Hậu duệ nhà Trần: Lá ấn đã bị hiểu sai

Đăng ký xin Ấn tại đền Trần
Đăng ký xin Ấn tại đền Trần
TP - Ông Trần Huy Chiến - Thủ từ Đền Trần (Nam Định), một hậu duệ đời Trần kể: “Đêm hội khai ấn 14 - rạng Rằm tháng Giêng chỉ có 9 lá ấn được in ra mà thôi”.

> Đột nhập 'cung cấm' mua Quốc Ấn
> Nào là Ấn thánh, nào là Ấn vua
> Xuất hiện ấn Đền Trần ngoài luồng?
> Lễ khai ấn Đền Trần: Không còn cảnh tranh cướp?

Đăng ký xin Ấn tại đền Trần
Đăng ký xin Ấn tại đền Trần.

Ông Chiến còn nhớ, thời còn nhỏ cách đây hơn nửa thế kỷ, mỗi năm khi người dân thôn Tức Mặc - quê hương nhà Trần xưa (nay là phường Lộc Vượng, TP Nam Định) làm lễ khai ấn theo thông lệ và để tưởng nhớ vương triều Trần, ông đều lên Đền xem các cụ làm lễ. Cảm nhận của ông đó là một nghi lễ rất trang trọng, một dịp để dân trong làng được ban lộc ấn, ban phúc lành.

Ngày ấy, qui mô Lễ khai ấn nhỏ, có quan lại và cả người Pháp đến dự. Nghi lễ khai ấn cơ bản vẫn còn lưu giữ những nét chính đến nay: Rước ấn từ đền Thánh (đền Cố Trạch) sang đền các vua (Đền Thiên Trường - thờ vương triều Trần). Khi rước ấn vào nội cung, các cụ đọc chúc văn, khai ấn.

Lệ xưa và nay vẫn duy trì, có 9 lá ấn đầu tiên in ra trong năm, được dâng lên thờ rồi rước về 9 nơi thờ tự là Đền Cố Trạch, Thiên Trường, Trùng Hoa, Chùa Phổ Minh, đình làng Tức Mặc, Hiền Đàn (nơi đào tạo hiền tài cho Vương triều Trần), đình Kênh, Vĩnh Trường, Đình Bái (nơi thờ võ tướng nhà Trần). Sau đó, các cụ in các cánh ấn tiếp theo để phát cho nhân dân địa phương, vì qui mô cấp làng xã nên số lượng in không nhiều như bây giờ.

Ông Trần Huy Chiến - Tổ trưởng tổ thư từ đền Trần: “Ấn đền Trần được in thủ công từ chiếc ấn xa xưa để lại hiện đang được lưu giữ tại đền” Ảnh: HR
Ông Trần Huy Chiến - Tổ trưởng tổ thư từ đền Trần:
“Ấn đền Trần được in thủ công từ chiếc ấn xa xưa để lại
hiện đang được lưu giữ tại đền”. Ảnh: HR.

Tổ in ấn làm việc 24/24

Để phục vụ khách thập phương, đền Trần vốn chỉ có 2-3 cụ thủ từ trông coi, mấy năm nay đã phải bổ sung thêm thành 12 người, ông Chiến là tổ trưởng thủ từ từ năm 2007. Giải đáp thắc mắc của chúng tôi: “Đêm khai ấn có vài canh giờ, làm sao in được hàng vạn lá ấn phát cho du khách?”, ông Chiến cho biết: “Phát lộc ấn cho người dân là một phong tục được gìn giữ từ xa xưa. Nếu giữ đúng lệ xưa sẽ không đủ ấn để phát”.

Vì vậy mấy năm nay, từ đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết chúng tôi đã phải làm lễ xin khai ấn trước. Sáng 1 Tết sẽ dâng 9 lá ấn đầu tiên lên Đền, sau ngày 15 mới được phép chuyển về các nơi thờ. “Cố giữ như tục cũ, đó là chỉ khai ấn vào đúng tiết xuân, nhằm ngày mùng Một đầu năm. Đêm ấy, các gia đình trong thôn Tức Mặc đều lên Đền làm lễ. Họ thắp một nén hương lớn lễ các ban rồi xin rước về thờ tại nhà. Cảnh hái lộc, bẻ cây không còn xảy ra nữa”, ông Chiến kể.

Theo Bà Trịnh Thị Nga, Hội viên Hội khoa học lịch sử tỉnh Nam Định, lễ khai ấn tại đền Trần đã hình thành từ xa xưa. Vậy chiếc ấn hiện nay có nguồn gốc như thế nào?

Tác giả cuốn Di tích lịch sử - văn hóa đền Trần, chùa Tháp tỉnh Nam Định -NXBVHDT 2010, cho biết hiện Đền Trần còn lưu giữ hai con dấu (ấn); “Con dấu nhỏ trên mặt có hai chữ “Trần miếu” bằng chữ triện, con dấu lớn có chữ “Trần miếu tự điển” khắc theo kiểu chữ chân. Cả hai con dấu đều bằng gỗ. Trước đây còn một con dấu bằng đồng khắc bốn chữ triện “Trần triều chi bảo” (dấu quốc bảo triều Trần), con dấu này mới dùng làm lễ khai ấn nhưng do thời gian, chiến tranh, con dấu này đã bị thất lạc”.

Việc in ấn đền Trần được giao cho các cụ cao tuổi phường Lộc Vượng đảm trách, gồm 10-15 cụ. Đó là những người có đạo đức, khỏe mạnh, gia đình không có chuyện buồn. Công việc tiến hành từ ngày mùng 1 Tết đến hết 12 tháng Giêng. Lá ấn in xong phải được làm lễ tại Đền, niêm phong chờ lễ khai ấn mới đước phát ra.

“In được càng nhiều lá ấn, phát được càng rộng càng quí. Nhưng vì làm thủ công, số lượng in không bao giờ đủ nhu cầu. Đó chính là trăn trở của chúng tôi, làm sao giữ được nét truyền thống mà vẫn phải đáp ứng được nhu cầu của người dân” - Ông Chiến bộc bạch.

Chỉ có 10-15 cụ cho dù làm suốt ngày đêm liệu có thể in đủ ấn để phát cho người dân đêm khai ấn không (khoảng 10-12 vạn người về dự)? Ông Chiến trả lời: “Con số cụ thể bao nhiêu tôi cũng không nắm được. Việc in ấn thực hiện ngay tại Đền. Do làm thủ công nên các cụ phải làm liên tục suốt ngày đêm. Ấn được in bằng chính chiếc Ấn đang lưu giữ tại đền, chứ không có phiên bản”- Ông Chiến khẳng định.

Nếu đúng như bà Cao Thị Tính-phó Chủ tịch UBND TP Nam Định cho biết, ước tính lượng ấn in ra mỗi năm vào Lễ hội khai ấn khoảng 10-15 vạn lá, thì cũng khó hình dung với cách làm thủ công, chỉ với một chiếc ấn, trong 12 ngày có thể in được chừng ấy vạn bản.

Đề nghị được mục sở thị nơi in ấn của chúng tôi không những bị ông Chiến mà cả bà Tính từ chối với lý do đó là nơi tâm linh, người ngoài không thể tới. “Việc in/đóng ấn được giữ bí mật. Ngoài một số vị lãnh đạo địa phương có chức trách, tuyệt đối không ai được bén mảng đến khu vực này”. Ngay cả vị Trưởng ban tổ chức là bà Tính cũng chưa bao giờ đến đó.

Tiếp tục dạo qua hàng quán khu vực đền Trần hỏi mua ấn, một số chủ hàng mới đầu tỏ ra cảnh giác, sau đó lại sẵn sàng nhận lời giúp chúng tôi mua ấn, chỉ cần đặt tiền trước. Chủ hàng cho biết anh ta có phiếu đặt trước với nhà Đền rồi, sẽ để lại cho, nhưng phải đúng đêm 14 mới có. “Chớ mua ấn của những người bán dạo, vì đó sẽ không phải ấn đền Trần” - chủ hàng nói.

Chen nhau mua ấn đền Bảo Lộc
Chen nhau mua ấn đền Bảo Lộc.

Ý nghĩa của lá ấn đã bị hiểu sai

Ấn Đền Trần có 4 chữ lớn: Trần miếu tự điển (Tạm dịch: Tôn miếu của nhà Trần từ xưa) và 4 chữ nhỏ (phía dưới): Tích phúc vô cương (Ban phúc vô bờ). Nhưng chẳng phải ai cũng hiểu đúng như ý nghĩa đó của lá ấn. “Bây giờ quá nhiều người đi xin ấn với mong muốn được thăng quan, tiến chức. Nhưng cán bộ mà không chịu học hành, phẩm chất đạo đức kém thì làm sao mà thăng quan, tiến chức được” - ông Chiến nói.

Nếu hiểu không đúng sẽ mất đi ý nghĩa của lá ấn. Xin ấn mà thể hiện sự vụ lợi như ở một số người, nằm ngoài ý tưởng của dân làng chúng tôi. Chúng tôi thống nhất in ấn trên một loại chất liệu, phát cho mọi người dân. Từ người đi cấy đi cày đến cán bộ, công chức ai cũng như ai, đến lễ hội đều nhận được một lá ấn như nhau, được ban phúc lộc vua như nhau”.

Qua tìm hiểu được biết, do nhu cầu xin ấn rất lớn, để tránh áp lực đêm khai ấn, nhiều đơn vị, cá nhân đã đặt trước với Nhà Đền số lượng ấn (sẽ nhận sau đêm khai ấn). Mỗi chiếc ấn như vậy Nhà Đền thu 20.000 đồng. Trước thông tin này, bà Tính cho biết: “Việc quản lý nguồn thu trong việc này rất minh bạch và đều phải nộp vào ngân sách”.

Giá phòng tăng gấp đôi

Chị Đinh Thị Huyền, lễ tân tại khách sạn Vị Hoàng cho biết, giá phòng tại khách sạn đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Phòng đơn có giá 580.000 - 700.000 đồng, phòng đôi giá 1.000.000 đồng, phòng VIP giá 2.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu có người ở ké, ở ghép, khách sạn sẽ thu thêm 120.000 đồng/người.

Tại nhà nghỉ Công Đoàn, ngày thường giá phòng chỉ 300.000 - 500.000 đồng, song hiện nay thấp nhất cũng 500.000 đồng, cao hơn là 800.000 đồng và 1.000.000 đồng. Khách sạn Nam Sơn, ngày thường giá 200.000 - 400.000 đồng/phòng, nay đã tăng gấp đôi.

Với số lượng người đông đảo, việc các bãi, điểm trông xe tự phát mọc lên và việc thu tiền vé cao hơn quy định so với Ban tổ chức đưa ra là khó tránh khỏi. Mấy ngày qua, một số bãi xe trong khu vực đền Trần đã cắm biển hết chỗ. Ngoài ra, dịch vụ ăn uống đã rơi vào tình trạng quá tải.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.