Cán bộ xã ăn chặn của người nghèo

Cán bộ xã ăn chặn của người nghèo
TP - Chính phủ dành nhiều khoản tiền hỗ trợ hộ nghèo mọi mặt cuộc sống để giúp họ thoát nghèo nhưng nhiều nơi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số tiền đó đã bị cán bộ từ xã và ấp ăn chặn.

> Mẹ đẻ, mẹ vợ bỗng nhiên thêm tuổi
> 'Quan xã' ém tiền trợ cấp của người điên

Xã Mỹ Phước (Mỹ Tú, Sóc Trăng), năm 2012, bình xét 5 hộ nghèo để được hỗ trợ đóng cây nước sinh hoạt. Trong đó, Phó bí thư Đảng ủy xã Võ Thanh Thủy giành một cây nhưng đứng tên vợ. Một cây nước trong danh sách đề tên ông Ch.D. nhưng ông này thực tế đã tự đóng được cây nước trước đó, và cây nước do nhà nước hỗ trợ tiền đã chuyển sang cho cháu của ông Thủy, là ông Ngô Văn Toàn.

Xét cấp nhà đại đoàn kết, cán bộ xã ngồi họp và quyết định cho ông Võ Thành Lân và bà Võ Thị Quy. Ông Lân là cha của Phó bí thư Đảng ủy xã Võ Thanh Thủy, còn bà Quy là mẹ của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phan Thanh Vũ.

Theo đơn tố cáo của ông Huỳnh Thanh Ngoan, năm 2011, Chủ tịch UBND xã Phạm Minh Kết cùng cán bộ thương binh-xã hội xã ký chứng từ khống để quyết toán tiền quà mà huyện tặng cho hàng trăm gia đình chính sách (mỗi gia đình 50.000 đồng). Khi bị tố cáo, ông Kết và thuộc cấp mới trả lại cho gia đình chính sách.

Bí thư kiêm trưởng ấp... ăn chặn

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp 4, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang) Nguyễn Văn Dũng vừa bị phát hiện ăn chặn tiền Tết 2013 của nhiều hộ nghèo và cả tiêu chuẩn hộ nghèo trong năm 2012.

Chuyện vỡ lở khi gần Tết, ấp có 16 hộ thoát nghèo nhưng vẫn được hưởng quà Tết để vui xuân, tuy nhiên, thực tế người dân không được nhận. Trong danh sách nhận tiền chỉ có chữ ký của ông Dũng và vài chữ ký của người nghèo.

Ngôi nhà trống của hộ nghèo Sơn Thị Lệ Hoa. Ảnh: Tuấn Anh
Ngôi nhà trống của hộ nghèo Sơn Thị Lệ Hoa. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà Nguyễn Thị Cẩm, 71 tuổi, sống một mình trong căn nhà tình thương. Bà kể: “Nghe tin được 300.000 đồng quà Tết, dự định sẽ mua thịt cá cúng ông bà, tổ tiên nhưng chờ hoài không thấy. Sau Tết, ông Dũng mới đến nhà tôi phát tiền, tôi giận quá nên không nhận”.

Nhiều gia đình trước đây có tên trong danh sách hộ nghèo, nhưng họ không hề biết và không nhận được các khoản tiền dành cho hộ nghèo.

Gia đình bà Lưu Thị Mộng Dung có tên trong danh sách hộ nghèo năm 2012 và thoát nghèo từ đầu năm 2013, ngơ ngác “tôi chưa bao giờ thấy cuốn sổ hộ nghèo, không nghe cán bộ ấp nói gì và cũng không nhận được tiêu chuẩn người nghèo gì cả, hàng tháng hay dịp tết nhứt”. Danh sách nhận tiền Tết 2013 lại có chữ ký của bà Dung.

Hộ thuộc diện nghèo nhất ấp cũng không hề biết đến tiêu chuẩn cho hộ nghèo như ông Nguyễn Văn Nhanh. Gia đình ông chỉ có 1.000 m2 đất, hàng ngày vợ chồng phải làm thuê để nuôi 2 con ăn học, nhà cửa đã mục nát. Nhưng danh sách hộ nghèo năm 2012 và thoát nghèo đầu năm 2013, nhận tiền Tết 2013 đều có tên ông. Ông nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi lo làm thuê không ngửng đầu lên được nên không được biết gì cả, cán bộ ăn chặn cũng thua luôn”.

Ỉm tiền chuyển đổi nghề

Theo chủ trương, bà con nông dân Khmer ở xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) được hỗ trợ chuyển đổi nghề (theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ) và danh sách đã được UBND huyện Châu Thành phê duyệt. Thế nhưng, từ năm 2010 đến giữa năm 2012, bà con vẫn chưa nhận được tiền.

Khi bà con tìm hiểu thì biết tiền đã chuyển về cho xã nhưng xã không phát. Hộ nghèo Sơn Thị Lệ Hoa, 72 tuổi, thương binh hạng 4/4, ở ấp Bưng Tróp B, làm đơn xin nhận tiền nhưng chỉ nhận được lời hứa từ cán bộ xã. Nhiều người dân liền làm đơn gửi lên cấp trên.

Ông Danh Nhanh, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, cho biết, năm 2011, xã có 305 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, mỗi hộ 3 triệu đồng. Sau khi nghe bà con phản ánh, xã đã cho mời ông Huỳnh Văn Thanh, kế toán ngân sách xã, làm việc thì ông Thanh cho rằng đã phát tiền cho bà con nên xã trả lời bà con là đã phát đủ.

Tuy nhiên, bà con khiếu nại họ chưa nhận được. Chỉ đến khi UBND huyện, Phòng LĐ-TB-XH, Phòng Tài chính huyện kiểm tra hồ sơ chứng từ tài chính mới phát hiện xã chưa quyết toán nguồn vốn thực hiện theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND huyện Châu Thành đã yêu cầu UBND xã An Hiệp có trách nhiệm nộp hoàn trả số tiền 219 triệu đồng tại kho bạc nhà nước huyện Châu Thành với lý do “nguồn vốn năm 2011 đã chuyển nhưng chưa thực hiện, còn giữ tại xã”. Đến đây, Chủ tịch xã Danh Nhanh thừa nhận, tiền dành cho người nghèo “do cán bộ kế toán xã chiếm dụng”.

Cuối tháng 7-2012, UBND huyện Châu Thành có công văn chỉ đạo Chủ tịch UBND xã An Hiệp chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn xã từ năm 2011 để có kết luận cụ thể đối với tất cả các nguồn vốn.

Qua đó, tham mưu với Đảng ủy xã có hình thức kỷ luật đối với ông Huỳnh Văn Thanh và những người có liên quan (nếu có) do làm hồ sơ khống để chiếm dụng 219 triệu đồng của 73 hộ nghèo.

Sau khi có kết luận của các ngành liên quan, ông Thanh thừa nhận đã nhận tiền nhưng chưa phát, và đã nộp đủ 219 triệu đồng để xã phát. Cuối năm 2012, bà con nghèo ở địa phương mới nhận được số tiền ít ỏi đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG