Điều kiện tiên quyết để có dân chủ

Điều kiện tiên quyết để có dân chủ
TP - Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong Dự thảo khẳng định sự cần thiết phải “thực hiện dân chủ trong Đảng”. Theo tôi, cần bổ sung thêm: “Làm cho Đảng trở thành tấm gương về dân chủ là điều kiện tiên quyết để có dân chủ, đoàn kết trong xã hội”.

 >> Góp ý về ứng viên tổng bí thư

Mặt trái của độc tôn

Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, đó là tất yếu khách quan lịch sử. Chúng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Nhưng trong điều kiện sự lãnh đạo của Đảng là độc tôn cũng có mặt trái của nó: không có sự cạnh tranh của các lực lượng đối lập, Đảng dễ quan liêu, xa rời nhân dân, chủ quan, tự mãn, kiêu ngạo, đặc quyền đặc lợi.

Bệnh quan liêu trong quản lý nhà nước, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân với quan liêu trong nội bộ Đảng gắn liền với nhau. Đã quan liêu, mất dân chủ ngay trong nội bộ đội ngũ tiên phong cách mạng thì làm sao có thể dân chủ với nhân dân. Đây chính là nguy cơ thoái hóa, biến chất lớn nhất của đảng cầm quyền, nhất là của những người được giao nắm quyền lực.

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều khuyết điểm về thiếu tập trung, thiếu kỷ luật, kỷ cương có nguồn gốc từ tình trạng quan liêu, mất dân chủ mà ra. Có khắc phục tình trạng thiếu dân chủ thì mới đẩy lùi được tình trạng thiếu tập trung, kỷ cương lỏng lẻo.

Ta có thể thấy rõ, như: có tình trạng nói năng vô tổ chức là do trong sinh hoạt nội bộ thiếu dân chủ, không được nói hoặc không dám nói, bị thành kiến, quy chụp về tư tưởng, cho nên đã “xì” ra ngoài tổ chức.

Do thiếu dân chủ, đoàn kết trong Đảng cũng trở thành vấn đề.

Vinh thân phì gia

Trong thời kỳ lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vào Đảng để được hy sinh cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Ngày nay, khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng có quyền và có trách nhiệm bố trí đảng viên của mình nắm giữ những cương vị chủ chốt của bộ máy nhà nước, các cơ quan kinh tế, văn hóa - xã hội.

Ngày nay, có quyền là có tiền, có bổng lộc (cả chính đáng và không chính đáng). Trong cơ chế như vậy, một bộ phận đảng viên phấn đấu đạt vị trí cao trong nấc thang quyền lực không phải để đựơc làm “đầy tớ của nhân dân”, mà để được “vinh thân, phì gia”.

Từ đó, sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền, mua quan bán chức. Họ đè đầu cưỡi cổ nhau bằng nhiều thủ đoạn để vươn tới vị trí mình mong muốn. Khi vào cương vị rồi, họ cố giữ bằng được, họ sẵn sàng mài mòn mình đi để thích ứng với yêu cầu của một cơ chế đã bị quan liêu hóa, mất dân chủ.

Trong sinh hoạt nội bộ, họ luôn dè chừng, giấu mình, nhưng lại hay soi mói người khác để ngăn chặn việc loại bỏ mình khỏi vị trí đang nắm giữ. Từ đó mà sinh ra cơ hội, vụ lợi, thấy đúng không dám ủng hộ, thấy sai không dám đấu tranh. Vấn đề phê bình và tự phê bình ở một số chi bộ bị tê liệt. Chính từ đó, chỉ có đoàn kết về hình thức mà trong thực chất là mất đoàn kết nghiêm trọng.

Qua đó có thể khẳng định, tình trạng thiếu dân chủ, mất đoàn kết trong một số tổ chức Đảng hiện nay là trầm trọng, mở rộng sang thiếu dân chủ, đoàn kết trong quan hệ giữa Đảng, cán bộ Đảng với Dân.

Cần một quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận

Để Đảng thực sự là biểu tượng về dân chủ, đoàn kết thống nhất, nhờ vậy, dân chủ, đoàn kết trong xã hội được tăng cường, cần: Mở rộng sinh hoạt dân chủ và nâng cao chất lượng lãnh đạo tập thể- từ hội nghị cấp ủy cho tới đại hội Đảng ở các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát của tập thể đối với cá nhân, của tổ chức đối với cán bộ, đảng viên, kể cả đối với những người lãnh đạo chủ chốt; cần có quy chế bảo đảm phát huy tự do tư tưởng, tôn trọng những ý kiến khác nhau (để làm điều này, Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh việc xây dựng quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị); Dân chủ hóa công tác quản lý cán bộ;...

GS.TS Phạm Ngọc Quang
Cán bộ giảng dạy của Đại học Quốc gia Bắc Hà
MỚI - NÓNG