Ép con thành 'Thần đồng'

Trẻ em nên được vui chơi, học theo đúng chương trình (ảnh có tính chất minh họa, chụp tại cơ sở trường mầm non trên địa bàn Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy
Trẻ em nên được vui chơi, học theo đúng chương trình (ảnh có tính chất minh họa, chụp tại cơ sở trường mầm non trên địa bàn Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Phụ huynh chạy theo phong trào “thần đồng”, 'ép hoa nở sớm' khiến nhiều trẻ tưởng “thần đồng” đã hóa thần kinh!

> Cho tôi một vé đi tuổi thơ
Giáo viên cũng ngạc nhiên
> Học làm cha làm mẹ

Trẻ em nên được vui chơi, học theo đúng chương trình (ảnh có tính chất minh họa, chụp tại cơ sở trường mầm non trên địa bàn Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy
Trẻ em nên được vui chơi, học theo đúng chương trình (ảnh có tính chất minh họa, chụp tại cơ sở trường mầm non trên địa bàn Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Ba tuổi viết chữ, làm Toán

Có con mới 5 tuổi, nhưng gần 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Th. (36 tuổi, trú đường Hải Phòng, Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho cháu nghỉ học tại trường mầm non công lập trên địa bàn để gửi tại một cơ sở luyện chữ, học toán của cô L. gần nhà. Gặp chị Th. đón con buổi trưa, chị cười vui, khoe đứa con gái Ngô Thị H. đã đọc, viết thành thạo các số từ 1 đến 10. Bé H. khá dè dặt đọc số, đánh vần các chữ hai âm tiết, như: bé, to, có… dưới sự yêu cầu của mẹ.

“Cháu mới học từ tháng 11 năm ngoái, giờ đã đọc, viết khá thành thạo rồi. Cả nhà tiếp tục cho cháu rèn luyện thêm từ nay đến lúc vào lớp 1. Nghe cô giáo nói đến khi đó cháu sẽ đọc, viết được số 100, các từ ghép, làm nhiều phép toán cơ bản. Anh có con thì mang đến đây để học luôn” - chị Th nói.

Gọi là “lò” vì cơ sở dạy học tự phát của cô L. nằm khá sâu phía sau đường Hải Phòng. Căn phòng nhỏ, tối, được kê bằng những dãy bàn cũ. Có khoảng gần 20 trẻ, phần lớn 3 - 5 tuổi đang trong giờ học. Em viết chữ, em tô màu, có bé đang nhẩm các phép tính chương trình lớp 1.

Cùng cô L., cô H. phụ trách lớp luyện chữ, từng là những giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn về hưu. Trong vai người gửi trẻ 4 tuổi, cô L. vui vẻ nhận lời chúng tôi. Theo cô L, mỗi ngày chia làm 2 lớp: Suất ngày và tối. Các bé còn học ở trường mầm non tham gia suất tối (17 đến 19 giờ). Hoặc phụ huynh đăng ký gửi trẻ cả ngày tại đây, ngoài học được ăn 2 bữa trưa, bữa lỡ. Giá mỗi tháng 500 - 850.000 đồng/1 em.

Đảm bảo trước khi vào lớp 1, bé đọc, viết thành thạo chữ cái, từ ghép, tính toán các con số đến hàng trăm. Dễ nhận thấy các lớp học này chỉ thiên về dạy chữ, làm toán mà thiếu các bài học kỹ năng, múa hát, kể chuyện...

Tại trường mầm non tư thục Đ.Tr (đường Phan Chu Trinh, Hải Châu), nhiều phụ huynh cho hay, lý do gửi trẻ vì cơ sở này dạy viết chữ, làm Toán và cả Anh văn. Nhiều trường mầm non M.Đ trên đường Phan Thanh, trường chất lượng cao trên đường Trần Phú… cũng đưa vào hàng loạt chương trình dạy trẻ: Tập vẽ, múa hát đến luyện chữ, học đếm, làm toán, và cả chương trình học ngoại ngữ tiếng Anh để thu hút phụ huynh đăng ký gửi trẻ.

Một hiệu trường trường mầm non tư thục lý giải: Bản thân phụ huynh có nhu cầu dạy con trước tuổi nên nếu không “xé rào” sẽ khó cạnh tranh với các trường khác.

Hệ lụy ép con thành “thần đồng”

Đầu năm học 2011-2012, em Nguyễn Phúc Trường, học sinh lớp 1 trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) được gia đình xin học vượt lớp vì khả năng làm Toán, Văn lớp 2-3 thành thạo khiến cả trường, ngành giáo dục bất ngờ.

Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát vừa được phòng giáo dục, ngành chức năng quận Hải Châu tiến hành, phát hiện: Trường có kỹ năng tính toán về số học, đọc tốt văn bản, nhưng kỹ năng trả lời câu hỏi, phân biệt âm, vần, viết câu chưa đảm bảo, đặc biệt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống còn giới hạn…

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hải Châu: Qua tìm hiểu, khả năng đọc Toán, làm Văn của Trường được gia đình rèn luyện và học thêm tại các nhóm trẻ gia đình.

Chị Phan Thị Tư (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu), mẹ Trường cũng bộc bạch: Chúng tôi cho cháu tập đọc, viết trước lớp 1, và cháu có khả năng tiếp thu nhanh, hoàn thành sớm chương trình. Gia đình sợ nếu tiếp tục để cháu học lại chương trình sẽ tạo sự nhàm chán nên mới làm đơn xin vượt lớp.

Ngay trường tiểu học Núi Thành, nhiều học sinh trước khi vào lớp 1 đã biết viết chữ, làm toán. Khảo sát của trường cho thấy, có đến hơn nửa số học sinh lớp 1 tỏ ra viết thông thạo chữ cái trước khi vào lớp 1.

Thầy Phan Chánh, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân lo ngại: Đợt khảo sát chất lượng đầu năm nay có đến 20 - 30% số học sinh mới vào lớp 1 đã có khả năng đọc viết thành thạo. Tỷ lệ này gia tăng nhanh mỗi năm, chứng tỏ xu hướng trẻ em đang bị ép học trước tuổi.

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, tình trạng dạy con trước tuổi khá phổ biến. Cái khó là phụ huynh hay gửi con cho các nhóm trẻ gia đình, cơ sở tự phát của các thầy cô giáo về hưu, thậm chí bản thân gia đình cố tình nhồi nhét kiến thức trước quy định nên khó kiểm tra, xử lý hết.

Tay trẻ 3-5 tuổi còn yếu, bộ não chỉ tiếp thu ở dạng kiến thức nhất định, như tô màu, nghe kể chuyện… nên nếu bị ép viết, làm toán chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương tay, hệ thần kinh làm trẻ phát triển không toàn diện. Ngay đến thời gian vui chơi cơ hữu của trẻ bị giới hạn khiến các kỹ năng giao tiếp, xã hội của trẻ bị hạn chế.

Ban giám hiệu trường tiểu học Núi Thành cho hay: Cháu Trường ban đầu có biểu hiện phát triển sôi nổi, hăng hái nhưng càng về sau, em hay bị chán nản, lười phát biểu, nhác học bài.

Theo TS Huỳnh Thị Thu Hằng, giảng viên tâm lý (ĐHSP Đà Nẵng), Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục đặc biệt TP Đà Nẵng: Nếu phát triển của trẻ không đúng với quy luật tâm sinh lý, độ tuổi sẽ dẫn đến áp lực tâm lý, sức khỏe khiến trẻ bị ám ảnh, sợ hãi ngay chính giờ học trên lớp.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ dễ bị tổn thương khi bị ép học, như những hụt hẫng tâm lý, rối loại tâm thần, tự kỷ.

Đánh cắp tuổi thơ con

Tại TPHCM phong trào cho con đi học chữ, học Toán trước tuổi sôi nổi từ ngoại thành đến nội thành. Hàng trăm lời rao nhận dạy chữ cho trẻ được quảng cáo khắp nơi với học phí từ 3 đến hơn 500 nghìn đồng/tháng (tuần học 3 buổi).

Chị Nguyễn Thị Minh Hằng (quận 3) cho biết: “Khi con tôi 5 tuổi, tôi cũng nghĩ không biết nên cho con học trước không. Nhưng thấy xung quanh ai cũng cho con đi học cũng đâm ra sốt ruột. Nếu đứa trẻ nào vào lớp 1 cũng đã biết chữ, chẳng phải con mình sẽ học dở nhất lớp sao”.

Cùng suy nghĩ trên, chị Nguyễn Thị Mùi (Q.Bình Thạnh) nói: “Cho con đi học mới thấy nhà nào cũng có tâm trạng giống mình nên lớp học rất đông. Một số phụ huynh sợ lớp học đông, trẻ ngồi đụng tay, cô giáo không đến từng trẻ cầm tay nắn nót bèn mời luôn các cô giáo dạy lớp 1 về nhà dạy trước cho trẻ”.

Cô Đặng Thảo Tâm, hiệu trưởng trường mầm non Thảo Nhi (Tân Phú, TPHCM) cho biết: Nhiều người đã đưa con mình đi học chữ, học Toán ở nhà các thầy cô. Nhiều phụ huynh ở trường tôi, con mới 3 tuổi nhưng cho đi học tiếng Anh rồi học Toán, rèn chữ… thành ra cháu bị áp lực quá, không tập trung được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG