Doanh nhân tư có thể vào T.Ư Đảng?

Với vai trò là nhà đầu tư và tổ chức sản xuất, tiêu thụ, doanh nhân là một nhân tố then chốt của CNH – HĐH. Ảnh: Hồng Vĩnh
Với vai trò là nhà đầu tư và tổ chức sản xuất, tiêu thụ, doanh nhân là một nhân tố then chốt của CNH – HĐH. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - "Ông chủ doanh nghiệp tư nhân có thể vào Đảng, thậm chí tham gia Ban chấp hành Trung ương..." ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết.

> Gặp gỡ doanh nhân Việt trong và ngoài nước

Với vai trò là nhà đầu tư và tổ chức sản xuất, tiêu thụ, doanh nhân là một nhân tố then chốt của CNH – HĐH. Ảnh: Hồng Vĩnh
Với vai trò là nhà đầu tư và tổ chức sản xuất, tiêu thụ, doanh nhân là một nhân tố then chốt của CNH – HĐH. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Ông Vũ Tiến Lộc nói: “Ngày xưa, Bác Hồ khi chọn ngôi sao 5 cánh trên cờ Tổ quốc cũng nhằm biểu trưng cho 5 lực lượng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sĩ, nông, công, thương, binh. Trong các nghị quyết của Đảng trước đây không có từ doanh nhân, đến gần đây mới có. Trong khi công nhân, nông dân và trí thức đều đã có nghị quyết của Đảng, còn doanh nhân thì chưa.

Hiện đội ngũ doanh nhân tại Việt Nam phát triển không ngừng, nhưng nhận thức và đánh giá về doanh nhân chưa xứng với những gì đội ngũ này đã đóng góp cho xã hội. Bởi thế, việc ra đời một Nghị quyết của Bộ chính trị về doanh nhân là rất cần thiết...”.

ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam
ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp
và Thương mại Việt Nam.
 

Giúp doanh nhân khởi nghiệp

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết mà VCCI xây dựng, trình Bộ Chính trị là gì, thưa ông?

Dự thảo Nghị quyết có đề cập một loạt vấn đề quan trọng, như: Phải xác định giải pháp thúc đẩy đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Về quan điểm, chúng tôi thấy phải xác định doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất mới.

Đội ngũ doanh nhân là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân cũng là góp phần xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao cho nền kinh tế; Mục tiêu phấn đấu đến 2020 có bước chuyển về chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp, tăng tỉ trọng doanh nghiệp vừa và lớn trong nền kinh tế và phấn đấu có một số doanh nghiệp tầm cỡ thế giới...

Làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó?

Dự thảo Nghị quyết đề ra 7 nhóm giải pháp, để có thể thực hiện các mục tiêu trên, như: Thống nhất nhận thức về vai trò đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, tôn vinh doanh nhân, khẳng định sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của họ; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân;

Xây dựng chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp, thành lập các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, thử nghiệm dịch vụ, sản phẩm mới; Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân, trên cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh và quản trị công ty.

Đồng thời triển khai rộng khắp chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, bảo đảm các doanh nhân được trang bị những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh đó, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc trong cộng đồng doanh nhân. Đưa những tấm gương doanh nhân, tinh thần kinh doanh vào sách giáo khoa, giảng dạy trong các trường từ cấp cơ sở...

Doanh nghiệp lắp ráp ôtô Hòa Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh
Doanh nghiệp lắp ráp ôtô Hòa Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Doanh nhân tư có thể vào Trung ương Đảng

Theo ông, nếu dự thảo Nghị quyết này được Bộ Chính trị thông qua và ban hành thì sẽ tạo ra chuyển biến gì với đội ngũ doanh nhân và họ được hưởng lợi gì?

Cái được lớn nhất là sự nhìn nhận đúng vai trò của doanh nhân trong xã hội. Tuy sự nhìn nhận của xã hội về doanh nhân đã có sự chuyển biến tích cực hơn trước rất nhiều, nhưng còn không ít người nhìn nhận doanh nhân gắn với những hình ảnh không mấy thân thiện: nói đến doanh nhân là gắn với chân dài, bóc lột lao động, buôn gian bán lận...

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu quan điểm ngay trong đội ngũ doanh nhân cần được đối xử bình đẳng (tư nhân và nhà nước). Đây là vấn đề rất quan trọng, vì chỉ có sự bình đẳng mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới.

Tăng cường bồi dưỡng, kết nạp doanh nhân vào Đảng cũng như sự hiện diện của doanh nhân trong hệ thống chính trị. Phải đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân trở thành những người lãnh đạo, tham gia Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Với tư cách lực lượng xung kích, doanh nhân phải có tiếng nói trong hệ thống chính trị để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Vừa rồi ở Trung Quốc có chủ doanh nghiệp tư nhân ứng cử vào Ban chấp hành T.Ư, ông có kỳ vọng sau Nghị quyết này, Việt Nam cũng có chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam?

Tôi nghĩ đây là việc bình thường, vì nếu doanh nhân là đảng viên thì sao họ không thể vào Ban Chấp hành T.Ư. Tất nhiên, khi tham gia thì họ phải từ bỏ sự nghiệp kinh doanh, chuyển sang làm chính trị. Đây là việc bình thường. Về mặt pháp lý hiện không có rào cản, có chăng chỉ có rào cản về mặt tâm lý thôi.

Dự thảo Nghị quyết có đặt vấn đề về sự bình đẳng giữa đội ngũ doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Điều đó có quá tham vọng, khi mà các Văn kiện được Đại hội Đảng XI, vẫn xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo?

Ở đây, sự bình đẳng là ở góc độ về cơ hội làm ăn, vị thế chính trị, cạnh tranh bình đẳng và được đối xử bình đẳng. Còn không ai tranh giành vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước cả.

Tuy nhiên, vai trò chủ đạo, dẫn đường, liên kết của doanh nghiệp nhà nước phải được chứng minh bằng năng lực thực sự, chứ không chỉ bằng lời nói. Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp nhà nước. Nếu họ làm được thì doanh nghiệp tư nhân cũng tâm phục khẩu phục.

Cảm ơn ông.

Người giàu nhất Trung Quốc ứng cử BCH T.Ư

Tờ Thời báo Trung Quốc cho biết, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn tất việc thẩm tra tư cách đối với ông Liang Wengen (55 tuổi). Nếu được bầu tại kỳ Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10-2012, ông Wengen sẽ trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nằm trong số 300 ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Wengen là nhà tài phiệt trong lĩnh vực xây dựng và đứng đầu danh sách những người giàu nhất Trung Quốc do tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn năm 2011, với tổng tài sản trị giá 9,3 tỉ USD.

Bá Kiên - Phạm Tuyên thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.