Bãi đỗ xe biến thành trung tâm thương mại

Bãi đỗ xe biến thành trung tâm thương mại
TP - Giao thông tĩnh đang “khát” điểm đỗ, người dân Thủ đô đỏ mắt chờ các dự án bãi đỗ hoàn thành. Nhưng qua tìm hiểu thực tế của Tiền Phong, không chỉ giậm chân tại chỗ, nhiều dự án còn bị biến thành siêu thị, trung tâm thương mại.

> Giao lòng đường đỗ xe cho một doanh nghiệp
> Nhiều đường nhỏ vẫn phải 'gánh' bãi đỗ xe

Bãi đỗ xe biến thành trung tâm thương mại ảnh 1

Năm 2005, UBND TP Hà Nội có quyết định chuyển đổi toàn bộ khu đất rộng hơn gần 2 ha tại bến xe tải Sang Nạm (quận Hoàng Mai) để thực hiện dự án bãi đỗ xe Kim Ngưu. Tuy nhiên, thay vì xây bãi đỗ xe theo quy hoạch, bến xe tải Sang Nạm đang là đại lý buôn bán sắt thép và trạm trung chuyển hàng nông sản của Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Trong khi đó nhiều tuyến phố ở đây như Tam Trinh, Tân Mai, Mai Động và tuyến đường dọc hai bên bờ sông Kim Ngưu ô tô đậu đỗ ngổn ngang. Còn với hàng nghìn người dân sống và làm việc tại khu đô thị Đền Lừ, tìm được nơi đỗ xe đúng nghĩa với họ đang là điều không tưởng.

Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

Để giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của người dân, từ năm 2001 UBND TP Hà Nội đã lần lượt phê duyệt triển khai 9 dự án bãi đỗ với quy mô gần 40.000 ha. Các dự án bãi đỗ xe này chủ yếu nằm trong phạm vi của tuyến đường vành đai 2 và 3, gồm Gia Thụy (Long Biên); Bắc Yên Viên (Gia Lâm); Mai Lâm (Đông Anh); Xuân Phương, Tây Tựu, Phùng Khoang (Từ Liêm); Lĩnh Nam, Kim Ngưu (Hoàng Mai); Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì).

Trong quyết định số 165 năm 2003, UBND TP Hà Nội nêu rõ các bãi đỗ xe này được thực hiện trong thời gian từ 2001 đến 2005. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong đến nay cả 9 bãi đỗ xe trên chưa có bãi nào hoàn thành một cách đúng nghĩa, riêng hai dự án bãi đỗ xe Gia Thụy, Kim Ngưu còn bị biến thành trung tâm thương mại, đại lý buôn bán vật liệu.

Bảy dự án còn trong tình trạng dở dang. Với dự án bãi đỗ xe Phùng Khoang (Từ Liêm) và dự án bãi đỗ xe Hải Bối (Đông Anh), tuy hoàn thành cơ bản việc xây dựng và có thể tiếp nhận xe vào gửi nhưng do đường ra vào nhỏ hẹp, khuất và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đặc biệt là hệ thống phòng chống cháy nổ nên người dân cũng chưa mặn mà hoặc chưa biết đến. Phần lớn diện tích rộng hàng ngàn m2 tại hai bãi đỗ này đang để cỏ mọc hoặc là điểm trú chân của nhiều xe tải, xe ba gác.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND huyện Từ Liêm, địa phương được giao thực hiện dự án bãi đỗ xe Phùng Khoang cho biết, do vướng mắc mặt bằng nên hiện dự án mới hoàn thiện được một số đơn nguyên là nhà để xe, đường ra vào và nhiều hạng mục khác vẫn đang triển khai.

“Sau khi dự án được giao về huyện, HTX Thống Nhất là đơn vị tiếp nhận dự án để thực hiện, tuy nhiên, tiến độ còn chậm và dự án vẫn chưa hoàn thành đúng tiêu chuẩn của một bãi đỗ xe cấp thành phố”, ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Đô thị, UBND huyện Từ Liêm nói.

70% số phương tiện từ các tòa cao ốc đang đỗ trên đường

Hiện Hà Nội có hơn 1.200 điểm đỗ xe công cộng nhưng các điểm đỗ này nhỏ lẻ nên mới đáp ứng được gần 10% nhu cầu của người dân. Số còn lại phải đỗ ngoài đường hoặc tại các điểm trông giữ tự phát.

Ngay cả các điểm đỗ của thành phố như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long, Gia Thuỵ, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Kim Ngưu được xây dựng theo quy hoạch và chỉ phục vụ mục đích đỗ xe nhưng hiện nay cũng chỉ tiếp nhận được 2.863 ô tô. Riêng 8 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Tây Hồ theo thống kê đang có tới 184.000 ô tô, 2,3 triệu xe máy.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, một ô tô con cần diện tích giao thông tĩnh 25m2, xe máy 3m2 và giao thông động (khi xe lưu thông) ô tô cần 45m2, xe máy cần 15m2. Với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2 mặt đường của 8 quận trên, quá thấp cho một đô thị phát triển, nó chỉ bằng một nửa so với Singapore (25m2), Bắc Kinh (21m2)…

Cùng với đó, thời gian phương tiện đi lại trên đường hằng ngày chỉ rơi vào từ 1,5 đến 2,5 giờ, số còn lại (khoảng 22 giờ) chủ yếu là đứng im và cần các điểm đỗ công cộng.

“Tuy nhiên do nhu cầu này mới chỉ được đáp ứng khoảng 10% nên hầu hết các phương tiện đang phải đỗ ở các điểm trông giữ nhỏ lẻ, tự phát hoặc lòng đường”, một đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết.

Đặc biệt tại các toà nhà cao ốc, trung tâm thương mại tuy xây dựng sau và được quy định là phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho cả dự án, nhưng thực tế khi đi vào hoạt động các công trình này chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện, số còn lại đỗ tràn ra đường. Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn các quận nội thành hiện nay có tới 176 dự án nhà cao tầng (trên 9 tầng trở lên).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG