Al-Qaeda đang mạnh lên hay yếu đi?

Al-Qaeda đang mạnh lên hay yếu đi?
TPO - Ngày 3.8, Mỹ đã phải gửi khuyến cáo đi khắp nơi cảnh báo mối đe dọa về một đợt khủng bố mới, hàng loạt đại sứ quán Mỹ và các nước phương Tây trên thế giới phải đóng cửa. Tại sao?

Al-Qaeda đang mạnh lên hay yếu đi?

> Trung Quốc lập tuyến tuần tra các đảo trên Biển Đông

> Mỹ rúng động vì 2 vụ xả súng liên tiếp, 6 người chết

 

TPO - Ngày 3.8, Mỹ đã phải gửi khuyến cáo đi khắp nơi cảnh báo mối đe dọa về một đợt khủng bố mới, hàng loạt đại sứ quán Mỹ và các nước phương Tây trên thế giới phải đóng cửa. Tại sao?

Các phái bộ ngoại giao Mỹ tại 22 quốc gia từ Mauritania tới Afghanistan, kể cả trên lãnh thổ đồng minh thân thiết- Israel đều phải tạm thời đóng cửa. Cảnh sát Mỹ được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao. Người Mỹ đang có mặt ở nước ngoài được cảnh báo về những vụ khủng bố có thể xảy ra tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Tính chất của mối đe dọa không được nói rõ, nhưng nguy cơ được công bố là có thật và liên quan đến toàn bộ thế giới phương Tây.

Tổng thống Obama đã ra lệnh tiến hành “tất cả những biện pháp cần thiết” để loại bỏ mối đe dọa nêu trên từ phía Al-Qaeda. Các chuyên gia nghiên cứu của Israel từ DEBKAfile cho rằng, những biện pháp này hoàn toàn trái ngược với những khẳng định công khai trước đó của chính quyền Mỹ tuyên bố không cần đếm xỉa tới Al-Qaeda nữa, bởi vì lực lượng này đã bị mất đầu não chỉ huy trung tâm và sự kiểm soát đối với các tổ chức cơ sở.

Al-Qaeda đang mạnh lên hay yếu đi? ảnh 1
 

Lý do làm cho Nhà Trắng lo ngại là hàng loạt sự kiện diễn ra trước đó. Chẳng hạn các chiến binh Taliban ngày 30.6 đã giải thoát khỏi một nhà lao ở thành phố Dera Ismail Khan của Pakistan gần 300 tù nhân. Trước đó, ngày 28.6, hơn 1.000 tù nhân bị giam giữ tại Benghazi, Lybia đã vượt ngục. Ngày 22.6, sau khi 2 nhà tù lớn nhất ở Iraq là Taji và Abu Ghraib nhiều tai tiếng bị tiến công, 500 tù nhân bao gồm cả một số lãnh đạo cao cấp của các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan đã trốn thoát. Hơn 20 xe ô tô cài thuốc nổ tham gia cuộc tiến công, hơn 100 lính canh nhà tù bị giết chết.

Như vậy, gần 2.000 phần tử Jihad đã thoát ra, tái nhập đồng đảng trong các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ vượt ngục. Đối với lực lượng này, đây là một chiến dịch toàn cầu và là một đòn chí mạng giáng vào thể diện của các cơ quan tình báo Phương Tây. 12 năm chiến tranh tốn kém của Mỹ với Al-Qaeda trên khắp thế giới, nhiều tỷ đô la đã chi ra, những chiếc máy bay không người lái mang vũ khí giết người, bay lượn trên bầu trời của hầu như tất cả các nước theo đạo Hồi cực đoan. Nhưng rõ ràng Mỹ không tiêu diệt nổi số lượng chiến binh tương đương với số vừa chạy thoát khỏi ngục tù trong những ngày qua. Cú đòn sắp tới sẽ giáng vào đâu, chỉ có thể đoán mò trong lo lắng mà thôi.

Al-Qaeda ở Iraq hoạt động dưới cái tên “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant” do Abu Musab Zarqawi, một trong những chiến hữu của Osama bin Laden thành lập. Nỗi lo sợ thường nhật ở đất nước Iraq là do tổ chức này gieo rắc. Cũng chính tổ chức trên vào thời điểm hiện tại đang hoạt động tích cực tại Syria với vai trò là lực lượng chủ yếu của phe nổi dậy.

Phần lớn viện trợ quân sự của phương Tây, trong đó có ngân khoản Quốc hội Mỹ vừa thông qua được rót cho tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant”. Thành thử, một mặt tổ chức này là nguồn gốc mối đe dọa khủng bố đối với toàn nước Mỹ, mặt khác lại là người hưởng lợi cuối cùng từ chính sách của Mỹ ở Syria. Điều này thật khó mà hiểu được, nhưng chắc chắn một chính sách như vậy phải có những nguồn cội của nó.

Al-Qaeda đang mạnh lên hay yếu đi? ảnh 2
 

Trước đây, chính Mỹ đã thúc đẩy sự ra đời của Al-Qaeda, sử dụng tổ chức này chống lại quân đội Xô Viết trong cuộc chiến tại Afghanistan. Huy động nguồn tài chính của Arabia Saudi và cơ quan tình báo Pakistan, Nhà Trắng đã tổ chức lực lượng kháng chiến Hồi giáo Afghanistan, cho lực lượng này sử dụng các căn cứ hậu cần - kỹ thuật với sự hỗ trợ về công tác bảo đảm hậu cần của Pakistan và các lữ đoàn Hồi giáo quốc tế và bảo đảm nguồn bổ sung quân tình nguyện từ tất cả mọi nơi ở Bắc Phi và Trung Đông.

Những nỗ lực như vậy đã mở màn cho chiến dịch “Cơn lốc” nhằm tổ chức phong trào kháng chiến đa sắc tộc Afghanistan theo hình thức và tinh thần Hồi giáo. Trên cương vị Trợ lý Tổng thống về an ninh quốc gia trong giai đoạn đó, Zbigniew Brezinski đã trả lời phỏng vấn dành cho tờ Le Nouvel Observateur của Pháp về sự trợ giúp của Washington và bản thân ông ta đối với chủ nghĩa Hồi giáo nguyên thủy và những phần tử khủng bố tương lai trong giai đoạn đó, kể cả việc cung cấp vũ khí và huấn luyện.

Nhà hoạch định chiến lược nổi tiếng này đã nói thẳng băng quan điểm của Mỹ lúc đó: “Điều gì quan trọng hơn đối với lịch sử thế giới? Phong trào Taliban hay sự suy tàn của Liên Xô? Tất nhiên, khi đó Mỹ không thể hình dung được một ngày nào đó Al-Qeada cầm súng sẽ chống lại chính mình.

Giai đoạn trên, nhiệm vụ tổ chức “phái bộ Ả rập Afghanistan” được người đứng đầu cơ quan tình báo Arabia Saudi, hoàng tử Turki al Faisal giao cho Osama bin Laden. Ban đầu bin Laden hoạt động từ trụ sở của mình ở Peshawar (Pakistan). Nhưng trùm khủng bố không chịu với vai trò một công cụ ngoan ngoãn của Quốc vương Arabia Saudi, mà đã bắt đầu thai nghén những kế hoạch của riêng mình.

Không bao lâu sau viện trợ từ phía Mỹ cho lực lượng thánh chiến Afghanistan bắt đầu đạt tới mức 285 triệu USD một năm. Chính giới Mỹ hiện nay đang ra sức phủ nhận vào thời điểm đó các đại diện của Mỹ đã có những mối liên hệ trực tiếp với bin Laden, nhưng không thể không nghi ngờ điều này. Chẳng có bất cứ lý do nào để có thể bỏ qua một nhân vật quan trọng như thế trong phong trào thánh chiến Hồi giáo. Bin Laden xuất thân từ một gia đình Arabia Saudi dòng dõi, lại được đích thân hoàng tử Turki tiến cử nên Mỹ mừng như bắt được vàng.

Một số nhà phân tích cho rằng, bản thân bin Laden đã được đào tạo tại các trại huấn luyện của CIA, do đó trùm khủng bố rất khôn khéo trong việc tiến hành các hoạt động phá hoại. Cũng có những bằng chứng khác về các cuộc tiếp xúc có thể đã diễn ra giữa bin Laden và cơ quan tình báo Mỹ vào thời kỳ đó. Chẳng hạn vào năm 1998, vì vụ khủng bố sứ quán Mỹ tại Nairobi và Dar es Salam cựu quân nhân Ai Cập Ali Mohamed đã bị bắt. Một sự thật được làm sáng tỏ là vào thời ấy anh ta đã đào tạo những nhà lãnh đạo Al Qaeda tương lai, đồng thời cũng từng là một lính đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại một căn cứ của chiến dịch “Cơn lốc” ở Trung tâm tỵ nạn Al Kifah nằm trên đại lộ Atlantic ở Brooklin. Điều khiến bin Laden ngày càng xa rời những người Mỹ đã bảo trợ mình là do sau một thời gian ông ta nhận thấy Mỹ không có thiện cảm với đạo Hồi, mà chỉ muốn đánh quỵ Liên Xô. Ít lâu sau, bin Laden dứt tình với những ông thầy Mỹ bên kia đại dương và sáng lập phong trào Al Qaeda.

Sau năm 2001 nhờ kết quả của một loạt chiến dịch truy quét ráo riết Al Qaeda hầu như đã bị tiêu diệt, thông tin về tổ chức này đã không còn xuất hiện trên những trang đầu của báo chí. Nhưng trong thời kỳ mùa xuân Ả Rập tổ chức này lại hồi sinh. Vào tháng 9.2012, Mohammed az-Zawahiri, em trai lãnh tụ Al Qaeda hiện nay Aiman az-Zawahiri, đã đề nghị các nước phương Tây và trước hết là Mỹ đình chiến 10 năm với điều kiện không “can thiệp vào những công việc của các quốc gia Hồi giáo và nền giáo dục Hồi giáo, đồng thời giải phóng khỏi các nhà tù của Mỹ toàn bộ những người bị nghi vấn liên quan tới chủ nghĩa khủng bố và quan hệ với những người Hồi giáo”. Để đổi lại họ bày tỏ sẵn sàng tôn trọng những lợi ích hợp pháp của Mỹ và các quốc gia phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Không ai biết chính sách thực tế của Mỹ ở Trung Đông liệu có liên quan gì tới thỏa thuận ngầm đó?

Một nghiên cứu mới đây của RAND Corporation cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2011 98% các cuộc tiến công của Al Qaeda được thực hiện không phải ở phương Tây, mà là ở phương Đông nhằm gây thiệt hại cho các chính quyền khu vực hoặc chia tách một phần lãnh thổ nào đó. Có nghĩa là trên thực tế Al Qaeda đang đe dọa không phải phương Tây mà là phương Đông. Các phần tử Hồi giáo cấp tiến phá vỡ những nguyên tắc đã hình thành sau nhiều thế kỷ của xã hội tư hữu vốn phục vụ cho sức mạnh mà họ coi là thù địch. Tất cả những ai thân Mỹ sẽ bị loại bỏ.

Một thực tế khác Mỹ không muốn nhắc đến: Hiện nay lực lượng đối lập Syria và Quân đội Syria tự do có liên quan với Al Qaeda, tổ chức mà nước Mỹ đã vô cùng hoan hỉ và tự hào sau khi giết chết lãnh tụ của nó.

Một số chuyên gia nghiên cứu Mỹ lập luận trong lúc những phần tử Jihad Syria đang chiến đấu với Iran và các đồng minh Ả Rập của nước này, Mỹ nên ủng hộ họ, đồng thời điều khiển cuộc xung đột sẽ trở nên rất khốc liệt từ xa sẽ có lợi hơn. Sẽ có đủ thời gian để chế ngự con thú sau khi các tham vọng khu vực của Iran tan thành tro bụi.

Quốc hội Mỹ đã tỏ ra đắn đo nhưng rốt cuộc đã ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho các chiến binh ly khai ở Syria. Các tướng lĩnh và các chính khách Mỹ thừa biết số vũ khí này sẽ tới Syria và rất có thể sẽ rơi vào tay Al Qeada.

Liệu Nhà Trắng có khả năng nhận ra mối tình của nước Mỹ với Al Qaeda đã đi quá xa? Hàng trăm thậm chí cả ngàn phần tử Al Qaeda vừa chạy thoát khỏi các nhà tù hiện có thể đang tham gia cuộc chiến ở Syria. Chỉ không nên quên rằng với sự viện trợ của phương Tây, các chiến binh Jihad này tới một lúc nào đó lại tiếp tục chiến đấu chống chính Mỹ và phương Tây.

Đỗ Ngọc Inh
Theo Văn hóa Chiến lược- Nga

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.