Đánh thuế dân giữ vàng sẽ phản tác dụng

Đánh thuế dân giữ vàng sẽ phản tác dụng
TPO – Trong bối cảnh đồng tiền mất giá, nếu NHNN đánh thuế để hạn chế người dân giữ vàng, có thể phản tác dụng. Bởi tích trữ vàng là nhu cầu của dân bao đời nay.

> Có cần bình ổn giá vàng?
> Chính phủ sắp ra quyết định bình ổn giá vàng

Bên lề hội thảo “Rủi ro Kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013” tại Đại học Kinh tế - ĐH Quốc Gia  ngày 30-1, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần tránh biến vàng thành đồng tiền quốc gia thứ hai.

TS Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Công Khanh
TS Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Công Khanh.

Đối với chủ trương thực hiện quản lý vàng theo Nghị định 24-2012/NĐ-CP để chống “vàng hóa” (nhất là coi vàng như công cụ thanh toán), TS Nguyễn Minh Phong cho rằng “là đúng và cần thiết, bảo đảm hiệu qủa của chính sách tiền tệ quốc gia có mục tiêu”; song nó cũng rất dễ gây hệ quả không tốt, nhất là ngộ nhận hoặc lạm dụng trong quản lý và kinh doanh vàng miếng, biến vàng miếng thành “đồng tiền quốc gia thứ hai”.

TS Phong cho biết : “Mục tiêu của quản lý vàng là chống vàng hóa, nhưng nếu quản lý vàng mang tính áp đặt, tạo ra sự chênh lệch lớn giá giữa trong và ngoài nước sẽ vô tình tạo ra loại tiền thứ hai là vàng".

Cụ thể, ông cho rằng không thể dùng ý chí chủ quan tạo sự chênh biệt giá cả quá lớn giữa vàng có “thương hiệu quốc gia” với vàng có hàm lượng % vàng như nhau.

TS Nguyễn Minh Phong cũng lo ngại việc quản lý vàng một cách áp đặt sẽ đẩy các doanh nghiệp vào rủi ro chính sách.

 Vàng là hàng hóa đặc biệt, vừa mang chức năng thước đo giá trị và chức năng dự trữ như một loại tiền tệ đặc biệt. Thế giới đang tích trữ vàng trong bối cảnh đồng tiền mất giá. Nếu NHNN đánh thuế để hạn chế người dân giữ vàng, có thể phản tác dụng. Bởi tích trữ vàng là nhu cầu của dân bao đời nay. Nó là tài sản an toàn .

Tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ là bảo đảm Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và quản lý tập trung thị trường vàng, chống lại các hoạt động đầu cơ và gây rối loạn thị trường vàng nói riêng, cũng như thị trường tài chính-tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia nói chung.

"Tuy nhiên, không có nghĩa là Nhà nước cho phép duy ý chí trong việc đưa ra các công cụ pháp lý và hành chính quản lý vàng, chống lại các quy luật kinh tế thị trường và yêu cầu kinh doanh vàng theo sát với động thái thị trường quốc tế; không cho phép sự vô tình hay cố ý tạo ra các nhóm lợi ích cơ hội hay bắt ai đó phải trả giá cho những rủi ro chính sách mà họ phải gánh chịu", TS Phong giải thích thêm.

Đối với việc Ngân hàng Nhà nước mua vàng để tăng dự trữ, TS Phong cho rằng đó là  thông lệ quốc tế. Trong cơ cấu ngoại hối có vàng, ngoại tệ, một số kim loại quý. Việc dự trữ này nhằm tránh rủi ro của đặc điểm từng thời kỳ thanh toán.

"Trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới thi nhau giảm giá, Nhà nước  chống đầu cơ vàng, chống vàng hóa, tránh chúng ta bị thiệt hại khi dự trữ đồng USD quá lớn. Đây là chính sách đảm bảo an toàn vì lợi ích chung. Chính sách trong tương lai, nên khai thác nguồn dự trữ vàng, sao cho không biến thành nguồn vàng chết trong nhân dân", TS Phong nói.

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Quản lý kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam đang được siết chặt từ ngày 10/1/2013;

Theo Viết
MỚI - NÓNG