Sẽ đề nghị thành phố giám sát 'cổng chào tiền tỷ'

Sẽ đề nghị thành phố giám sát 'cổng chào tiền tỷ'
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch trao đổi với Tiền Phong xung quanh chuyện Hà Nội xây nhà vệ sinh tiền tỷ, quá nhiều cổng chào hoành tráng không cần thiết.

> Xây 13 nhà vệ sinh tốn... 5,7 tỉ đồng

Ông Trịnh Ngọc Thạch nhận định: Đôi khi chúng ta hơi đề cao chi phí mà không đề cao tính hiệu quả...

Vấn đề đầu tư, ở nước ngoài, họ quản lý, tính toán rất khoa học. Có những cái phải đầu tư, nhưng phải đem lại hiệu quả thực sự. Nói cách khác là chi phí bỏ ra phải đem lại lợi ích. Làm một cái nhà vệ sinh, cái cổng chào, hay một công trình gì, phải có lợi ích thực, hiệu quả thực. Nhưng có cái làm ra không hiệu quả, làm hoành tráng nhưng chỉ để trang trí, để chơi thôi. Đấy là lãng phí. Nước ta nghèo nhưng lại thích ăn chơi, hoành tráng, chỉ để lại cái tiếng thôi, hiệu quả không có. Điều này theo tôi là lãng phí, cần phải loại bỏ.

Hà Nội thiếu nhà vệ sinh công cộng, ngay các phố trung tâm tìm mãi cũng không ra. Sao thành phố không làm thêm nhiều nhà vệ sinh cho dân với chi phí vừa phải thay vì làm 14 cái, với chi phí mỗi cái đủ xây một ngôi nhà 4 tầng?

Tôi nghĩ quan điểm về dân sinh trong đầu tư như thế rất không hiệu quả. Những việc dân sinh thiết thực không được chú ý nên nhà vệ sinh công cộng rất thiếu; hay lối đi riêng cho người khuyết tật. Cái này nước ngoài làm rất tốt và TPHCM cũng đã làm được, nhưng ở Hà Nội lại không có. Chúng ta cứ làm những công trình hoành tráng, nhưng việc nhỏ, yêu cầu nhỏ như vậy lại bỏ quên.

Thành phố chủ trương dành 15 tỷ đồng xây 14 nhà vệ sinh. Ông đánh giá thế nào về chi phí đó?

Tôi không biết rõ là dự án này sẽ làm như thế nào, nhưng nếu tính như vậy thì quả nó hơi quá mức. Vì công năng, hiệu quả thực của nhà vệ sinh chắc không đến thế.

Nhà vệ sinh công cộng tại Hồ Gươm. Ảnh: TL
Nhà vệ sinh công cộng tại Hồ Gươm. Ảnh: TL.

Là ĐBQH thành phố Hà Nội, ông suy nghĩ gì về những dự án cổng chào, nhà vệ sinh với chi phí lớn như thế?

Chắc chắn khi biết có chủ trương cụ thể như vậy, chúng tôi sẽ phải đề nghị thành phố giám sát và kiến nghị chi tiêu ngân sách phải có hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là chống lãng phí.

Trên hai chục cây số đường 32 mà có tới 5 cổng chào tiền tỷ có phải là lãng phí hay không?

 Chúng tôi sẽ phải đề nghị thành phố giám sát và kiến nghị chi tiêu ngân sách phải có hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là chống lãng phí. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch

Việc này phải ngăn chặn bởi nó là sự lãng phí. Mình đang nghèo mà lại hay chạy đua, thích tiếng hơn là hiệu quả thực thì phải xem lại. Tôi nghĩ, chính quyền phải vào cuộc. Không ai tự bỏ tiền ra làm mà phải có người cấp kinh phí. Người cấp kinh phí, phê duyệt dự án phải có ý kiến; còn nếu anh lờ đi, thậm chí anh có lợi ích ở đấy nữa thì họ mới làm được.

Hà Nội có nhiều công trình mà ĐBQH lên tiếng như xây bảo tàng nghìn tỷ, những con đường nhiều tỷ, nhà vệ sinh, cổng chào tiền tỷ… Sao Thủ đô không làm gương về tiết kiệm, chống lãng phí và trách nhiệm đó thuộc về ai, theo ông?

Mọi người đều hỏi nhau câu đó. Có thể có tư duy quản lý, có thể có (lý do) công việc quá bận và có thể người ta coi đó là việc nhỏ, chưa phải là việc lớn của người ta. Chúng ta nhìn bảo tàng thấy lãng phí nhưng có người thấy không lãng phí, thậm chí đó chưa phải việc cấp bách, có việc khác còn cấp bách hơn.

Những việc đó, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của thành phố rồi. Lãnh đạo thành phố phải có trách nhiệm cao nhất trong việc này.

Cảm ơn ông.

“Nói lãng phí là thiếu thông tin dự án”

Trước nhiều thông tin khác nhau về việc Hà Nội đầu tư 15 tỷ đồng để xây 14 nhà vệ sinh công cộng, chiều qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội (đơn vị được giao làm chủ đầu tư), có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong. Ông Cường cho rằng, toàn bộ quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, lập dự án đều đã tuân thủ các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng. Trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đã cùng với đơn vị tư vấn khảo sát rất kỹ từng vị trí, đảm bảo sau khi xây dựng, nhà vệ sinh sẽ phục vụ tốt nhất.

Những địa điểm ưu tiên xây dựng gồm: Nơi gần bến xe, vườn hoa công cộng, chợ đầu mối, trung tâm thể thao - nhà thi đấu lớn. Trung bình mỗi nhà vệ sinh sẽ có diện tích chiếm đất 25-30m2, được xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài phần bể ngầm, phần thân và mái làm bằng thép không gỉ có độ bền cao, kết cấu vững chắc, đảm bảo tiêu chuẩn về mỹ thuật, chất lượng. Có 2 loại nhà vệ sinh sẽ được xây dựng gồm 10 nhà loại 2 buồng và 4 nhà loại 4 buồng. Ngoài ra, còn có phòng cho nhân viên dọn vệ sinh. “Để có mức đầu tư trình thành phố, chúng tôi đã làm việc với các nhà sản xuất thiết bị chuyên nghiệp. Nhiều vị trí xây dựng phải lắp đặt cả nguồn nước, nguồn điện chứ không phải sẵn có. Ngoài ra, địa hình, địa chất thi công cũng khác nhau. Nếu nói lãng phí thì là thiếu thông tin về dự án”, ông Cường nói.

Dự kiến, việc thi công xây dựng 14 nhà vệ sinh này được triển khai vào năm 2014.

 

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG