Điểm tốt nghiệp & đường cao tốc

Điểm tốt nghiệp & đường cao tốc
TP - Kỳ thi tốt nghiệp THPT mấy bữa nay nhiều nơi đã lần lượt công bố kết quả. Tưởng chừng sẽ “nóng” như vài năm gần đây, khi có cả ngôi trường tỷ lệ đỗ ...“0 phần trăm”. Nhưng đúng như dự đoán, khi sự siết lại không còn, tỷ lệ tốt nghiệp lại trở về cao ngất ngưởng.

 >> Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT cao: Mừng hay lo?

>> Đa số ý kiến tán thành chủ trương

Nỗi lo sát sườn của các bậc phụ huynh về tương lai con em mình đã “nguội” hẳn rồi ?!

Mấy bữa nay, dư luận cũng phát sốt lên vì dự án đường sắt cao tốc. Chuyện còn ở xa tới vài chục năm, nhưng dân tình ai nấy đều cảm thấy “rát mặt”. Vì tiền quá lớn, mà ta thì còn quá nghèo. Vì phải vay nợ, giữa bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa ngóc đầu lên được.

Vì sự phức tạp, biến đổi rất nhanh và chưa lường trước được tại hầu hết các quốc gia... Đâm ra bài toán “vay-trả” dù với nhiều lý lẽ đưa ra, nhưng đó vẫn không thể là câu trả lời đích thực của tương lai và với tương lai.

Chuyện gần là thi tốt nghiệp. Chuyện xa là đường sắt cao tốc. Tưởng là vậy...

Từ chuyện xa cao tốc, ngắm lại chuyện gần mỗi ngày. Người dân dạo này chịu cảnh cúp điện liên miên, ở nông thôn có nơi phải chui vào hang đá trốn nóng. Giữa trời quang mây tạnh không mưa bão, học trò có nơi vẫn phải đu dây cáp đến trường.

Báo Tiền Phong mới đây phản ánh học trò một thôn của xã Nhơn Hải ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) ngày ngày phải leo qua quả núi cao cả ngàn mét để đến trường, học buổi chiều mà đã phải lui cui cõng cặp lên đường từ 9 giờ sáng, chữ nghĩa đi về rơi rớt gần hết. Ở nơi này, vì biệt lập, có anh chồng phải chuyên đỡ đẻ cho vợ, có bữa bí quá đành nhờ hướng dẫn “đỡ đẻ trực tuyến” qua tổng đài 1080 !...

Từ chuyện gần của kỳ thi tốt nghiệp, lại nghĩ đến chuyện xa hơn. Không cực đoan đến nỗi phủ nhận sạch trơn sự cố gắng đèn sách của thế hệ học trò hôm nay. Nhưng buộc phải đặt trong bối cảnh chung, khi điểm thi vẫn được coi trọng hơn kiến thức.

Khi mùa luyện thi tốt nghiệp với những “lò” luyện thi tốt nghiệp quá được chú trọng, dồn ép trước giờ G, thay vì coi trọng những bài học ngày thường. Với học trò, phụ huynh, rộng hơn là cả xã hội bây giờ đa phần sống trong ý thức thi cử, điểm số và bằng cấp, chứ không còn là kiến thức cũng như trình độ nhận thức xã hội thực sự.

Bởi vậy hầu như kỳ thi nào, điểm các môn Sử, Văn cũng rất thấp. Như kỳ thi này môn Sử cũng lặp lại “thành tích” chỉ khoảng 40% bài thi đạt điểm trung bình, cùng những bài văn dở khóc dở cười ...

Các môn tự nhiên dễ kiếm điểm cao hơn là điều đương nhiên, bởi đã được “luyện” quá kỹ các đề mẫu. Còn những môn tự luận về xã hội, thực sự cần một kỹ năng, kiến thức tổng hợp kết hợp với vốn liếng ngôn ngữ cần đủ, thì đa phần học trò bó tay.

“Con cháu sau này tài giỏi hơn chúng ta sẽ trả được nợ ...”. Quan niệm trên liệu có quá lạc quan, và cả chủ quan, khi nhìn vào thực tế nền đào tạo học vấn cũng như truyền dạy ý thức công dân cho thế hệ trẻ bây giờ ?

MỚI - NÓNG