Lính tàu Cảnh sát biển

Lính tàu Cảnh sát biển
TP - Tàu CSB 9002 công suất 3.500 mã lực mang dòng chữ Viet Nam Marine Police lao vút ra khơi, mang theo những người lính thế hệ 8X. Họ khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ cứu ngư 11 dân Quảng Ngãi bị nạn ở Hoàng Sa sau cơn bão đầu tiên của năm 2012…

>Cảnh sát Biển kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển
>'Mắt thần' canh biển

Mệnh lệnh trái tim

Ngày 31-3-2012, Cảnh sát biển Vùng 2 đứng chân tại Kỳ Hà (Quảng Nam) nhận được tin 23 ngư dân đi trên 2 tàu cá Quảng Ngãi đang bị nạn trong tình thế nguy hiểm, cách bờ hàng trăm hải lý.

“Cứu dân là nhiệm vụ chiến đấu”, đó là mệnh lệnh ngắn gọn và quyết liệt khi triển khai nhiệm vụ. Tàu CSB 9002 được lệnh xuất kích. So với tàu 6006 ra Hoàng Sa đón 9 ngư dân trên tàu ông Mai Phụng Lưu lần trước, chiếc 9002 thuộc loại tàu cứu nạn chuyên dụng và hiện đại trên thế giới. Tàu được thiết kế theo công nghệ Hà Lan, vỏ thép dày, chịu sóng mọi cấp độ.

Ca bin tàu được thiết kế bằng kính siêu bền, có thể chịu những cú va đập lớn. Khi hành trình trên biển, tàu rất khó bị sóng đánh chìm. Với công suất 3.500 mã lực, tàu có thể kéo phăng cả những con tàu có trọng tải lên đến 20.000 tấn.

Nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm này được giao cho Trung úy thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh và Thượng úy, Chính trị viên Phạm Văn Dũng. Lúc này, thời tiết trên biển đang diễn biến phức tạp, bão số 1 đã vào biển Đông và bẻ hướng về phía Nam. Biển động cấp 7-8, phải vượt chặng đường tương đương 600 km.

Cách bờ khoảng 350 hải lý, 23 ngư dân bị nạn trên hai tàu cá đang kêu cứu. Đó tàu QNg 90046 TS do ông Phạm Văn Mãng làm thuyền trưởng và tàu QNg 90252 TS do ngư dân Phạm Văn Quang làm thuyền trưởng. Hai tàu này cùng của xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tàu 9002 cứu ngư dân bị nạn vào bờ
Tàu 9002 cứu ngư dân bị nạn vào bờ.

Trung úy Ngô Thái Cảnh cầm lái con tàu. Qua đài quan sát, bốn bề dữ dội những con sóng bạc đầu. Sóng phủ kín boong tàu. Mũi tàu nhiều lúc gần như chui dưới lượn sóng. Qua máy Icom, các ngư dân trên tàu bị nạn thông báo, hiện nay đã cạn nước ngọt, gạo chỉ đủ nấu cháo.

Lúc 8h 05 phút ngày 1-4-2012, qua tần số 7903 Khz trên tàu CSB 9002 chợt vang lên tiếng thông báo của Đài duyên hải phía bắc: “Hiện nay tàu cá của ông Phạm Văn Quang đã sửa chữa được máy và đang chạy vào đất liền. Trên biển chỉ còn tàu ông Phạm Văn Mãng và 11 ngư dân”.

Lúc 6h 45 phút ngày 2-4, tàu CSB 9002 bật Icom thông báo: "Chúng tôi còn cách tàu bị nạn 20 hải lý nữa”. 11 ngư dân thở phào và ngóng về phía đất liền.

9h 15 phút ngày 2-4, tàu 9002 áp sát, ném dây qua và kéo con tàu bị nạn hành trình vào bờ. Người thân trong đất liền bao ngày ngóng đợi, giờ vỡ òa hạnh phúc ôm người thân mừng vui.

Bà Nguyễn Thị Tần, mẹ thuyền trưởng Phạm Văn Mãng khóc sụt sùi: “Không nhờ cảnh sát biển thì chắc chết hết. Trên tàu bị nạn có 4 anh em ruột con cô, 3 anh em ruột con bác. Còn lại là bà con trong tộc họ”.

Có một điểm chung trên tàu Cảnh sát biển Vùng 2, đều là những người lính còn rất trẻ, đến từ những vùng quê phía Bắc. Các anh vào đóng quân trên vùng biển Quảng Nam đầy nắng gió.

Tháng 10-2010, trong lần đón 9 ngư dân trên tàu cá QNg 66478 TS của ông Mai Phụng Lưu ở huyện đảo Lý Sơn được phía Trung Quốc thả về từ Hoàng Sa, nhiều người bất ngờ khi lãnh đạo Vùng 2 Cảnh sát biển giới thiệu thuyền trưởng tàu 6006 vừa hoàn thành nhiệm vụ lai dắt là Trung úy Quản Đình Dương, tuổi ngoài đôi mươi.

Suốt 4 ngày đêm ròng rã hành trình trên biển, anh và 28 đồng đội điều khiển con tàu thần tốc lao về đảo Tri Tôn - Hoàng Sa, trong sự mong đợi từng giờ của người thân các ngư dân.

Tàu CSB trên đường tuần tra Ảnh: Hải Anh
Tàu CSB trên đường tuần tra Ảnh: Hải Anh.

“Chúng tôi ai nấy đều xúc động khi con tàu tiến về Hoàng Sa, mảnh đất máu thịt của Tổ quốc” – những người lính trẻ tàu CSB 6006 bồi hồi. Đối với các anh, dù từng nhiều lần ra vào với Trường Sa, nhưng chuyến hành trình ra Hoàng Sa để lại nhiều cảm xúc.

Phiên tuần tra trên biển

Cảnh sát biển là lực lượng thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, duy trì việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và công ước quốc tế có liên quan trên các vùng biển và thềm lục địa. Nhiệm vụ này yêu cầu những người lính trẻ phải thường xuyên ra khơi, bám biển.

Trên con tàu 4033, thuyền trưởng Vũ Đức Tuyên tập hợp đội hình, phân công và triển khai phương án đi biển. Mỗi người về một vị trí. Thiếu úy Nguyễn Xuân Hưng nhanh chóng vào bệ pháo.

Tháp pháo trên boong ghi hàng chữ: “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể”. Theo Hưng, ra khơi thực hiện nhiệm vụ, anh em phải gắn bó với nhau như trong gia đình thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Còn tại chiếc tàu tuần tra bên cạnh, Trung úy thuyền trưởng Lê Trung Thành và đồng đội cũng đang nghiên cứu về hải trình sắp tới của con tàu. Trong thời gian qua, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhiệm vụ càng đặt nặng lên vai những người lính hải quân và cảnh sát biển.

Khi ra khơi, các anh luôn thực hiện tốt phương châm “kiên quyết dũng cảm – khắc phục khó khăn – đoàn kết hợp đồng – giữ nghiêm kỷ luật”, “không mắc mưu kẻ địch”.

Bởi thực tế, có những chuyến tuần tra, tàu tuần tra của nước ngoài lợi dụng lực lượng đông, dùng đèn pha chiếu thẳng vào cabin tàu của ta để gây lóa mắt thuyền trưởng, dùng vòi rồng phun nước vào tàu để khiêu khích.

Thuyền trưởng trẻ tàu CSB 6006 – Trung úy Quản Đình Dương
Thuyền trưởng trẻ tàu CSB 6006 – Trung úy Quản Đình Dương.

Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, những người lính trẻ đã thể hiện tư thế vững vàng như những cây phong ba trên biển, không thể bị quật ngã.

Khi đưa tàu tuần tra trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, giữa mênh mông biển trời, mỗi khi nhìn thấy tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam treo lá cờ đỏ sao vàng, anh em lại nhoài ra, mắt dõi về phía những ngư dân kiên gan bám biển, lòng cảm thấy tràn ngập tin yêu.

Và ý thức rõ rằng, sự có mặt của mình, giúp những con thuyền đưa ngư dân đi, về bình yên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG