Tranh cãi buôn bán sừng tê giác: Gia tăng sức ép lên Việt Nam

Tranh cãi buôn bán sừng tê giác: Gia tăng sức ép lên Việt Nam
TP - Bất chấp tuyên bố tám điểm của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tại hội nghị quốc tế về buôn bán các loài nguy cấp đang diễn ra ở Thái Lan, sức ép đòi trừng phạt thương mại Việt Nam do vấn đề buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác vẫn gia tăng, ông Allan Thornton, Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Môi trường (EIA), cho Tiền Phong biết.

> Bắt người Việt mang sáu sừng tê giác
> Bắt vụ vận chuyển hơn 16 kg sừng tê giác

177 quốc gia thành viên Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Nguy cấp (CITES) đang tham gia hội nghị lớn nhất hành tinh ở Bangkok, Thailand, thảo luận các biện pháp đối phó với nạn săn bắt trộm tê giác trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Nam Phi, nơi có gần 1.500 tê giác bị săn trộm ba năm qua.

Tại hội nghị quan trọng nhất về buôn bán thú hoang ba năm diễn ra một lần này khai mạc ngày 3-3, các nước bị cho là có tỷ lệ buôn lậu ngà voi, hổ, và tê giác lớn được đưa ra xem xét quyết định trừng phạt.

Theo ông Jim Leape, Tổng Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), dư luận quan tâm nhiều đến việc ra quyết định trừng phạt ba nước có tỷ lệ buôn lậu ngà voi lớn nhất gồm Thái Lan- nước chủ nhà hội nghị, Congo, và Nigeria.

Các quốc gia này đã bị cáo buộc liên tục dính vào các thương vụ buôn bán ngà voi trái phép suốt hơn một thập kỷ qua. Ước tính mỗi năm thế giới có 25.000-30.000 cá thể voi bị tiêu diệt.

Việt Nam bị đưa vào vòng ngắm

Nếu Thái Lan bị cho là thị trường chính tiêu thụ ngà voi; Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ hổ, ngà voi, và sừng tê giác; Việt Nam bị xem là trung tâm buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác của thế giới.

Đỉnh điểm là ngày 11-3, báo cáo mới nhất mang tên “Buôn lậu sừng tê giác của Việt Nam” đã được công bố. Báo cáo phân tích việc Việt Nam, một nước thành viên của CITES, chưa thực hiện được các biện pháp bảo vệ tê giác mà CITES ban hành.

Cùng với các tổ chức khác, EIA không chỉ kêu gọi CITES mà còn gửi kiến nghị lên Chính phủ Mỹ đòi áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam cho đến khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà CITES yêu cầu, ban hành và thực thi đầy đủ việc cấm toàn diện tất cả các hoạt động buôn bán sừng tê giác trong nội địa, duy trì việc trấn áp các băng nhóm đứng đằng sau các thương vụ mua bán bất hợp pháp. Được biết, kiến nghị đã được chuyển đến Phủ Tổng thống Mỹ.

Nếu được chấp thuận, Tổng thống Obama rất có thể sẽ ban hành lệnh cấm vận Việt Nam một khi Việt Nam không dàn xếp được với các bên tại COP16.

“Dựa vào các bằng chứng xác đáng thu thập được, Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác rất lớn”, Nick Cox nói. “Việc thay đổi nhận thức và thái độ không thể diễn ra một sớm một chiều. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ VN đẩy mạnh thi hành pháp luật, trong đó bao gồm việc ngắn chặn nạn buôn lậu sừng tê giác”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG