Thêm gánh nặng cho người nghèo

Tăng phí liệu có giảm ùn tắc? Ảnh: Hồng Vĩnh
Tăng phí liệu có giảm ùn tắc? Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Việc Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thu phí trên đầu phương tiện cá nhân, với mức thu 500 ngàn đến 1 triệu đồng/xe máy và từ 20 đến 50 triệu đồng/ô tô, đồng thời thu phí giờ cao điểm đối với phương tiện vào nội đô chỉ làm tăng gánh nặng chi phí cho dân nghèo, mà không đạt hiệu quả giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

> Chọn sai phương pháp
> Đừng làm dân hoang mang

Tăng phí liệu có giảm ùn tắc? Ảnh: Hồng Vĩnh
Tăng phí liệu có giảm ùn tắc? Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cần lo phương tiện công cộng trước

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực UB Các vấn đề xã hội của QH, cho rằng: Đi lại là một nhu cầu rất cần thiết của người dân, vì phương tiện công cộng không đủ, không đáp ứng được người dân mới phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Mục đích của việc thu phí nếu là để chống ùn tắc, hạn chế người dân di vào nội đô bằng phương tiện cá nhân thì lại càng không ổn. Vì nhu cầu thiết thân, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân để đi, chứ không thể ngồi chờ phương tiện công cộng.

Muốn giảm ùn tắc, phải làm thế nào để người ta không còn muốn sử dụng phương tiện cá nhân nhiều như hiện nay, mà chuyển sang phương tiện công cộng. Biện pháp đóng phí (hoặc đóng phí cao) để người ta sợ mất tiền, hạn chế tham gia giao thông chưa hữu hiệu, tối ưu, không phải giải pháp cơ bản.

Phương tiện công cộng mà tốt thì người dân sẽ sử dụng, tốt là phải có đầu tư, đảm bảo không ùn tắc, đi xe buýt không bị chen lấn, móc túi. Ở nước ngoài, người ta làm giao thông công cộng rất tốt, người ta còn phân luồng cho xe buýt đi riêng để nhanh gọn, an toàn. Lên xe buýt của họ không bị xô đẩy, mất cắp, té ngã, rất văn minh, sạch sẽ.

“Phương án của Bộ GTVT đưa ra như vậy sẽ khó được người dân đồng tình, mà phải có giải pháp đồng bộ. Nếu đưa ra phuơng án thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân thì đồng thời phải bảo đảm phương tiện công cộng thật tốt.

Còn nếu chỉ chú trọng vào thu phí cao mà không có phương tiện thay thế thì người ta sẽ vẫn phải lựa chọn phương tiện cá nhân. Người ta sẽ cố gắng tìm mọi cách để đi được, sẽ không chấp nhận và họ sẽ tìm mọi cách để đi, khí đó các biện pháp mà Bộ GTVT đưa ra chỉ phát sinh tiêu cực”, bà Khá nói.

Còn ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của QH phân tích, quan trọng nhất là phát triển giao thông công cộng thuận tiện đến mức người dân tự nguyện sử dụng nó. Mà được như thế, sẽ chẳng ai dại gì sử dụng phương tiện cá nhân.

Hiện nay, một phương tiện cơ giới phải gánh nhiều loại phí. Ví dụ ô tô nhập khẩu ngoài việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế trước bạ, phí biển số và phải đóng một khoản phí qua xăng dầu, phí cầu đường...

Tới đây, ô tô phải chịu phí Bảo trì Đường bộ. Nếu đề xuất của Bộ GTVT được thông qua, phương tiện này sẽ phải cõng thêm phí lưu hành (cao nhất 50 triệu đồng/năm), phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm...

Ở nước ngoài, các bộ trưởng nói chung đều đi làm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, mê trô, do phương tiện công cộng của họ quá tốt. Còn mình, trước khi nghĩ đến chuyện tăng phí lưu hành tại nội đô như đề xuất, thì hãy nên phát triển phương tiện công cộng thuận lợi, chứ không thể như bây giờ không thuận lợi gì cả, nhiều khi mình muốn đi nhưng khó lắm.

Thứ hai, phải nhìn nhận xem những người đi xe máy là ai? Phần lớn đó là những người thu nhập thấp, là dân nghèo. Đó không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện làm ăn của họ. Người lao động thu nhập 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, không đủ ăn còn phải nộp thêm phí nữa thì chết. Tôi không thể ủng hộ phương án này được.

Ngay tại QH khóa XI, câu chuyện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy (có lý do là để hạn chế xe máy) đã bị bác ngay. Bởi đánh thuế vào xe máy chính là đánh vào người nghèo! Dường như các giải pháp của mình toàn đi giải quyết phần ngọn, chắp vá. Thời gian vừa qua, các thành phố lớn đã cấp phép quá nhiều cho ô tô cá nhân lưu hành, mà lẽ ra phải tính toán xem cấp nhiều thế hạ tầng có đáp ứng được không.

Nếu thấy khả năng quá tải, lúc đó chỉ nên cấp cho lưu hành từ vành đai 3 trở ra thôi chẳng hạn. Nhưng bây giờ, đã trót rồi, không thể dừng người ta được. Câu chuyện này rất mệt. Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, phải giải quyết vấn đề phương tiện công cộng, chứ không phải một chính sách giật cục như thế này sẽ không khả thi và nói chung là sẽ gây náo loạn.

Phương tiện vận tải đã gánh quá nhiều loại phí. Ảnh: Hồng Vĩnh
Phương tiện vận tải đã gánh quá nhiều loại phí. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không nên thu với xe máy

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nam – Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND TP Hà Nội cho biết: Nhiều quốc gia có nền kinh tế mở và đạt độ tăng trưởng nhất định đã áp dụng thu phí lưu hành phương tiện. Tại đó, mua xe thì không khó nhưng nuôi xe lại khó hơn rất nhiều.

Ở Việt Nam thì hơi ngược, mua xe thì khó nhưng nuôi lại mức độ thôi. Cá nhân tôi cho rằng đối với xe ô tô thì có thể thu thêm phí này được vì đây là số người có thu nhập khá, sử dụng đường lớn, nhưng với xe máy thì nên giữ nguyên như cũ vì đây là phương tiện phổ biến, gắn với người lao động thu nhập thấp. Ngay cả khi thu thì mức thu và phương pháp thu phải rất cân nhắc.

Tăng thu thực ra là tăng đóng góp cho ngân sách để từ đó đầu tư cho giao thông còn mục tiêu giảm sử dụng phương tiện cá nhân chỉ là một phần lý do. Muốn giảm phương tiện cá nhân thì phải phát triển được vận tải hành khách công cộng. Nếu công bằng nhất phải thu dựa vào xăng, người đi nhiều thu nhiều. Nhưng rất khó kiểm soát sử dụng xăng vào giao thông hay phục vụ sản xuất, chạy máy phát điện...

Chiều 3-1, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân, PGĐ Sở GTVT chia sẻ, tuy chưa nhận được thông báo về phương án, nhưng nếu Chính phủ quyết định thì Sở GTVT sẽ thực hiện. Song ông Tân cũng cho rằng, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều phương án được Sở triển khai song song nhằm hạn chế ùn tắc trong nội đô.

Theo ông Tân vấn đề cơ bản gây ùn tắc ở Thủ đô hiện nay là lượng người tâp trung quá đông trong khu vực nội đô. “Để giải quyết có hiệu quả vấn đề này chỉ có biện pháp làm giảm dân cư vào các quận nội thành. Còn nếu thu phí cao mà người dân vẫn có nhu cầu trong khu vực nội đô thì họ vẫn phải vào”, ông Tân phân tích.

Sáng 3-1, UBND TP Hà Nội đã phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức lễ ra quân triển khai kế hoạch Năm An toàn giao thông 2012.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, trong các giải pháp trên cần phải tăng cường giải tỏa, xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; quản lý tốt hơn các phương tiện giao thông; dành lòng đường, vỉa hè cho giao thông...

Ngày 3 -1, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi đến thăm, tặng quà và động viên các TNV thuộc đội Giao thông xanh Hà Nội trực chốt tại ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã đến thăm, tặng quà các đội hình tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông của Thành đoàn Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông ngã năm Cửa Nam - Lê Duẩn - Hai Bà Trưng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.