Mỹ nghe lén cả đồng minh châu Âu?

Mỹ nghe lén cả đồng minh châu Âu?
TP - Sau khi Mexico tuyên bố mở cuộc điều tra toàn diện vụ bê bối Mỹ do thám, hai đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Âu là Pháp và Đức cũng nổi xung trước những thông tin mới về việc bị Mỹ theo dõi.

> Mỹ phủ nhận nghe lén điện thoại thủ tướng Anh
> SỐC: Mỹ nghe lén điện thoại công dân Pháp

Đồng minh nổi giận

Sau khi tờ Der Spiegel (Đức) đưa tin mật vụ Mỹ theo dõi điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều năm qua, bà tuyên bố đây là hành động không thể chấp nhận được đối với một đồng minh.

Bà điện thoại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama để bày tỏ quan ngại và yêu cầu giải thích thấu đáo. Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Obama khẳng định với Thủ tướng Merkel rằng Washington không theo dõi và cũng không nghe lén thông tin liên lạc của bà. Sau Pháp, ngày 24/10 đến lượt Bộ Ngoại giao Đức triệu tập Đại sứ Mỹ John Emerson tới yêu cầu giải thích rõ vụ việc.

Trước đó, ông Obama buộc phải gọi điện cho Tổng thống Pháp Francois Hollande để thanh minh và xoa dịu sự giận dữ của đồng minh thân thiết ở châu Âu về việc mật vụ Mỹ nghe lén 70 triệu cuộc gọi của các công dân Pháp, theo dõi cơ quan ngoại giao Pháp ở New York và Washington.

Theo Spiegel, NSA tập trung nghe lén Liên minh châu Âu (EU). Mật vụ Mỹ đặt máy theo dõi tại các cơ quan đại diện châu Âu tại Washington, phái đoàn EU ở New York, thậm chí ngay cả trụ sở Hội đồng EU tại Brussels cũng bị giám sát. Brazil cũng là quốc gia nạn nhân của hoạt động gián điệp Mỹ.

Mới đây, Mexico tuyên bố mở cuộc điều tra toàn diện sau khi biết thông tin tình báo Mỹ theo dõi hoạt động của Tổng thống Enrique Pena Nieto. Theo Der Spiegel, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng giám sát thư tín của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon kể từ năm 2010 cũng như chính phủ nước này trong nhiều năm. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, thông tin báo chí đăng tải “không chính xác và bị bóp méo”.

Cơn địa chấn do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden gây ra tưởng chừng lắng dịu, giờ đây lại bùng lên dữ dội. Vụ bê bối nghe lén lan rộng đã phủ bóng đen và gây chia rẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đang diễn ra tại Bỉ.

Dự kiến, lãnh đạo 28 nước châu Âu dành nhiều thời gian bàn về ngành công nghiệp số, nhất là vấn đề cách mạng thị trường viễn thông. Đây là cơ hội để họ đẩy nhanh thương lượng cam kết về dài hạn nhằm củng cố luật pháp về bảo vệ cuộc sống riêng tư trước sự xâm nhập của những gã khổng lồ trên internet, nhất là các cơ quan mật vụ.

NSA thu 125 tỷ cuộc gọi/tháng

Theo các báo cáo thu thập được và hồ sơ chính phủ bị rò rỉ, chỉ trong một tháng đầu 2013, NSA đã thu gần 125 tỷ cuộc gọi. Tờ Le Monde (Pháp) xác nhận con số trên và cho rằng, NSA còn theo dõi 97,1 tỷ mục thông tin trao đổi trong môi trường số, chủ yếu là tại những khu vực đang có chiến sự, nhưng việc này cũng được thực hiện ở Nga và Trung Quốc.

Tại Mỹ, cơ quan tình báo đã thu 3 tỷ cuộc điện thoại, nhưng quy mô theo dõi ở nước ngoài lớn hơn nhiều. Cụ thể, tình báo Mỹ đã thu tại Afghanistan 21,98 tỷ cuộc gọi, Pakistan - 12,76 tỷ, Iraq - 7,8 tỷ, Ảrập Xêút - 7,8 tỷ, Ai Cập - 1,9 tỷ, Iran - 1,73 tỷ và Jordan - 1,6 tỷ.

Le Monde đưa tin các tài liệu của Snowden còn tiết lộ một phương pháp thu thập tài liệu của NSA mang tên Upstream. Hệ thống này cho phép trích xuất dữ liệu từ đường cáp ngầm dưới biển và hạ tầng internet. Đây được coi là phương pháp rất hiệu quả bởi có đến 99% trao đổi viễn thông quốc tế đi qua đường cáp ngầm.

Tờ báo Pháp cũng cho rằng, Cơ quan truyền thông chính phủ Anh (GCHQ) đóng vai trò hàng đầu trong hệ thống này do sự gần gũi lịch sử giữa Anh và Mỹ. Vì lý do kỹ thuật, phần lớn số cáp ngầm nối châu Âu với Mỹ chạy qua Anh. Hai nước này đã có thỏa ước bí mật với nhau để thực hiện việc giám sát thông tin.

Theo Le Monde, NSA và GCHQ không chỉ sử dụng nó trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn để do thám các nước đồng minh. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 năm 2009 ở Anh, nhiều nhà lãnh đạo và ngoại giao cũng bị GCHQ theo dõi, kể cả các cuộc điện đàm của họ.

Thục Ninh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG