Lỗ hổng quản lý, dân gánh hậu quả?

Lỗ hổng quản lý, dân gánh hậu quả?
TP - Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng chủ đầu tư bất động sản (BĐS) ôm tiền bỏ trốn là do lỗ hổng quản lý. Người dân góp vốn cho dự án phải chịu mất trắng vì chưa có quy định xử lý.

> Ba xu hướng của thị trường bất động sản
> TPHCM: Nhiều dự án bất động sản tiếp tục giảm giá, khuyến mãi

Đầu tư kiểu “mỡ nó rán nó”

Mới nhất, rúng động khắp thế giới và khiến nhiều người góp vốn tại Việt Nam “chết chùm” có vụ ông Edward Chi (người Mỹ gốc Hoa), TGĐ Cty Cổ phần Đầu tư Minh Việt (Cty Minh Việt), ôm 400 tỷ đồng lặng lẽ rời Việt Nam không dấu tích. Không ai dám khẳng định 400 tỷ là con số cuối cùng, vì còn nhiều khách hàng chưa ra mặt dù đã góp vốn vào dự án Tricon Towers Hà Nội và The Bayview Towers (Hạ Long, Quảng Ninh) do Cty Minh Việt làm chủ đầu tư.

Ngoài sự việc ông chủ Cty Minh Việt biến mất khỏi Việt Nam, nhiều chủ DN FDI bỏ trốn đã bộc lộ kẽ hở trong quy định pháp luật hiện hành. Hiện chưa có quy định nào để xử lý những trường hợp chủ bỏ trốn và tài sản để lại.

 “Các DN đầu tư nước ngoài thường có các dự án vị trí đất đẹp, vì tiềm lực của nhà đầu tư nước ngoài thường mạnh hơn các DN trong nước”  

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Group

“Tình trạng chủ DN FDI bỏ trốn đã có từ nhiều năm trước, nhưng đang tăng đáng báo động. Điều này là do lỗ hổng quản lý, các DN hoạt động nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan nhà nước. Dù nhiều cấp, ngành quản lý, tưởng chặt nhưng lại lỏng lẻo. Không ai nắm chắc được diễn biến hoạt động của DN”, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) nhận định. Với chủ DN BĐS bỏ trốn (dự án đã huy động vốn từ khách hàng), theo ông Thắng, thiệt hại người dân phải tự chịu, vì chưa có quy định.

“Chuyện này tất nhiên có một phần lỗi từ phía người dân, khi thị trường BĐS sôi động, lời nhiều nên mua theo phong trào, không tìm hiểu kỹ chủ đầu tư”, ông Thắng nói.

GS.TSKH Nguyễn Mai, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để dẫn tới tình trạng trên do khiếm khuyết trong công tác quản lý nhà nước. “Quản lý chồng chéo, trong khi quy định lại thiếu, nên khi xảy ra chuyện, không ai chịu trách nhiệm. Đặc biệt với BĐS, vốn DN bỏ nhiều cũng chỉ 30%; phần còn lại là huy động từ khách hàng theo kiểu mỡ nó rán nó. Thuế nhà nước thu được không bao nhiêu, hậu quả người dân và xã hội lãnh đủ”, GS Mai nói.

TS. Trần Du, nguyên Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, các chuyên gia đã nói nhiều về vấn đề này, nhưng cơ quan quản lý ít quan tâm. Giờ hậu quả nghiêm trọng mới để ý tới. “Người dân đã nộp tiền vào dự án giờ phải chịu, có kiện cũng khó. Vì quy định việc xử lý chủ DN FDI bỏ về nước chưa có”, ông Du nói. Theo ông Du, việc bổ sung quy định của ta hiện quá chậm. Lẽ ra trong Luật Đầu tư Nước ngoài đã phải tính trước những trường hợp kể trên, rút kinh nghiệm từ các nước khác hoặc khi có dấu hiệu phải có văn bản quy định bổ sung.

Phải ký quỹ, mua bảo hiểm

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các quy định của pháp luật chưa lường hết hành vi lừa đảo, chưa đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vấn đề này, nên thiếu quy định, nhiều lỗ hổng. Cũng theo chuyên gia này, việc quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý cũng khó, vì quản lý chồng chéo. “Có tình trạng, khi xảy ra chuyện, không quy trách nhiệm được cho ai. Giải pháp hiện nay có thể bắt chủ doanh nghiệp ký quỹ, hoặc mua bảo hiểm cho dự án để giảm thiệt hại khi có sự cố”, ông Doanh nói.

Theo GS. Nguyễn Mai, cần có biện pháp phòng ngừa với DN có tính chất vi phạm pháp luật như ông chủ Cty Minh Việt. “Ký quỹ cũng là một cách tốt, nhưng chỉ dùng cho nhà đầu tư nước ngoài ít tin cậy, năng lực kém”, GS. Mai nói. Vì theo ông, nếu áp dụng cho tất cả DN FDI sẽ làm giảm sức hút của môi trường đầu tư Việt Nam. Giải pháp quan trọng nhất theo vị này là công tác giám sát, theo dõi hoạt động thường ngày của DN, để phát hiện kịp thời nếu có động thái bỏ trốn.

Luật sư Phạm Liêm Chính (TS Luật quốc tế), đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo luật pháp phải có hợp tác tư pháp quốc tế giữa Việt Nam và chính phủ các nước nơi nhà đầu tư cư trú, mới có thể bắt buộc nhà đầu tư thực hiện biện pháp cưỡng chế đền bù thiệt hại. Còn hiện nay, chủ DN bỏ về nước cũng không làm gì được. “Việc khuyến khích đầu tư quá dễ dãi sẽ dẫn tới hậu quả khó lường. Cần bổ sung quy định để kiểm soát, xử lý vấn đề phát sinh. Thậm chí ký quỹ, buộc mua bảo hiểm dự án... Còn hiện nay cơ bản là người dân mất trắng”, luật sư Chính nói.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết tháng 5/2013, cả nước đã có 518 doanh nghiệp FDI vắng chủ, với tổng số vốn đăng ký 903 triệu USD. Theo GS. Nguyễn Mai, số DN bỏ trốn chiếm khoảng 5% trên tổng số 12.000 DN FDI đang hoạt động (chiếm 1% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện từ năm 1987 đến nay).
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG