Cá chết trắng ao, chó mèo biến dạng

Cá chết trắng ao, chó mèo biến dạng
TP - Gần chục năm nay, hơn 170 hộ dân xóm Rụt (xã Tân Vinh, Lương Sơn, Hòa Bình) phải sống cạnh Nhà máy khai thác và chế biến quặng đa kim thuộc Cty TNHH khai thác khoáng sản Hòa Bình THT. Nhiều vấn đề về sức khỏe đã phát sinh không những đối với người mà cả vật nuôi trong nhà.

> Làng ô nhiễm: Những đứa trẻ mang chì trong máu
> 'Thoi thóp' bên Khu công nghiệp

Dân ho ra máu

Vào thời điểm tháng 9/2011, sau sự cố vỡ bể chứa chất thải của nhà máy khiến hóa chất tràn ra môi trường, người dân xóm Rụt cũng đã từng dựng barie chặn cổng nhà máy, làm tê liệt hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi Cty THT tiến hành một số biện pháp khắc phục, những tưởng người dân đã được yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, sự kiện cá chết hàng loạt nổi trắng ao Vó Khòi vào cuối tháng 6 vừa qua lại một lần nữa khiến người dân vô cùng hoang mang.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Vinh, nguyên Bí thư chi bộ của thôn Rụt. Đặt câu hỏi về vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến nhà máy của Cty THT, ông Chiến cho hay: 4 năm trước, khi còn làm cán bộ thôn, phải thú thực là nhà máy về địa phương thì tôi chính là người họp dân để truyền đạt ý kiến.

Lãnh đạo thôn và bà con ban đầu ai cũng nghĩ rằng có nhà máy thì sẽ có thêm việc làm để cải thiện cuộc sống. Thế nhưng chẳng ai ngờ, nhà máy đặt cách nhà dân chỉ vài trăm mét, nhà gần nhất khoảng 50 m, khi nhà máy hoạt động thì mùi khét bốc lên, khói đen xả ra mù mịt, nhiều người dân làm gần khu vực nhà máy hít phải khí thải tối về còn ho ra máu…

Lo ngại nhất là việc nhà máy thường xuyên sử dụng những thứ hóa chất tạo vàng thuộc diện chất độc bảng A vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ gây chết người và tàn phá môi trường sinh thái…

Trong khi nhà máy lại nằm ở vị trí giáp chân núi gần khu vực dân cư. Do đó, người dân vô cùng hoang mang lo sợ mỗi khi trời mưa những chất thải có chứa độc tố sẽ tràn vào các thùng vũng, ao cá và cánh đồng. Ngoài ra, còn đáng sợ hơn khi các chất này có thể thẩm thấu vào nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Anh Hoàng Văn Liên, một người dân xóm Rụt sống cạnh nhà máy chế biến quặng vàng nói: Khoảng 3 năm trước, giếng nhà tôi đột nhiên đổi màu xanh, nước có mùi gây gây, hôi hôi vô cùng khó chịu. Lo sợ, chúng tôi phải sang xin nhờ nước nhà hàng xóm. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, giếng nhà hàng xóm cũng lâm vào cảnh tương tự.

Từ đó, chúng tôi phải đi lấy nước ở rất xa. Anh Liên cho biết thêm, ở xóm Rụt có một đàn trâu, buổi trưa chúng thường xuống trước khu vực đặt nhà máy để ăn cỏ, buổi chiều về hồ nước trước nhà máy tắm, đầm… Cả 6 con trâu cái trong đàn này, không hiểu vì sao năm ngoái đều đẻ non.

Bà Hoàng Thị Cúc, người dân xóm Rụt kể lại, đã từng xảy ra một việc chưa có tiền lệ. Đó là vụ một con chó của người dân nơi đây đột nhiên đẻ ra con có 7 chân, con chó này cũng không sống được bao lâu. Rồi gà vịt, chó mèo trong xóm, từ khi có nhà máy hoạt động rất hay bất thình lình lăn ra ốm chết… Rất nhiều điều lạ lẫm xảy ra ở một xóm nghèo, khiến người dân ngày càng hoang mang.

Ông Hoàng Văn Tần, Chủ tịch UBND xã Tân Vinh cho biết, sau sự cố vỡ bể chứa nước thải vào tháng 9/2011 khiến người dân bức xúc bao vây cổng nhà máy, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu.

Sau đó, Cty THT đã tiến hành một số biện pháp khắc phục, đồng thời hỗ trợ 7 hộ dân sống gần nhà máy 600.000 đồng/tháng tiền mua nước sinh hoạt (thực hiện trong 3 tháng thì ngừng). Gần đây, vào cuối tháng 6/2013 cá nuôi trong ao Vó Khòi cạnh nhà máy đột nhiên chết trắng ao. Sau khi sự cố xảy ra, các ban ngành đã vào kiểm tra và nhà máy phải tạm thời ngừng mọi hoạt động trong thời gian này.

Xét nghiệm nước ao thấy có nhiều độc tố

Theo tài liệu báo cáo của Cty TNHH khai thác khoáng sản THT, để phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy tại thôn Rụt, có tới 35 loại hóa chất nguy hiểm thường xuyên được sử dụng như: Axit clohydric phân tích, axit nitoric phân tích, thuốc vàng gốc natri, cyanua, thuốc tự ngưng, thủy ngân, bột kẽm, bột sắt, thiếc…

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, dây chuyền làm vàng của nhà máy cũng khá sơ sài, việc quản lý, bảo quản, sử dụng, xử lý các loại hóa chất và chất thải cũng có nhiều lỗ hổng. Chính vì thế, việc người dân phản ánh các hóa chất làm vàng bị rò rỉ, thẩm thấu vào ao ngòi, dẫn tới cá chết hàng loạt không phải không có cơ sở.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Đinh Tuấn Anh, Giám đốc nhà máy cho biết, việc cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân là một điều đáng tiếc, tuy nhiên phía nhà máy hoàn toàn… “vô can”.

Ông Tuấn Anh khẳng định, Cty THT tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật, không xả nước thải ra môi trường. Hơn 1 tháng qua, nhà máy bị “đắp chiếu” không vận hành được, đang trong quá trình chờ các cơ quan chức năng vào làm việc đưa ra kết luận. Cả một dây chuyền trị giá 50 tỷ đồng của chúng tôi phải bỏ hoang.

Phán đoán về nguyên nhân gây cá chết, ông Vũ Đức Dũng, phụ trách nhà máy cho rằng, thậm chí không loại trừ nguyên nhân có sự… phá hoại của con người. Nhà máy chúng tôi đóng tại đây có nhiều người không ưa. Có thể có người rắp tâm hại chúng tôi bằng cách thả thuốc sâu cho cá chết, rồi đổ lỗi do chất độc từ nhà máy, ông Dũng nghi vấn.

Tuy nhiên, theo những kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an huyện Lương Sơn, căn cứ vào kết quả (lần 1) phân tích mẫu nước lấy từ ao Vó Khòi do Viện KHKT Hình sự (Bộ Công an) thực hiện, đã phần nào phản bác những lập luận của phía nhà máy.

Theo đại diện công an huyện Lương Sơn, những thành phần hóa học có trong mẫu nước do cơ quan công an gửi đi giám định có bao gồm các chất độc như cyanua và thủy ngân và ở trên mức cho phép. Đây cũng chính là những thành tố hóa chất cơ bản phía Cty THT sử dụng trong việc chế biến quặng vàng.

Trong buổi làm việc với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn khẳng định, huyện đã có thông tin về vấn đề này và đang tiếp tục chỉ đạo điều tra, làm rõ hoạt động của nhà máy có gây ảnh hưởng tới môi trường và nguồn nước hay không. Nếu có, huyện sẽ báo cáo tỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm đảm bảo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG