Người tiêu dùng hưởng lợi từ cơn lốc cạnh tranh

Người tiêu dùng hưởng lợi từ cơn lốc cạnh tranh
TP - Sức cạnh tranh của các sản phẩm dầu ăn nhập ngoại khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước lo lắng khi đang dần mất đi thị phần ngay trên sân nhà.

> Dầu ăn Cánh Buồm - lợi thế giá và chất
> Vào bếp ngày Tết với dầu ăn Cánh Buồm

Doanh nghiệp trong nước “khóc”

Với ưu thế về giá, chất lượng và danh tiếng, các sản phẩm dầu ăn nhập ngoại đang có xu hướng dần lấn sân trên thị trường Việt Nam, đặc biệt với quyết định hạ thuế suất về 0% theo cam kết hội nhập của Việt Nam với ASEAN. Riêng thị phần của dầu thực vật nhập khẩu tăng mạnh, từ 40% năm 2009 lên 86% trong năm 2012.

Bản thân các doanh nghiệp (DN) trong nước hiểu rõ, với các nước láng giềng có thế mạnh trong sản xuất dầu ăn, sản phẩm nhập ngoại sẽ tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp trong nước về thị trường, thị phần.

Riêng yếu tố giá, trong giai đoạn 2009 – 2011, giá bình dân của sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước luôn thấp hơn 2% so với dầu nhập khẩu thì năm 2012, giá dầu sản xuất trong nước đã cao hơn.

Người tiêu dùng Việt Nam đến nay đã khá quen với những thương hiệu dầu ăn ngoại, như Sailing Boat từ Singapore (được biết đến với thương hiệu Cánh Buồm). Đại diện hãng Sailing Boat tại Việt Nam cho biết, với ưu thế về giá thành, chất lượng sản phẩm, lại mang biểu tượng may mắn trong làm ăn, kinh doanh, dầu ăn Cánh Buồm dù mới thâm nhập trở lại thị trường Việt Nam, nhưng đã sớm được người tiêu dùng đón nhận.

Trong giai đoạn từ 2009 – 2011, ngành sản xuất dầu thực vật trong nước chiếm khoảng 50-60% trên thị trường song năm 2012, đến nay thị phần của DN trong nước chỉ còn 14%, nhường lại sân cho các sản phẩm nhập khẩu.

Trước sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm dầu ăn nhập ngoại, DN trong nước hốt hoảng, tìm trợ giúp. Đầu năm 2013, một loạt DN sản xuất dầu ăn trong nước “than” gặp khó, lo bị hàng nhập ngoại “đánh úp”.

Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện nhập khẩu do ngành sản xuất dầu ăn trong nước đang bị sản phẩm ngoại nhập đe dọa nghiêm trọng khiến thị phần sụt giảm mạnh.

Một số công ty khác gồm Công ty CP dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân và Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè cũng kiến nghị yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ cho dầu thực vật.

Trước đó, năm 2012, khi quyết định hạ thuế suất xuống 0% vừa có hiệu lực, Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, đề nghị xem xét lại thuế nhập khẩu với mặt hàng dầu thực vật với lí do doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị để ứng phó với nguồn hàng thành phẩm nhập khẩu.

Người tiêu dùng “sướng”

Nhờ mở cửa thị trường, người tiêu dùng được hưởng lợi với các sản phẩm dầu ăn đa dạng, đảm bảo về chất lượng, và cạnh tranh về giá.

“Sản phẩm dầu ăn bây giờ đa dạng, mình thoải mái lựa chọn phù hợp với túi tiền”, chị Thu Hiền, (Cầu Giấy) chia sẻ. Bây giờ chị Hiền và nhiều người tiêu dùng thở phào yên tâm. “Các loại dầu ăn nhập ngoại như Cánh Buồm của Singapore khiến mình hết lo. Công nghệ, rồi kiểm định của họ đều hơn hẳn mình”.

Chị Hưởng, nhân viên siêu thị Fivimart, cho biết chị tin dùng dầu ăn Cánh Buồm bởi sản phẩm này đáp ứng được yêu cầu kiểm định khắt khe của Bộ Y tế trước khi vào Việt Nam, và giữ được uy tín ở thị trường khó tính như Singapore từ nhiều năm nay.

Khi kinh tế suy thoái, hầu bao của người tiêu dùng bị thắt chặt thì vấn đề giá cả trở thành mối quan tâm hàng đầu khi mua sắm. Thuế suất nhập khẩu 0% đối với dầu ăn nhập ngoại đã mở thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, dẫu không ít các doanh nghiệp trong nước đang lo lắng để cạnh tranh cùng hàng ngoại.

Tăng cường khả năng cạnh tranh - phao cứu sinh

Việc giảm thuế suất là theo đúng lộ trình cam kết hướng tới khu vực tự do mậu dịch ASEAN đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Trước sự lấn sân của dầu nhập ngoại, doanh nghiệp trong nước phải tự cứu mình bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh thay vì than vãn và kêu gọi tăng thuế suất. Bởi suy cho cùng, lợi nhuận của doanh nghiệp và việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn là bài toán khó.

Quyết định của Bộ Công Thương về việc không áp dụng biện pháp tự vệ là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG