCM, trong đó có nhiều hàng nhập từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á và hàng Trung Quốc. Các mặt hàng này dù chất lượng rất kém nhưng vẫn thu hút người mua bởi giá rẻ hơn so với hàng trong nước.

Ngoài mặt hàng bánh kẹo, theo QLTT, khá nhiều mặt hàng mỹ phẩm đang bày bán trên thị trường hiện nay là hàng nhập lậu, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng được bán với giá rẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG