Xe thuê, tài mướn, trụ sở cabin

Xe thuê, tài mướn, trụ sở cabin
TP - Ở bài trước, chúng tôi đã bàn đến câu chuyện quản lý và trách nhiệm. Chính việc buông lỏng ấy đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng. Bài cuối này chỉ là một lát cắt của hệ quả ấy với những câu hỏi: Vì sao có “hung thần”? Vì sao “hung thần” tự tung tự tác? Câu trả lời dường như vẫn đang bỏ ngỏ.

> Quản lý xe khách buông lỏng, trách nhiệm thả rông
> Đùa với thần chết, giỡn mặt công an

Dưỡng xe dù, di hiểm họa

Vì sao khi xe xuất bến không có hành khách nào nhưng chẳng mấy ai xót xa. Trái lại, bến xe vẫn “tiền thầy bỏ túi”, một số “cò” nổi “cò” chìm vẫn sống khoẻ. Trong nhiều ngày PV Tiền Phong quan sát tại cửa các bến xe đã nhận thấy rằng một chiếc vòng luẩn quẩn đang siết lấy doanh nghiệp vận tải.

Gặp lúc khó khăn, doanh nghiệp vì đã có xe nên cố bám nghề, bám bến. Tuy nhiên, khách vắng chẳng lẽ chịu treo niêu. Lái xe đành liều mình đón khách trái quy định. Vì làm trái nên lại thêm chi phí, vì thêm chi phí nên tạo áp lực kinh doanh lớn và càng phải làm liều nhiều hơn.

Ngược lại với tình cảnh của nhà xe, hầu hết các bến xe tại Hà Nội lại “sống khoẻ” vì dù có vắng khách thì không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các bến. Bến xe Mỹ Đình là một ví dụ: Theo thiết kế, bến có sức chứa 800 lượt xe ngày đêm.

 “Thanh tra giao thông phạt hàng trăm trường hợp mỗi tháng, có trường hợp bị phạt nhiều lần vẫn cố tình vi phạm.”  

Ông Lê Quang Vinh, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội

Nay bến này tiếp nhận vào ngày cao điểm lên đến 1.500 lượt xe. Sự quá tải đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân: phía doanh nghiệp; phía quản lý nhà nước và từ phía các bến xe. Chất lượng dịch vụ giảm sút, các điều kiện không gian, thời gian cho xe ra vào bến không đảm bảo... Với tốc độ xuất bến chóng mặt như vậy, khó ai có thể kiểm tra một cách kỹ càng các điều kiện xuất bến theo quy định.

Vì bến chật, nhiều khách ngại vào bến nên tự phát hình thành nên các “ bến cóc” di động trên trục đường ngoài bến. Hơn nữa, thói quen bắt khách dọc đường ngoài bến của khách đã vô tình tạo nên những đám mật ngọt, dẫn dụ nhiều xe dù về các khu vực này ký sinh. Ngay sau bến xe Mỹ Đình từ lâu hình thành nên một “bến xe Mỹ Đình 2” rộng gần mười ngàn m2.

Hằng ngày có cả trăm xe vào đỗ rồi tiện đón trả khách. Tại khu vực đường Phạm Hùng (xã Mỹ Đình) cùng tồn tại nhiều điểm đỗ xe tự phát. Rồi khu vực Trung Yên, Nam Trung Yên cũng hình thành nên nhiều điểm tập kết xe. Ngay trong địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng hình thành một số điểm đỗ của xe liên tỉnh đường dài như đường Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân, Giải Phóng...

Trong các điểm đỗ xe này ai biết được có bao nhiêu xe dù né bến trà trộn, để khi thời cơ đến là đua nhau tranh giành khách? Hiện thực nhãn tiền, trắng trợn và rầm rộ thế không lẽ cơ quan chức năng không biết? “Hung thần” được nuôi dưỡng có thể gây ra tội ác bất cứ lúc nào.

Tại hầu hết các bến xe trên cả nước, do hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên dường như thiếu đi sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước. Việc cấp phép vào bến đôi khi chỉ dựa vào “ đạo đức” của doanh nghiệp vận tải và bến xe. Việc cấp cứ cấp còn quản lý thì buông vì thế có tình trạng xe không vào bến đón trả khách nhưng vẫn được bến đóng dấu xác nhận vào sổ nhật trình- một cách “ hợp thức cho xe dù”.

Xe thuê, tài mướn, văn phòng Cabin

Chủ doanh nghiệp vận tải T.Tr tên N. đang kinh doanh vận tải liên tỉnh tại Hà Nội khẳng định: “Doanh nghiệp của tôi là còn làm ăn tử tế lắm. Trong số tổng số 25 xe, doanh nghiệp chỉ thuê ngoài có 4 xe. Nhiều doanh nghiệp còn chẳng có cái xe nào”.

Theo N. việc kinh doanh vận tải hiện tại đang gặp nhiều khó khăn, lượng khách giảm khoảng 15% so với năm 2010. Trong các tuyến chạy từ Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, duy có tuyến Thái Bình là còn có lãi đôi chút, những tuyến khác khéo chạy là hoà, đủ trả lãi ngân hàng.

Lý giải về việc hỗn loạn trong vận tải khách liên tỉnh, N. chia sẻ, vận tải trăm hoa đua nở hầu như thiếu mất sự kiểm soát của nhà nước. Dù là kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế lại quá thoáng. “Có lúc cả Ban giám đốc làm việc trên cabin xe”- N. nói.

Thấy tôi băn khoăn, N. giải thích: Chồng làm giám đốc kiêm lái xe; thu ngân, bán vé, kế toán Công ty là vợ. Thế là cả Ban Giám đốc lên xe làm việc. Theo N trên tuyến Bắc – Nam tình trạng “chồng lái- vợ thu” trên các chuyến xe không phải là hiếm.

Không chỉ vậy, hiện nhiều công ty cổ phần vận tải, do vài ba người hùn mua được một chiếc xe và gia nhập đội quân kinh doanh vận chuyển hành khách đường dài. Thậm chí có đến 6 gia đình cùng vay mượn, hùn vốn chung một chiếc xe.

Lý giải về hiện tượng này, một nhà xe cho biết: “ Dù không có lãi, nhưng so với làm ruộng vẫn khá hơn chút đỉnh. Nhiều xe buộc phải phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách vì xe chạy đó nhưng giấy tờ xe nằm trong két ngân hàng. Tất tần tật từ tiền ăn, học, hiếu, hỉ... đều trông vào xe. Quá nhiều áp lực nên chỉ một tích tắc lơ đãng thôi lái xe cũng có thể gây tai họa.

Với quan niệm và phương thức kinh doanh vận tải hành khách như vậy, các chủ xe chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận bằng cách vắt kiệt sức xe, sức tài mà không có điều kiện quan tâm đến an toàn kỹ thuật.

“ Việc có bộ phận đảm bảo kỹ thuật an toàn, hay bến bãi đỗ, garage sửa chữa theo quy định thực sự quá xa xỉ đối với hầu hết doanh nghiệp vận tải”- Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Cty CP xe khách Hà Nội nhận định.

Điều đáng lưu ý là hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian qua liên quan đến các DN vận tải tư nhân quy mô nhỏ, manh mún, thậm chí là cả các nhà xe với những thương hiệu mang tên “ chồng, vợ”, con cái... Ví như vụ TNGT kinh hoàng tại Khánh Hòa ngày 8/3 vừa qua do xe của hai nhà xe Chín Nghĩa và nhà xe Cúc Dũng gây ra…

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, chỉ với việc “tụ” về Hà Nội làm ăn đã có 300 doanh nghiệp vận tải liên tỉnh. Điều này cho thấy quy mô “tiểu nông” của các doanh nghiệp vận tải. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vài xe, số có trên chục xe chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Nhiều doanh nghiệp chỉ có một xe. Theo Tổng Cục ĐBVN đến tháng 03/2012 cả nước có 2.681 doanh nghiệp và 586 HTX vận tải ô tô. Tuy nhiên, số lượng phương tiện của mỗi đơn vị không nhiều, năng lực cạnh tranh yếu.

Theo điều tra riêng của phóng viên Tiền Phong, hiện chỉ tính các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh làm ăn tại một số bến xe lớn của Hà Nội có đến 250 doanh nghiệp có thuê xe để kinh doanh, đạt khoảng 80% tổng số các doanh nghiệp kinh doanh tại các bến xe này. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp thuê đến 50% tổng số xe, thậm chí có doanh nghiệp thuê 100% xe.

Đặc biệt, hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lái xe hết sức tuỳ tiện. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có đến 50% số lái xe ký hợp đồng thời vụ với doanh nghiệp. Sự lỏng lẻo này dẫn đến lái xe có thái độ bất cần, sẵn sàng vi phạm như uống rượu bia, phóng nhanh, thậm chí nghiện ngập. Đây là mầm hoạ TNGT.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG