Nghẹt thở giải cứu 10 công nhân

Nghẹt thở giải cứu 10 công nhân
TP - 15h ngày 30/9, tại các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò, TP Vinh có mưa lớn. Cuối giờ chiều cùng ngày, mưa dồn dập, gió tăng cấp 10, cấp 11 ở đảo Hòn Ngư.

> Khẩn cấp di dời hàng vạn người dân
> Lo hồ chứa thủy điện, thủy lợi mất an toàn

Dù không nằm trong tâm bão nhưng tại Nghệ An toàn bộ các huyện vùng bãi ngang bị ảnh hưởng nặng nề. Một số căn nhà bay ngói. Nhiều cây cối ven biển bị bẻ gãy. Trước đó, toàn tỉnh đã di dời 1.643 hộ gia đình, với hơn 5.995 người đến nơi an toàn. Trong đó, thị xã Cửa Lò có số dân phải di dời lớn nhất (1.231 hộ/4.265 khẩu).

Sáng hôm qua, ngư dân xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu) trên đường vào bờ tránh bão phát hiện một chiếc tàu không có số hiệu bị chết máy, trôi dạt trên biển giữa sóng to, gió lớn. Ngư dân Quỳnh Thuận áp sát con tàu thì phát hiện những người trên tàu có quốc tịch Trung Quốc, đang khá hoảng loạn liền báo về Đồn biên phòng Quỳnh Thuận xin cứu hộ.
Nhận được thông tin, Đồn biên phòng Quỳnh Thuận đã cử tàu cao tốc ra cùng với tàu cá ngư dân lai dắt con tàu bị chết máy vào bờ.

22h00’ cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường rời công sở. Qua điện thoại, ông Đường cho biết: “Đề phòng đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 10, toàn tỉnh đã chủ động tập trung chống bão, các hộ dân vùng ven biển và những địa điểm có nguy cơ sạt lở, úng ngập, chúng tôi đã chủ động cho bà con di dời đến nơi cao ráo”. Lúc 23h, tại Nghệ An tiếp tục có mưa to, nhưng cường độ gió đã giảm dần.

Khoảng 18h10’ chiều 30/9, Đồn biên phòng cảng Vũng Áng nhận được tín hiệu cấp cứu từ đội công nhân đang trú trong một chiếc container tránh bão ở khu vực sông Quyền, thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh. Nhóm công nhân 10 người thuộc Công ty TNHH Hà Thành (tỉnh Hà Tĩnh) bị mắc kẹt giữa trùng vây bão lũ buộc phải trèo lên nóc container, sau đó tất cả di chuyển lên cabin chiếc máy cẩu ở gần đó và phát tín hiệu cấp cứu.

Ngay sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu, lực lượng cứu hộ tỉnh Hà Tĩnh do Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trực tiếp chỉ huy cùng chục cán bộ, chiến sỹ biên phòng tức tốc rời cảng Vũng Áng phóng xe về xã Kỳ Trinh.

18h 30’ cùng ngày, bão số 10 tiếp tục tàn phá dữ dội, gây mưa to gió lớn, khiến việc di chuyển gặp khó khăn. 19h, lực lượng cứu hộ cách nhóm công nhân khoảng 700m nhưng không ai có thể tiếp cận được do mưa lớn, gió dữ dội. Nước sông đang lên, uy hiếp tính mạng của 10 công nhân. Tình trạng rất nguy cấp! Lực lượng cứu hộ điều động một chiếc ca nô cỡ lớn từ cảng Vũng Áng lên hiện trường. Đến khoảng 20h cùng ngày, nhóm công nhân đã vào bờ an toàn.

Tại huyện Kỳ Anh, gió giật cấp 11, cấp 12 kèm theo mưa lớn. Điện bị cắt tại nhiều xã. Thông tin liên lạc khu vực bãi ngang hiện bị gián đoạn. Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Kỳ Liên bị ách tắc cục bộ. Chủ tịch xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân), ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Mưa dữ dội, nhiều cụm dân cư trong xã ngập nước, một số hồ nuôi thủy sản bị vỡ. Sóng biển dâng cao, tràn vào gần đường nhựa ven biển uy hiếp hàng trăm hộ dân!”. Nhiều cây cối, cột điện tại huyện Cẩm Xuyên bị gió bão bẻ gãy.

Trao đổi với PV Tiền Phong vào lúc 22 giờ tối qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết, do cơn bão vào địa bàn Hà Tĩnh kéo dài từ 3 giờ chiều đến gần 8 giờ tối bão mới tan nên công tác thống kê thiệt hại chưa được đầy đủ.

“Bước đầu xác định huyện Kỳ Anh là địa phương chịu ảnh hưởng bão mạnh nhất trên toàn tỉnh, hơn 1.000 nhà dân, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái, cây cối bị đổ ngổn ngang. Hệ thống lưới điện, 2 thuyền gỗ ở xã Kỳ Lợi bị sóng đánh trôi”, ông Khánh nói. Công tác thống kê thiệt hại trên địa bàn huyện Kỳ Anh gặp rất nhiều khó khăn khi lưới điện và sóng điện thoại tê liệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG