Kiểm soát quyền lực nhà nước để tránh lạm quyền

GS.TS Trần Ngọc Đường (trái) trao đổi bên lề Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
GS.TS Trần Ngọc Đường (trái) trao đổi bên lề Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, khắc phục sự tha hóa, đưa quyền lực nhà nước trở về với đúng nghĩa của nó là quyền lực của nhân dân, GS. TS Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.

> Tăng quyền biểu quyết của công dân
> Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước

Thể chế hóa quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước vào Dự thảo năm 1992 như thế nào? Nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp có thể thấy những điểm mới sau đây:

Trước hết, trong mối quan hệ với kiểm soát quyền lực nhà nước, nhiều nhận thức mới đã được thể hiện. Đó là, dự thảo đã xác nhận nhân dân là chủ thể của quyền lập pháp, Quốc hội không còn là thiết chế duy nhất có quyền lập hiến như hiến pháp hiện hành.

Khi nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến thì nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước. Thể hiện điều đó, điều 6 của Dự thảo quy định, ngoài việc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện (thông qua Quốc hội và HĐND và các cơ quan khác của nhà nước) còn thực hiện bằng các hình thức dân chủ trực tiếp như bầu cử và bãi nhiệm (điều 7); công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân (điều 30); công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước… (điều 29); Mặt trận tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức viên chức (điều 9), Công đoàn Việt Nam… tham gia thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước (điều 10).

Như vậy, Dự thảo sửa đổi đã hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân bằng các hình thức dân chủ trực tiếp.

Với các quy định nền tảng của Hiến pháp như vậy, chắc chắn cơ chế đó sẽ được cụ thể hóa bằng các đạo luật như luật bầu cử, luật bãi nhiệm đại biểu, luật trưng cầu dân ý, luật tham vấn và phản biện các công việc nhà nước của nhân dân.

Hai là, nói đến kiểm soát quyền lực nhà nước thì điều quan trọng trước tiên là tổ chức bộ máy nhà nước phải được phân công, phân nhiệm một cách đúng đắn, mạch lạc giữa ba quyền lập, hành pháp và tư pháp. Có phân công phân nhiệm mới có sơ sở để kiểm soát quyền lực.

Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, thì nhân dân là chủ thể phân công quyền lực nhà nước. Hay nói cách khác là phương tiện để giới hạn quyền lực nhà nước. Theo nhận thức đó, trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã có một bước tiến mới trong việc phân công quyền lực nhà nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền lực nhà nước được cấu thành từ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nhưng Hiến pháp năm 1992 lại chưa chỉ ra được một cách rõ ràng cơ quan nào là cơ quan lập pháp, cơ quan nào là cơ quan hành pháp và cơ quan nào là tư pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khắc phục được nhược điểm đó bằng việc quy định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Ba là, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bước đầu hình thành các thiết chế độc lập góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là Hội đồng hiến pháp có nhiệm vụ giúp cho Quốc hội kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác như Chính phủ, TAND tối cao ban hành.

Đó còn là kiểm toán nhà nước có nhiệm vụ giúp Quốc hội kiểm soát việc quản lý, sử dụng nguồn tài sản quốc gia. So với Hội đồng Bảo hiến và Tòa án Hiến pháp của các nước, Hội đồng hiến pháp của Dự thảo mang tính tư vấn giúp Quốc hội kiểm soát chính mình và kiểm soát các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền, có thể xem là một thiết chế mới, một tiến bộ trong tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta.

Tuy chưa thật sự là một thiết chế thực quyền mang tính tài phán độc lập như của các nước, nhưng Hội đồng hiến pháp là một thiết chế chuyên trách có khả năng giúp Quốc hội kiểm soát hoạt động lập pháp của Quốc hội và hoạt động lập quy của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền khác trong bộ máy nhà nước góp phần bảo vệ hiến pháp.

Bốn là, trong tổ chức quyền lực nhà nước ở các nước theo nguyên tắc phân quyền mềm dẻo thì kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, chủ yếu là kiểm soát của lập pháp và tư pháp đối với hành pháp.

Để tăng cường hiệu quả của kiểm soát việc thực quyền hành pháp, Dự thảo đã bổ sung yếu tố lấy phiếu tín nhiệm vào quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc bổ sung này được xem như là một cách thức để hiện thực hóa việc bỏ phiếu tín nhiệm được quy định ở Hiến pháp hiện hành mà chưa thực hiện được trong thực tế.

Cùng với điều đó, Dự thảo cũng bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Ví dụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được bổ sung nhiệm vụ quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy Dự thảo đã có những quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát, khắc phục sự tha hóa của quyền lực nhà nước, nhưng so với mong muốn của dư luận, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cần được thiết kế một cách mạnh mẽ, có hiệu lực và hiệu quả hơn, như Hội đồng Hiến pháp cần phải độc lập và thực quyền hơn, có khả năng tài phán chứ không chỉ là tư vấn; cần khôi phục lại chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát trong việc kiểm soát việc tuân thủ hiến pháp và pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Vấn đề cơ bản của kiểm soát quyền lực nhà nước là làm cho bộ máy nhà nước không những có khả năng kiểm soát được xã hội, mà không kém phần quan trọng là buộc nhà nước phải tự kiểm soát được chính mình. Vì vậy, sau Hiến pháp, dựa trên cơ sở Hiến pháp, phải ban hành các đạo luật để xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách phù hợp.

GS. TS Trần Ngọc Đường
Viện Nghiên cứu lập pháp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG