Những dự án 'bánh vẽ' lãng phí

Những dự án 'bánh vẽ' lãng phí
TP - Thành phố Cần Thơ đang phải điều chỉnh lại một dự án giao thông huyết mạch nối trung tâm 3 quận và huyện (phê duyệt cuối năm 2010). Từ đây, cho thấy Cần Thơ có nhiều dự án gây lãng phí.

> Bộ GTVT 'nhờ' cả nước giám sát các dự án giao thông
> “Thừa” 6.000 tỷ đồng ngân sách: Do thiếu năng lực

Dự án giao thông đang được điều chỉnh là xây dựng và nâng cấp đường nối trung tâm quận Ô Môn, huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ, dài hơn 22 km.

Tháng 10-2010, UBND TP Cần Thơ phê duyệt, dự kiến năm 2014 làm xong. Nhưng đến nay, mới cơ bản xong việc đo đạc cắm mốc giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là không có tiền, trong lúc dự án ảnh hưởng tới 696 hộ dân.

Đầu tháng 11, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho biết, giá đã đội lên gần 3.000 tỷ đồng “không còn phù hợp nữa”. Bà Ánh nói, phải nghiên cứu lại quy mô dự án để tránh lãng phí ngân sách và có khả năng thực hiện.

Ở Cần Thơ còn nhiều dự án đồ sộ hơn, được lãnh đạo nhiệm kỳ trước cho vẽ ra nhưng không thể thực hiện. Điểm chung của các dự án này, chỉ thể hiện ý muốn chủ quan, không xem xét hiệu quả đầu tư cũng như khả năng thực hiện.

Điển hình như dự án cầu chữ Y, nối hai doi đất gần bến Ninh Kiều ra một cù lao giữa sông Hậu. Dự án đã đem mời gọi đầu tư trong năm 2009 và 2010, trị giá khoảng 200 triệu USD, được giới thiệu là “một công trình văn hoá, du lịch, tạo điểm nhấn cho một đô thị trung tâm khu vực ĐBSCL”.

Viện trưởng Viện Thiết kế Quy hoạch Cần Thơ lúc đó nói với PV Tiền Phong: Cầu chữ Y sát với cầu Cần Thơ, chỉ là một mớ lằng nhằng làm xấu cảnh quan, đặc biệt không thích hợp khi treo trên ngã ba sông Hậu - sông Cần Thơ vốn thiên nhiên đã tuyệt đẹp và còn có ý nghĩa tâm linh.

Còn về hiệu quả đầu tư, theo vị kiến trúc sư, xây cái cầu chỉ để khách du lịch đi ra một hòn cù lao rộng 77 ha là quá tốn kém.

Cũng dự án giao thông, được tuyên truyền rầm rộ nhưng sớm đi vào quên lãng là đường cao tốc Cần Thơ-An Giang-biên giới Campuchia, vốn đầu tư dự kiến 927 triệu USD; đường liên vùng Mỹ Thuận-Đồng Tháp-Cần Thơ-Kiên Giang-Cà Mau để rút ngắn khoảng cách so với QL1A gần 50km, vốn đầu tư dự kiến 1.256 triệu USD.

Về hai con đường này, một thứ trưởng Bộ GT-VT từng nói, không có trong quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia và không có tiền để làm. Nhưng Cần Thơ vẫn đưa vào “Danh mục các dự án mời gọi đầu tư” trong nhiều năm.

Chung số phận, còn có dự án đường nối quận Ô Môn với Cái Răng, dài khoảng 30 km, vốn đầu tư dự kiến 583 triệu USD.

Hoành tráng nhất phải kể đến dự án “xây dựng khu đô thị 20.000 ha”. Nổi tiếng một thời, được gọi nôm na là dời trung tâm hành chính TP Cần Thơ lên đó, trùm lên Nông trường Sông Hậu, song hành thời gian xảy ra vụ án truy tố bà Trần Ngọc Sương.

Lời giới thiệu mời gọi đầu tư: “Xây dựng một khu đô thị mới để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai” và là “một giải pháp tối ưu, tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực về công nghiệp, nông nghiệp”.

Nhưng cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn sống, đã viết thư phản đối, vì đây là vùng đất nông nghiệp màu mỡ bậc nhất ĐBSCL, có đồn điền lúa Cờ Đỏ nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.

Các nhà khoa học cũng phản đối, vì đây là vùng đất thấp nhất của TP Cần Thơ, không thích hợp xây dựng đô thị trong tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG