Vụ ém tiền trợ cấp của người điên: Phải cách chức chủ tịch xã!

Vụ ém tiền trợ cấp của người điên: Phải cách chức chủ tịch xã!
TP - “Trước hết, phải cách chức Chủ tịch xã, sau đó làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan tại xã Thanh Chi và xử lý nghiêm!”, Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An Bùi Nguyên Lân trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

> Mẹ đẻ, mẹ vợ bỗng nhiên thêm tuổi
> 'Quan xã' ém tiền trợ cấp của người điên

Ngay sau khi đọc bài báo phản ánh tiêu cực trong việc chi trả tiền bảo trợ xã hội tại xã Thanh Chi (huyện Thanh Chương) đăng trên Tiền Phong ngày 14, 15/3, tôi đã gọi điện cho Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch và PCT huyện Thanh Chương. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc này.

Trước hết, phải cách chức Chủ tịch xã, sau đó làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan tại xã Thanh Chi và xử lý nghiêm.

Ngày 15/3, Sở LĐ-TB&XH đã cử đồng chí Nguyễn Bằng Toàn, Phó giám đốc Sở dẫn đầu đoàn cán bộ về làm việc với huyện Thanh Chương và cùng ngày Thường trực Huyện ủy Thanh Chương đã hội ý về hướng xử lý những sai phạm trong việc chi trả tiền chế độ chính sách tại xã Thanh Chi!- ông Bùi Nguyên Lân nói.

Điều tra của phóng viên cho thấy, sai phạm trong việc chi trả tiền bảo trợ xã hội không chỉ xảy ra ở Thanh Chi mà còn có ở một số xã khác?

Qua nhiều nguồn thông tin, thì tại huyện Thanh Chương có 3-4 xã có tình trạng tương tự như vậy!

 Lỗ hổng chính là chỗ không có người trực tiếp giám sát tại cơ sở, dẫn đến hiện tượng người đã chết nhưng chưa khai tử, hoặc nâng tuổi để hưởng chế độ, hoặc cấp phát tiền không đủ cho đối tượng được hưởng.

GĐ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Bùi Nguyên Lân

Lỗ hổng nào dẫn đến sai phạm này, thưa ông?

Từ trước tới nay, qui trình cấp phát tiền chính sách bảo trợ xã hội tại Nghệ An được thực hiện như sau: Sở LĐ-TB&XH giao cho các huyện lập danh sách đối tượng được hưởng gửi về Sở, sau đó Sở LĐ-TB&XH xem xét, cân đối và chuyển qua Sở Tài chính, Sở Tài chính thẩm định và cấp nguồn chi trả hàng tháng xuống các huyện.

Lỗ hổng ở đây là quá trình theo dõi tăng giảm đối tượng và việc giám sát đối tượng, nguồn tiền chi trả còn bất cập. Lỗ hổng chính là chỗ không có người trực tiếp giám sát tại cơ sở, dẫn đến hiện tượng người đã chết nhưng chưa khai tử, hoặc nâng tuổi để hưởng chế độ, hoặc cấp phát tiền không đủ cho đối tượng được hưởng.

Liệu tới đây, Nghệ An có tổng kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện chi trả chế độ bảo trợ xã hội trên phạm vi toàn tỉnh không, thưa ông?

Đoàn kiểm tra liên ngành đã có một cuộc kiểm tra, đánh giá, rà soát lại. Hiện nay nguồn bảo trợ xã hội nằm trong tài khoản chung của huyện, xã. Để nguồn tiền chính sách tránh bị cán bộ xã chiếm dụng, tới đây phải có cách quản lý chặt hơn, hạch toán bằng tài khoản riêng từ tỉnh xuống huyện, mở sổ sách riêng và phải do ngành LĐ-TB&XH cùng cấp huyện trực tiếp quản lý.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương đã có thông báo kết luận các cá nhân sai phạm tại xã Thanh Chi vào giữa năm 2012, sau đó địa phương này tổ chức kiểm điểm xử lý nhưng hầu hết chỉ bị khiển trách. Như vậy là nương nhẹ?

Chỉ đạo xử lý không dứt điểm! Lần này là phải xử lý nghiêm túc!

Nếu cần, sẽ yêu cầu khởi tố vụ án.

Ngày 14/3, một lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trực tiếp điện thoại cho Bí thư Huyện ủy Thanh Chương Lê Quang Đạt, yêu cầu xử lý nghiêm những sai phạm tại Thanh Chi. “Nếu cần, sẽ yêu cầu khởi tố vụ án!”, lãnh đạo tỉnh cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG