Về một nền điện ảnh nhân văn

Về một nền điện ảnh nhân văn
TP - Đêm 21-2 tại Cồn Nón, bãi đất bồi cạnh Đập Đá, NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn bộ phim truyện nhựa Cô gái trên sông có cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè văn nghệ sĩ ở Huế và khán giả hâm mộ.

> Quỹ Phùng Quán tặng thưởng nhà thơ Trần Vàng Sao
> Nhạc sĩ Phú Quang nói về tình đầu và tình ca

Đặng Nhật Minh là người con ưu tú của Huế, sống ở Hà Nội nhưng luôn hướng về quê hương. Ông trần tình, thành công trong các tác phẩm của mình có ảnh hưởng rất lớn của tính cách và tâm hồn Huế.

Đằng sau tác phẩm của ông, nhiều người nhận ra tâm hồn và tính cách Huế của tác giả, cho dù phim không làm ở Huế, cốt truyện, đề tài của phim đều không phải là Huế. Đã có lần tôi nghe Đặng Nhật Minh bày tỏ: Tôi cám ơn đấng sinh thành đã nuôi dưỡng tôi bằng truyền thống gia đình và bằng tâm hồn Huế.

Lần này tôi lại nghe Đặng Nhật Minh cám ơn thời bao cấp - chữ dùng của ông là “tôi đội ơn thời kỳ bao cấp”.

Thời ấy chỉ có nhà nước chi tiền làm phim. Và làm phim không nhằm mục đích kinh doanh, vì thế mới có những bộ phim để đời, được xem là kinh điển, là chuẩn mực của điện ảnh Việt Nam, chuông thanh xa vọng xứ người.

Theo Đặng Nhật Minh, hiện nay ngoài nhà nước, có khoảng 40 hãng phim tư nhân đặt mục tiêu thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận lên hàng đầu.

Khi điện ảnh trở thành môi trường kinh doanh, điện ảnh giải trí chiếm ưu thế thì không thể có tác phẩm chất lượng cao. Hiện mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất được 15phim truyện nhựa, trong đó hai phim do nhà nước cấp kinh phí.

May thay, nhờ đó Đặng Nhật Minh làm được phim Đừng đốt. Một số ông chủ hãng phim tư nhân xem Đừng đốt khen hay, chúc mừng, nhưng cũng thành thật nói với tác giả: Phim rất hay nhưng chúng tôi không dám làm phim kiểu thế này.

Trước khi vào Huế, Đặng Nhật Minh có đọc một bài báo của Nguyễn Đắc Xuân đề xuất ý tưởng xây dựng Huế theo mô hình thành phố nhân văn. Ông rất tâm đắc và cho rằng phải xây dựng nền điện ảnh nhân văn mới có được nhiều tác phẩm truyền đời, và tác phẩm hội nhập với thế giới.

Vài khán giả hỏi mục đích giáo dục và mục đích giải trí bên nào nặng, nhẹ trong quá trình làm phim, Đặng Nhật Minh chia sẻ: Dù được nhà nước cấp tiền làm phim, ngay cả thời điểm có những cơ quan tổ chức cho cán bộ đi xem phim tập thể, sau khi xem phải viết thu hoạch, ông vẫn làm phim theo cảm xúc của mình, không chịu sự áp đặt nào cả.

Khi làm phim Đặng Nhật Minh không có ý định giáo dục, dạy bảo ai điều gì. Ông làm phim như một lời tâm sự với khán giả. Và chỉ mong được khán giả chia sẻ, mong muốn bộ phim sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn đẹp hơn, đồng cảm với nhân vật và đồng cảm với mọi người xung quanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG