Vòng luẩn quẩn

Vòng luẩn quẩn
TP - Có hơn 60% bệnh viện trên cả nước hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải, gần 40% bệnh viện còn lại có hệ thống xử lý nhưng công nghệ lạc hậu và không đảm bảo chất lượng nước thải khi ra môi trường.

> Vô tư thải mầm bệnh ra môi trường 

Điều này cũng đồng nghĩa mầm bệnh từ nước thải y tế luôn hiện diện ngoài cộng đồng và con người đang đối mặt với nguy cơ bệnh tật tấn công mọi lúc mọi nơi.

Tại TPHCM, không chỉ có 11/19 bệnh viện T.Ư đóng chân nơi đây không có hệ thống xử lý nước thải mà 21/62 bệnh viện thuộc TPHCM cũng trong tình trạng nước thải cứ tuồn thẳng ra môi trường. Có những bệnh viện khai sinh từ vài mươi năm nay, từ quy mô chỉ vài chục giường bệnh đến khi số giường đã lên đến hàng trăm nhưng vẫn không biết hệ thống xử lý nước thải là gì.

Có bệnh viện khang trang thuộc loại nhất nhì cả nước, mỗi ngày đón tiếp hàng nghìn bệnh nhân với hàng trăm ca phẫu thuật lớn nhỏ, nhưng sau mỗi ca phẫu thuật, phế phẩm sinh học của người bệnh cứ thế tuồn thẳng ra môi trường, mang theo vô số mầm bệnh độc hại.

Bệnh viện là nơi chữa bệnh, cứu người. Thật khó chấp nhận khi nơi đây lại phát ra nguồn bệnh để lây lan cho cộng đồng. Từ năm 2008, mỗi năm TPHCM trích ngân sách khoảng 60 tỷ đồng hỗ trợ các bệnh viện cải tạo, xây mới hệ thống xử lý nước thải. Vậy nhưng, từ đó đến nay chỉ có vài ba bệnh viện khởi công xây dựng, còn lại vẫn án binh bất động.

Bên cạnh đó, một nghịch lý là gần như bệnh viện nào cũng chạy đua mua sắm thiết bị này, kỹ thuật nọ; mở rộng thêm phòng, giường bệnh, đặc biệt là các khoa phòng dịch vụ để…tận thu tiền của người bệnh và quên đi đầu tư cho hệ thống vốn rất quan trọng kia. Một nghịch lý khó chấp nhận.

Hậu quả của sự thờ ơ này khiến hầu hết nước kênh rạch được khảo sát đều chứa lượng rất lớn trứng nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh do các nguồn thải này đổ ra.

Kết quả khảo sát sơ bộ tại 10 tuyến kênh chính ở TPHCM mới đây cho thấy có đến 7 tuyến kênh có khả năng gây dịch bệnh bởi chứa mật độ trứng giun dày đặc: 300 trứng đến 4.064 trứng giun/gram bùn, đó là chưa kể nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm, rất khó điều trị nếu như người dân mắc phải như sán nhái, giun đũa chó. Mới đây, một bệnh nhi đã tử vong khi rơi xuống kênh vì nhiễm các loại ký sinh trùng này là một bằng chứng đau lòng.

Nước thải bệnh viện không được xử lý cứ ngày ngày thải mầm bệnh ra cộng đồng, gây bệnh cho bao người và buộc họ phải vào bệnh viện để chạy chữa, tiêu tốn tiền bạc. Bệnh viện cứu người, rồi lại thải vô số mầm bệnh ra môi trường để đầu độc, gặm nhấm những con người đang khỏe mạnh. Vòng luẩn quẩn ấy bao giờ chấm dứt?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG