Khát nước trên 'cổng trời'

Khát nước trên 'cổng trời'
Nắng hạn, cả nước suối lẫn giếng đào đều cạn kiệt, bà con xã biên giới Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, nơi có độ cao gần 1.490m, được xem là cổng trời của miền Tây phải lấy nước từ các vũng nước mạch vùng trũng.

Khát nước trên 'cổng trời'

> Qua mùa hạn mới được giải quyết
> Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chống hạn vụ hè thu
> Dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Nắng hạn, cả nước suối lẫn giếng đào đều cạn kiệt, bà con xã biên giới Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, nơi có độ cao gần 1.490m, được xem là cổng trời của miền Tây phải lấy nước từ các vũng nước mạch vùng trũng.

Người dân phải ra suối lấy nước bẩn về dùng cho sinh hoạt
Người dân phải ra suối lấy nước bẩn về dùng cho sinh hoạt.

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này, nguồn nước đối với bà con trở thành "tài sản" quan trọng nhất. Dù biết rằng, nguồn nước phải chắt chiu để có được này là không đảm bảo vệ sinh, song bà con không còn sự lựa chọn nào khác. 

Đầu tháng 4, chúng tôi có dịp lên với đồng bào dân tộc huyện Kỳ Sơn. Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, mất khoảng hơn một giờ đồng hồ đi xe máy, vượt 40 km chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Mường Lống. Dọc đường đi, chứng kiến đám học sinh tay xách nách mang những can nước nặng trĩu mới thấy được sự nhọc nhằn của các em.

Hỏi ra mới hay, với các em học sinh ở đây, ngoài những buổi lên lớp còn kiêm luôn cả việc "nội trợ", nấu ăn, quét dọn, giặt giũ. Lâu dần thành quen, công việc có khi vượt quá tuổi của mình nhưng các em đều làm thoăn thoắt như các chị, các mẹ. Thế nhưng, điều các em lo lắng nhất hiện nay là nguồn nước đã khan hiếm.

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Đông, người đã có thâm niên công tác nơi vùng cao này, hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Lống 1 cho biết: Ở đây, kể cả giáo viên và học sinh đều phụ thuộc vào nước tự nhiên; vì điều kiện đặc thù của địa hình nên ở vùng này ít khi có mưa, vì thế nguồn nước dùng để sinh hoạt rất khan hiếm. Ở các bản gần trung tâm, một số hộ có điều kiện hơn còn xây được bể, còn lại phần lớn đều dùng nước từ khe suối nhỏ và các mạch nước ngầm.

Ông Lầu Giống Cải - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Mường Lống có trên 830 hộ, hơn 4.100 khẩu, chủ yếu là người Mông, thuộc 13 thôn, bản, đời sống còn khó khăn. Với địa thế là một thung lũng được bao quanh bằng núi rừng, ngày trước ở đây hai mùa (mùa khô, mùa mưa) quanh năm nguồn nước đầy đủ nhờ nước ở suối đầu nguồn đổ về. Không chỉ nước mà khí hậu cũng trong lành, dễ chịu.

Thế nhưng mấy năm gần đây, bà con lại chịu cảnh "khát" nước. Mặc dù đã có dự án xây bể cho bà con nhưng cũng không phát huy tác dụng. Hiện nay, ở Mường Lống đang là mùa khô, cả các bản thuận lợi nhất như ở bản Trung Tâm, Mường Lống 1, Mường Lống 2 cũng thiếu nước. Bà con ở đây phải đến con suối đào những cái vũng để lấy nước mạch, nhưng cũng chỉ đủ uống, chứ không dám sử dụng cho tắm, giặt.

Chúng tôi theo chân thầy giáo Đông, "thị sát" thực tế tại một vũng nước ven làng, bắt gặp 3 - 4 người dân đang cần mẫn gạn từng ca nước đục đổ vào can mang về uống đỡ khát qua ngày. Một hộ dân ở bản Mường Lống 1 cho biết: Thời tiết năm nay khô hạn, đất lại cằn cỗi, cây cối mọc lên héo úa dần, gia đình chẳng biết trông chờ vào đâu, bây giờ chỉ trông vào mấy cân lúa Nhà nước hỗ trợ cứu đói nên cũng tạm ổn. Gia đình có gần 3 sào ruộng cũng đành bỏ hoang vì khô hạn.

Hầu hết người dân ở xã Mường Lống đều lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mọi người chỉ còn cách trông chờ trời mưa, mặc cho số phận mà không dám kêu ca, phàn nàn. Người dân cũng có ý kiến lên cấp trên đề nghị hỗ trợ xây dựng các bể nước nhưng không giải quyết được nhiều.

Ông Lầu Giống Cải - Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu là chuyện thường xảy ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa vào mùa khô hạn. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả thi.

Được biết, huyện Kỳ Sơn cũng đã có kế hoạch xây dựng và sửa chữa các công trình nước sạch theo nguồn vốn từ Chương trình 135/CP, nhưng với điều kiện của huyện biên giới Kỳ Sơn, gần như xã nào cũng "khát" nước về mùa này nên việc đầu tư một lúc cho các xã, trong khi các bản làng và dân sinh sống rải rác không tập trung nên đầu tư dàn trải là rất khó.

Thiết nghĩ, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các ngành cần quan tâm ưu tiên triển khai sớm các dự án về an sinh xã hội của Nhà nước cho nhân dân, để bà con ổn định cuộc sống và tập trung sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến kịp với các xã, các địa phương trong tỉnh.

Theo Xuân Thống - Đức Thắng
CA. Nghệ An

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".